Góp chút “hương thơm” về thủ đô ngàn năm tuổi

17:15, 11/08/2010

HGĐT- Sau Đại hội Đảng bộ Công ty cổ phần chè Hùng An (Bắc Quang), không khí lao động, thi đua sản xuất giỏi sôi động khác thường. Những lò chè tưởng như xanh hơn, búp nhiều hơn và nét mặt những người “công nhân nông nghiệp” bán lưng cho giời, bán mặt vào những vườn chè cũng như tươi hơn, hồ hởi hơn.


 
 Rất nhiều Cúp Vàng cho chất lượng chè Hùng An.
Theo ghi nhận: Sau một nhiệm kỳ Đại hội, mà cũng là quá trình 5 năm cổ phần hóa từ công ty Nhà nước sang công ty cổ phần đã đánh dấu một bước ngoặt mới, bước ngoặt của sự “tự chủ sản xuất, kinh doanh” đối với tất cả người lao động, không trừ một ai. Có một nhận xét rất hay: Cổ phần hóa chính là “tôi đi làm thuê... cho tôi”, chứ không phải cho một ai khác. Với 321 công nhân, 68,5% là nữ, ở 253 hộ gia đình trong “đại gia đình” chè Hùng An giờ đây là một. Sau nhiệm kỳ 5 năm thôi, là bấy nhiêu sự đổi thay. Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Hà cho biết: Sau cổ phần hóa gần như toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải sắp xếp lại để duy trì sự sống của trên 300 công nhân, 253 gia đình bám vào nương chè, trong lúc suy thoái kinh tế toàn cầu đâu phải chuyện... chơi. Được thành lập từ năm 1973, Công ty Chè Hùng An vốn nổi tiếng trong cả nước về các sản phẩm chè chế biến. Giám đốc Nguyễn Đình Mạnh cho biết: Phần lớn các sản phẩm chè của công ty làm ra đều đổ về Hà Nội. Người Hà Nội uống chè Hùng An cũng khác lạ bởi cho rằng chè Hùng An là loài chè hữu cơ nơi cực Bắc Tổ quốc, thơm, đậm, thấm đẫm tình người. Hiệp hội chè thế giới ITC Luân Đôn đánh giá: Chè Shan tuyết Hà Giang là một trong 3 vùng chè hữu cơ tốt nhất trên mảnh đất hình chữ S. Nếu như vậy, thì người Hà Nội, uống chè Hùng An là hoàn toàn có lý và lý do rất xác đáng. Tiến sỹ Đào Thị Kim Nhung ở Viện Nghiên cứu thực phẩm miền Bắc chuyên nghiên cứu chè tại Viện chè T.Ư khẳng định: Chè Hà Giang có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bồi dưỡng trí não, chống phóng xạ, ngừa ung thư... nhờ các dược chất: Flavonol và các flavo nonl khác, ta nin và có rất nhiều trong chè Shan tuyết Hà Giang. Và mới đây nhất, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã đưa chè Shan tuyết Hà Giang vào bảo tồn loài gen đầu dòng của các sản phẩm chè trên quy mô thế giới. Đưa ra các lý do trên, các anh lãnh đạo Công ty Cổ phần chè Hùng An tự hào: Hương chè Shan tuyết Hùng An đã đoạt tới 4 Cúp vàng thương hiệu nhờ các sản phẩm đi khắp thủ đô các nước trong khu vực, thế giới đấy. Giám đốc Công ty xuất khẩu chè Cầu Tre tại thành phố Hồ Chí Minh thì khẳng định: Làm nên thương hiệu chè Cầu Tre nổi tiếng ở thị trường chè Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc từ những năm 2007 đến nay chính nhờ sản phẩm chè được cung cấp từ chè Hùng An, Bắc Quang, Hà Giang. Sự nối tiếp trong một “chuỗi xoắn kép” nối tiếp nhau đã tạo cho chè Hùng An, chè Hà Giang ngày một “hữu xạ tự nhiên hương” đi khắp các châu lục, các nước trong khu vực và thế giới. Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, ông Đoàn Anh Tuân, hiện cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chè Hùng An tự tin: Từ nay đến cuối năm và đặc biệt vào dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội, chè Hùng An sẽ đem về thủ đô góp vào đó chút hương chè, tấm lòng thảo thơm của người vùng chè cho thủ đô thêm hương dậy, sóng cồn trường tồn với dân tộc ngàn năm văn hiến. Hiện tại, mỗi tháng chè Hùng An bán tại Hà Nội 60 – 70 tấn sản phẩm chè cao cấp các loại. Ngay trong lúc này, tức hết tháng 7.2010, chè Hùng An đã sản xuất, tiêu thụ trên 400 tấn chè thành phẩm, trị giá trên 10 tỷ đồng, tạo đủ việc làm cho 321 lao động. Theo đánh giá sơ bộ, sau Đại hội Đảng bộ của công ty, Ban giám đốc được sự hậu thuẫn của người lao động đã đầu tư xây mới toàn bộ nhà xưởng, đủ công nghệ mới được lắp đặt. Chè làm ra là: Chè xanh, chè sao lăn, chè đóng bánh, chè tạo viên, tạo hình... đáng kể nhất là công nghệ mới của Si Li Lan Ka,Ấn Độ, Trung Quốc được đưa vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Một dây chuyền, công xưởng chế, ủ sản xuất chè đen công suất 35 – 40 tấn nguyên liệu/ngày được làm mới toàn bộ, đồng bộ từ các khâu trong đầu vào, đến đầu ra. Một trạm cân điện tử được lắp đặt, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức lao động v.v... đã làm cho quá trình làm chè, chế biến chè, tiêu thụ chè ở công ty thay đổi cơ bản về chất, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, hạ chi phí, giá thành đầu vào, bán ra bằng giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất, làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động. Qua gần 8 tháng, hơn 400 tấn sản phẩm làm ra được bán hết. Thị trường chủ yếu là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đánh giá thị trường chè năm nay, Giám đốc Công ty Nguyễn Đình Mạnh cho biết: Kinh tế toàn cầu đã phục hồi, chè tiêu thụ thuận lợi. Mặt nữa là căn cứ vào nhận định của Hiệp hội chè Việt thì nhu cầu tiêu dùng chè của thế giới giữ ở mức tăng bình quân đến năm 2020 với mức tăng mỗi năm gần 3%. Thị hiếu tiêu dùng là các sản phẩm hữu cơ thân thiện, đặc biệt hơn là người tiêu dùng ở các nước phát triển chú trọng rất nhiều đến các sản phẩm truyền thống thuần khiết tự nhiên, không có biến đổi gen và sự tác động quá đà của con người. Trên cơ sở đó, hướng đi chính của chè Hùng An là: Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, bằng cách đầu tư sâu cho chế biến, nhằm tạo ra thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Ông Đỗ Chiến Khang và ông Nguyễn Thế Học, những cựu đội trưởng, cựu công nhân làm ra chè Hùng An từ những năm 1974 đến nay tâm sự: Hơn 30 năm tuổi Đảng và hơn ngần ấy năm lăn lộn, gắn bó với chè Hùng An mới thấy cây chè, chút hương đọng lại trong người tiêu dùng không phải là dễ, mà rất khó. Còn nói việc bán chè về cho người Tràng An để họ chấp nhận được, yêu mến được lại càng khó bội phần. Nhưng nay, chè Hùng An đã có mặt trong các siêu thị Plaza, Ximax, Tràng Tiền, Hồ Gươm... là điều rất ấn tượng, rất tự hào với những người làm chè Hùng An và với những cá nhân được làm, được sống và cống hiến như những cựu đảng viên, cựu công nhân ở đây. Hỏi chuyện gửi gì về Thủ đô ngàn năm văn hiến? Ông Đỗ Chiến Khang quả quyết: Chúng tôi không gửi, mà chỉ góp chút hương chè ngát hương, thấm đẫm tình người Hùng An, người tột Bắc về Thủ đô, để cho Thủ đô chúng ta càng ngày càng ngát hương thơm như tâm hồn người Việt luôn tỏa sáng cùng thế giới từ xưa nay vậy.


Điểm lại kết quả duy trì sau 5 năm của 321 người lao động gắn bó với cây chè, làm ra các sản phẩm có hương thơm, vị ngọt gửi tặng đồng bào Thủ đô, đồng bào các dân tộc trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới mới thấy hết sự cần mẫn của người làm chè Hùng An. Khi xưa đi học mới hay “... Ai ơi bưng bát cơm đầy...” và mỗi hạt gạo bà tôi, mẹ tôi làm ra được đổi bằng “9 giọt” mồ hôi, mới thấy mỗi cọng chè, hương chè làm ra được đổi bằng bao nhiêu nhỉ? Để cho hương đời thơm mãi như hương chè Hà Giang, chè Hùng An? Thống kê cho thấy, sau 5 năm đại hội, các công nhân vùng chè đã làm ra gần 10 ngàn tấn chè và tiêu thụ cũng ngần ấy. Doanh thu đem lại trên 49,3 tỷ đồng, nuôi sống 253 hộ gia đình, nộp bảo hiểm cho người lao động trên 5,5 tỷ đồng, góp vào ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng. Lợi nhuận để tái tạo sản xuất gần 700 triệu đồng, xây dựng các loại quỹ 165 triệu đồng v.v... Đáng nói hơn nữa chính là người vùng chè đã “tự nhiên hương” cho họ để không hổ danh hương trà thơm ngát: Qua 5 năm Đại hội Đảng bộ Công ty, số hộ giàu, khá chiếm 33,4%, không có hộ nghèo. Có 6 lượt, 90 công nhân trong 5 năm được đi du lịch, tham quan và học tập làm giàu cho cuộc sống. Vẫn biết làm nông nghiệp ngập đầy rủi ro, vất vả. Làm chè, làm công nhân nông thôn như người làm chè Hùng An không ngoài phạm trù đó. Tuy vậy, với họ, với người, với đất, với cây chè Hùng An lại ngày một thoát hương, thẩm thấu sâu vào cuộc sống, mang cho đời nhiều sức khỏe, nguồn vui. Rời vùng chè xanh ngan ngát trên 254 ha đang mùa đua búp, hay lặng yên nghe và hít hương trà lan tỏa trong xưởng sản xuất của doanh nghiệp, mới hay “tự nhận” ra điều cao cả, người vùng chè Hùng An, Hà Giang đang miệt mài chắt lọc từ đất, từ mồ hôi, công sức của vùng chè để xây dựng nền kinh tế phát triển vững mạnh mà cây chè, vùng chè được Đảng bộ tỉnh xác định là cây mũi nhọn và cũng là gom góp gửi chút hương thơm về Thủ đô nhân dịp Đại lễ Thăng Long ngàn năm tuổi, nơi hội tụ “hồn thiêng sông núi nước Nam”.


NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một lần lên xóm Mùa Lài Lủng
HGĐT- Rời mái trường chuyên nghiệp với rất nhiều lý thuyết chất chứa, năm 2002, tôi may mắn được nhận về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sau vài tháng “nhìn ngắm” công việc ở văn phòng, một buổi đồng chí Trưởng Ban vào thăm phòng và nói, ngày mai cháu đi công tác Mèo Vạc với chú nhé. Vốn chỉ được biết Mèo Vạc trên ti vi, lại là lần đầu tiên được đi công tác, cả đêm đó
30/07/2010
Quyết Tiến vững bước với các phong trào thi đua yêu nước
HGĐT- Những năm qua, nhiều phong trào thi đua được thôn Quyết Tiến của thị trấn Đồng Văn thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả thiết thực. Theo thời gian, các phong trào thi đua yêu nước của thôn ngày càng phát triển cả về chiều sâu và bề rộng.
30/07/2010
Đoàn trường Đại học Y tế Công cộng khám, chữa bệnh miễn phí cho đối tượng nghèo tại xã Sà Phìn
HGĐT- Từ ngày 10 - 12.8, Đoàn Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội gồm 19 người, là những ĐVTN, sinh viên phối hợp với Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang đã tổ chức đến huyện Đồng Văn khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho người nghèo, các gia đình thuộc đối tượng chính sách các dân tộc tại xã Sà Phìn.
11/08/2010
Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng 2010 ở Lào: Hành trình đến nơi gian khó nhất
Chúng tôi bắt đầu hành trình đến với những bản làng xa xôi của huyện Dăk Chưng, tỉnh Sekong (Lào) từ 9g sáng một ngày đầu tháng 8-2010...
10/08/2010