Hà Thành, một miền ký ức
HGĐT- “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, ai đã từng có những năm tháng gắn bó với đất Tràng An - Kinh kỳ thì câu hát ấy không còn xa lạ. Với mỗi người con đất Việt, Thủ đô luôn là nơi mà mọi người mong muốn được tụ hội, để được hoà mình vào không gian của những phố phường, của chốn văn vật ngàn năm lưu dấu.
Về với Thủ đô, để được ngấm mình trong cái hương vị của đất trời và để có những chiều lặng lẽ ngồi bên quán cóc, trộm ngắm những tà áo dài thướt tha buổi tan trường...
Với tôi, may mắn đã có một thời được sống cùng Hà Nội, thức cùng Hà Nội và cả lội cùng Hà Nội trong những mùa không vắng những cơn mưa. Hà Thành đã trở thành một miền ký ức thật đẹp với những ngày hè nắng chói trang, của những đêm đông lạnh cóng, thức suốt đêm cho những mùa thi dài - thèm ngủ. Đất Thủ đô hoa lệ trong những buổi đầu tiên, lũ sinh viên chúng tôi ngơ ngác cắp ba lô, đem theo cả những hạt gạo quê một nắng hai sương của mẹ tựu trường. Nhớ lại ngày ấy thật buồn cười, khi mấy cậu tỉnh lẻ chúng tôi lần đầu đi ngược đường một chiều, bị mấy chú cảnh sát giao thông giữ lại. Đoán được chủ nhân của những chiếc xe đạp cà tàng, các chú hỏi, sinh viên mới nhập trường nào vậy – dạ trường Tổng hợp ạ - thế được mấy điểm? 3 môn 21 điểm chú ạ, anh bạn Vân, K43 Sử, quê Thái Bình đáp. Thế cơ à, thôi về Thủ đô nhớ phải học thêm Luật Giao thông nhé.
Bài học đầu tiên trong những ngày nhập Thành đã đưa chúng tôi nhanh chóng hoà mình với mảnh đất này. Cứ ngỡ đất Hà Thành sẽ phải mênh mông như khi ở nhà bà con trong làng dặn, xuống ấy cẩn thận kẻo lạc. Nhưng, chỉ qua một năm đầu tiên, dường như từng con đường, từng ngõ phố đã trở nên quen thuộc. Có lẽ, việc đi và hiểu về cuộc sống Hà Nội chính là một môn học không bắt buộc nhưng lại hết sức quan trọng, và ý nghĩa, đặc biệt là đối với những người ở tỉnh lẻ ít có cơ hội được về nơi đây. Cuộc sống nơi đây có lẽ muôn hình, muôn vẻ hơn bất kỳ một nơi nào trên mảnh đất Việt Nam, bởi lẽ đây là mảnh đất hội tụ hồn thiêng của sông, của núi, nơi tứ chấn hội quần của 36 phố phường và những làng nghề tài hoa. Bất ngờ giữa một Hà Nội ồn ào buổi ban ngày, nhưng lại vắng lặng những quãng đường thơm sực mùi hoa sữa - phố Quang Trung, đường Nguyễn Du khi đêm về. Những ngõ nhỏ đêm đông yên ắng, bỗng làm cho ta đói hơn khi nghe tiếng rao vang vọng của những hàng bánh mì, bánh khúc. Vì thế, có lẽ bất kỳ ai đã từng sống ở đây, khi rời xa Hà Nội, ngoài những nỗi nhớ riêng tư về một mái tóc dài, một đoạn bờ hồ, một góc công viên lãng mạn..., thì chắc sẽ không thể nào quên được tiếng rao “ai khúc noóng nào, khuúc noóng đeeê...”, “mì noóng đeê”...
Hơn chục năm trước, khi chuẩn bị rời Hà Nội, tôi và bè bạn thường thức hàng đêm trăn trở, suy tư trụ lại hay về quê!?. Có rất nhiều người ở tỉnh lẻ sau khi ra trường đã không muốn trở về quê cha mẹ, hoặc từ chối những công việc ở những tỉnh miền núi xa tít tắp. Quyết tâm “bám trụ” quanh Tháp Rùa là một tiêu chí của không ít các bạn trẻ khi cầm trên tay tấm bằng ông nghè, ông cử. Hà Nội, với tiếng gọi tha thiết của lịch sử, hiện tại và tương lai, giữa chốn phồn hoa náo nhiệt, là nơi tụ hội của biết bao hiền tài qua ngàn năm văn hiến, để từ đó hun đúc lên một vùng thiêng đất Việt. Giữa những tiếng gọi ấy, có cả những cám giỗ khiến cho rất nhiều người đã lao vào vòng quay để “chiến đấu” cho một xuất “đứng bên bờ Hồ”. Trong lúc ấy thì những mảnh đất miền núi xa xôi, những vùng quê xa hút như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu... lại đang đợi những con người cần cho công cuộc phát triển. Vì thế, trong một lần tâm sự với các cử nhân trẻ giữa đất Thủ đô, cử nhân Dương Trung Quốc, (hiện là đại biểu Quốc hội) hóm hỉnh đùa, ông rất thích bài hát “Quê hương” và rất đồng tình với câu “Quê hương là chùm khế ngọt”, nhưng nếu “cho con trèo hái mỗi ngày” thì còn đâu khế để mà hái. Đó chính là lý do để nhiều người trẻ dù có yêu Hà Nội đến thế nào cũng phải nghĩ rằng, đâu phải chỉ có “bám” với Thủ đô thì mới có cơ hội. Vẫn còn nhiều nơi để ta thử sức, đó mới là nơi để có thể chứng minh năng lực và bản lĩnh của tuổi trẻ. Đúng là những người nổi tiếng thì bao giờ cũng có những câu nói, cách nói để mọi người phải lưu tâm và nhớ mãi. Và câu nói ấy của cử nhân Dương đã trở thành một động lực để cho rất nhiều người trong số chúng tôi giã từ “miền đất hứa” cất bước trên hành trình “tiếng hát con tàu” lên những miền Tây Bắc, đến với những nơi thực sự cần mình.
Xa Hà Nội gần chục năm, mải miết mưu sinh nên tôi ít có dịp được về với mảnh đất này. Có ít lần được trở về trong những chuyến công tác, nhưng lại “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Gặp lại bạn bè, những người cùng lớp “trụ” lại Hà Nội, giờ đã là những thạc sĩ, giảng viên trường nọ, công chức bộ kia nghe thật oách. Có người hỏi, sao cậu không về đây học thạc sĩ đi!? – Tôi đùa lại,nghe nói thạc sĩ bây giờ cũng lắm đường lắm, hơn nữa mình còn vợ con, không có tiền... thôi tôi chỉ làm cử nhân già thôi cũng được - Cả lũ bạn Hà Nội của tôi bỗng phá cười - vẫn nhớ câu nói của “ngài” Dương Trung Quốc à...
Hà Nội so với chục năm trước đã đổi thay vượt bậc, sức vóc xứng tầm với một thủ đô ngàn năm văn hiến. Mỗi khi về đây, đi tìm lại một chốn ngày xưa trên những sự đổi thay ngày nay cũng không khó lắm, bởi những ký ức về một miền Hà Thành lúc nào cũng đầy ắp trong tôi. Thời khắc cho ngày Đại Lễ đang đến gần, mùa thu nắng vàng càng gợi cho ta nhớ đến những kỷ niệm một thời sống trong lòng Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc