Hướng đi cho lao động nông thôn
HGĐT- Thực tế cho thấy, nguồn lao động, đặc biệt là lao động nông thôn tại tỉnh ta tương đối dồi dào về số lượng nhưng hạn chế về trình độ, năng lực. Do vậy giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cần gắn với công tác đào tạo nghề theo hướng xuất khẩu lao động, đồng thời tạo công ăn việc làm tại chính địa phương thông qua việc triển khai các mô hình kinh tế, gắn người lao động với các HTX.
Lớp đào tạo nghề tại xã Vần Chải (Đồng Văn).
|
Để thực hiện công tác xuất khẩu lao động, Sở Lao động TBXH đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thẩm định, trình tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực nông thôn đến năm 2010 và 2020 của 6 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tiến hành tuyển sinh dạy nghề ngắn hạn cho 8.760 lao động nông thôn, đạt 88,6% kế hoạch; trong đó đào tạo dạy nghề bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước là 7.427 người, nguồn kinh phí nguời lao động tự đóng góp là 1.333 người. Quan tâm đến các nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, người lao động, các doanh nghiệp như: Kỹ thuật điện, nông lâm, xây dựng, thêu ren... Phối hợp với trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định quản lý thực hiện đầy đủ các chính sách đối với 201 sinh viên đang học chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh, duy trì các lớp dạy nghề trung cấp cho 1.140 học sinh, đạt 136,3% kế hoạch năm, số học sinh học nghề dài hạn bằng 70,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ dạy nghề cho cán bộ giáo viên các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn Trung tâm dạy nghề các huyện, thị thành lập, xây dựng quy chế hoạt động, đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định, đồng thời tiến hành rà soát số lượng lao động tại khu vực nông thôn để có chính sách tuyển dụng, dạy nghề phù hợp...
Song song với công tác đào tạo, dạy nghề, các đoàn thể, chính quyền từng huyện có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Tuy nhiên các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện, thị chủ yếu trên lĩnh vực khai khoáng, xây dựng nên nguồn lao động tại địa phương chỉ mang tính thời vụ. Vấn đề đặt ra là phải tìm hướng xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cần những bước đi bài bản. Thực tế, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh khi tuyển dụng lao động nông thôn đều có chung một tâm lý “ngại” bởi chất lượng của nguồn lao động chưa đảm bảo trong quá trình làm việc. Do vậy giải quyết việc làm cho lao động nông thôn phải gắn với công tác nâng cao chất lượng của chính người lao động, có như vậy nguồn nhân lực mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp, các cụm công nghiệp và phục vụ chính cho nhu cầu xã hội hoá nguồn lao động tại tỉnh ta trong giai đoạn mới.
Ý kiến bạn đọc