Vẫn vẹn nguyên tình yêu Hà Nội
HGĐT- Tháng 10 tới, Hà Nội - Thủ đô thân yêu, trái tim của cả nước chính thức gia nhập câu lạc bộ các thành phố nghìn năm tuổi. Một nghìn năm là quãng thời gian dài, phản ánh rõ nét sự phát triển của Hà Nội từ khi vua Lý Công Uẩn quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long.
Hà Nội ngày nay, đã hội tụ đủ các yếu tố của một thành phố năng động, hiện đại nhưng vẫn mang dáng cổ kính, trầm mặc, rất riêng. Đối với mỗi người con dân đất Việt, dù chỉ một lần đặt chân đến, Thủ đô Hà Nội cũng sẽ đọng lại trong họ nhiều ấn tượng. Một Hồ Gươm với Tháp Rùa nghiêng soi bóng; một Văn miếu Quốc tử giám, nơi khẳng định sự học của người Việt luôn được tiếp nối ngàn đời; một phố dài thoảng mùi hoa sữa...và một thành phố hiện đại, được quy hoạch, mở rộng không gian, đang từng bước khẳng định sự phát triển phù hợp với thời cuộc. Còn những người sinh ra, lớn lên ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội là tuổi thơ, là máu thịt nên “Dù có đi bốn phương trời” vẫn không thể nào quên.
Tôi sinh ra ở vùng đất Mê Linh, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa; nơi có vùng đất trồng hoa hồng nổi tiếng nằm ven Hà Nội. Vùng đất ven đô với những con người luôn cần mẫn, họ cóp nhặt từng chút hương thơm từ đất, làm lên những mặt hàng nông sản cung cấp cho nội thành Hà Nội. Đặc biệt, các loại hoa hồng có nguồn gốc từ Mê Linh đã hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, trở thành giá trị tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân Hà Nội. Để có những bông hoa đẹp nhất mang vào Thủ đô, người trồng hoa luôn phải thức khuya, dậy sớm. Họ có mặt trên những ruộng hoa từ chiều hôm trước, lựa những nụ hoa vừa xinh, mang về nhà phân loại. Sớm hôm sau, họ chất những bó hoa lên xe chở vào nội đô, vì vậy, người Hà Nội luôn được thưởng thức những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất do người dân vùng ven đô dâng tặng. Tuổi thơ những đứa trẻ vùng ven đô quê tôi là chiều chiều thả diều trên bờ đê lộng gió, là những ngày nghỉ học giúp bố mẹ thả bò ngoài bãi ven sông Hồng. Có những chiều nằm phơi mình trên đống rơm vàng mùa gặt mà mơ về một cuộc sống sung túc, đầy đủ phía nội thành. Vùng ven đô quê tôi hơn hai mươi năm trước vẫn là một vùng nông thôn đặc sệt theo đúng nghĩa của nó. Khi ánh nắng tắt phía cuối trời, cả vùng quê chìm trong ánh đèn dầu le lói, những đêm trăng sáng, đám trẻ làng vẫn nô đùa, bắt đom đóm trên bờ đê và mắt luôn dõi về phía cầu Thăng Long với ánh điện nhấp nháy, đẹp mê hồn.
Mơ ước được đặt chân lên cầu Thăng Long tiến vào vùng nội đô của những đứa trẻ ngày đó cũng thành hiện thực khi chúng tôi lần lượt đặt chân vào cổng trường đại học. Hà Nội với 36 phố phường, với 5 cửa ô luôn là niềm khao khát khám phá của những chàng tân sinh viên mới chân ướt, chân giáo từ vùng ven đô đặt chân đến. Chiếc xe đạp Thống Nhất mòn lốp, vẹt cả pi - đan vẫn vững vàng đưa tôi đến hầu hết các địa danh của mảnh đất Hà Thành. 4 năm đại học, tôi luôn có cảm nhận, suy nghĩ rất lạ về Hà Nội. Tất cả điều đó, dần nói lên tôi đang khám phá, tìm hiểu được nhiều giá trị độc đáo của mảnh đất này và chỉ cần một lần chạm đến từng con đường, góc phố, từng hiện vật cũng thấy yêu hơn. Tôi rất yêu những bài hát về Hà Nội; yêu những con phố mùa đông, cành cây trụi lá, yêu cái vội vã của dòng người trở về sau giờ làm việc. Đêm mùa Đông, phố phường Hà Nội tĩnh lặng hơn, những quán cóc vỉa hè với bếp than hồng, chén nước chè xanh là nơi sưởi ấm biết bao tâm hồn lãng tử. Tôi yêu phố cổ Hà Nội, nơi đây khác xa với những con phố sôi động, náo nhiệt dòng người và xe, cuộc sống người dân phố cổ rất nền nã, tĩnh lặng.
Thời gian dần trôi, khi đất Hà Thành đã trở thành máu thịt của chính mình thì những chàng tân sinh viên ngày nào cũng đến lúc phải rời mái trường đại học. Yêu cầu cuộc sống, công việc khiến chúng tôi, mỗi người bôn ba một phương trời. Người ở lại Hà Thành, ngày đêm cống hiến sức mình, góp phần công sức nhỏ bé cho Thủ đô ngày càng phát triển; người đặt chân đến vùng đất mới, nơi đó đang cần những con người biết hiến tuổi thanh xuân cho khát vọng vươn tới tương lai. Tôi lên Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc nhận công tác. Ngày chia xa Hà Nội, xa vùng ven đô, tôi mới cảm nhận hết những giá trị của cuộc sống, những cảnh vật, con người hàng ngày mình vẫn nhìn thấy, vẫn giao tiếp, đáng quý, đáng trân trọng biết nhường nào. Cuộc sống nơi mảnh đất tột cùng phía Bắc của Tổ quốc không ồn ào, náo nhiệt như mảnh đất Hà Thành. Đêm đầu tiên sống cách Hà Nội hơn 300 km, tôi không tài nào chợp mắt được, bạn bè gọi điện nói hãy nhìn về phía chân trời, nơi có vầng sáng hắt lên thì sẽ thấy ấm lòng hơn, thấy mọi người nơi đó vẫn nhớ về mình. Nhưng từ Hà Giang, nhìn bốn phía, chỗ nào cũng là chân trời, núi cao che khuất tầm mắt, hướng nhìn bị hạn chế, không thấy được vùng chân trời có ánh sáng nên đành lấy đĩa nhạc về Hà Nội nghe và tôi đã chìm vào giấc ngủ.
Gần 10 năm gắn bó với mảnh đất nơi cực Bắc, Hà Giang đã trở thành quê hương thứ hai, người Hà Giang cũng trở thành anh em một nhà, thành người tri kỷ, cùng tôi chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống. Công việc của người làm báo giúp tôi có điều kiện đặt chân đến mọi miền quê của mảnh đất cực Bắc Hà Giang, đến với những con người đang cần mẫn làm việc, từng bước thực hiện công cuộc XĐGN. Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng nhiều mặt hàng nông sản, nhiều sản phẩm mang đậm nét văn hoá, truyền thống của người Hà Giang đã có mặt ở Hà Nội và nhiều hàng hoá xuất xứ Hà Nội cũng tràn ngập thị trường Hà Giang. Tuy cách nhau hơn 300 km nhưng mỗi ngày có hàng chục chuyến xe khách xuất bến từ Hà Giang đi Hà Nội và ngược lại. Chỉ cần 5 tiếng đồng hồ là người Hà Giang có thể đặt chân đến mảnh đất Hà Nội, cũng chỉ ngần ấy thời gian, đồng nghiệp tôi từ các cơ quan báo chí, bạn bè đang làm việc ở Hà Nội đã có mặt ở Hà Giang để khám phá những sắc màu văn hoá độc đáo chỉ có trên mảnh đất cao nguyên Hà Giang... Điều này khẳng định sự giao thoa văn hoá, sự phát triển và trên hết là sự gần gũi về mặt tình cảm đã rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Hà Nội -Thủ đô, trái tim của cả nước với mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc Hà Giang. Điều đó cũng làm tôi thấy yêu hơn, quý trọng hơn mỗi khi nhớ về Hà Nội.
Gần đến ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bạn bè gọi điện nhắc thu xếp thời gian về đúng dịp. Những ngày này, không chỉ riêng tôi, riêng những người đã từng sống, học tập, làm việc ở Hà Nội mới hướng về Thủ đô. Tất cả người dân Hà Giang cũng như những con dân đất Việt đang sống khắp năm châu đều hướng về Thủ đô ngàn năm tuổi. Nhân dân các dân tộc Hà Giang đang ra sức thi đua, lao động sản xuất, lập nhiều thành tích chào mừng 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chào mừng Thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của cả nước tròn nghìn năm tuổi.
Tôi sẽ trở về Hà Nội, mảnh đất chất chứa bao kỷ niệm trong tôi. Trở về để lại được đắm mình trong những dòng cảm xúc, được đi trên những con phố quen thuộc, gặp lại những người mà tôi mến yêu!
Ý kiến bạn đọc