Bão số 3 đổ bộ đã gây nhiều thiệt hại
Đến 17 giờ chiều nay (24.8), bão số 3 đã tràn vào Nghệ An - Hà Tĩnh, Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ, gây thiệt hại bước đầu về người và tài sản, cơn bão vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thanh Hóa: Sơ tán dân khẩn cấp
Xã Định Long, huyện Yên Định: Sáng 23.8, một vụ sét đánh đã làm một trẻ em chết tại chỗ và năm người khác bị thương |
Đến 16 giờ ngày 24-8, huyện Hậu Lộc đã tổ chức sơ tán gần 4.000 người dân (chủ yếu là trẻ em) ở 6 xã ven biển: Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Hòa Lộc, Hải Lộc đến các khu vực an toàn.
Tại huyện Hoằng Hóa, cùng với việc sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, các xã, thị trấn và xí nghiệp thủy nông đã huy động tổ máy bơm vận hành hết công suất.
Vào hồi 12h trưa ngày 24-8, nhận được thông tin tàu vận tải của chủ tàu ở TP Thanh Hóa do ông Quyết ở xã Hoằng Phụ làm thuyền trưởng (trên tàu có 8 người) đang bị mắc cạn cách bờ biển xã Hoằng Thanh 1km, Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt huyện đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng để ra ứng cứu các ngư dân đang mắc cạn trên biển.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Giám đốc Công an tỉnh đã có kế hoạch huy động 600 cán bộ, chiến sĩ thuộc các phòng, ban Công an tỉnh và Công an TP Thanh Hóa sẵn sàng chờ lệnh tăng cường cho các địa bàn xung yếu để sơ tán dân; chủ động, triển khai các biện pháp phòng, tránh bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, bảo vệ an toàn hồ chứa nước Cửa Đạt và các đoạn đê biển xung yếu, bảo vệ các công trình xây dựng ven biển đang thi công...
Nam Định: Cho tới sáng 24/8, lực lượng chức năng đã liên lạc được với toàn bộ 123 tàu thuyền cùng 200 lao động đang hoạt động trên biển; xác định toàn bộ số tàu chỉ hoạt động trong khu vực gần bờ, ít nguy hiểm và sẽ trở về nơi tránh trú.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ngành, các công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, chủ động triển khai phương án phòng chống theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy PCBL Hà Tĩnh 15 giờ chiều nay, tại TP Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, lượng mưa đo được là 307,5mm, nhiều ngôi nhà bị ngập trong nước.
Ngoài ra, lượng mưa đo được tại các trạm thủy văn như: Chu Lễ là 292,5mm, Linh Cảm: 170,2 mm; các huyện như: Hương Khê là 264,3mm, Kỳ Anh gần 200mm, riêng lưu vực sông Ngàn Sâu là: gần 11m (trên báo động 1).
Một ngôi nhà gần bãi biển Thạch Bằng (Hà Tĩnh) bị đánh sập |
Sáng nay 24.8, toàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to. Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, lượng mưa đo được tại Minh Hóa là 379mm, Tân Mỹ 217mm, Lệ Thủy 137mm, Đồng Hới 196mm, Đồng Tâm 278mm; hiện mực nước sông Gianh tại một số nơi đã lên mức báo động 1.
Theo thông tin ban đầu, tại huyện Quảng Ninh, lốc xoáy đã làm tốc mái, hư hỏng 30 ngôi nhà và 2 trường học trên địa bàn 2 xã Hiền Ninh và Duy Ninh.
Đặc biệt, hiện có khoảng 15.000 ha lúa vụ hè - thu chuẩn bị thu hoạch trên toàn tỉnh đang chìm trong nước và bị gió đánh rạp, có nguy cơ mất trắng.
Theo báo cáo mới nhất từ Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Bình, quốc lộ 12A tại Km 138+100 (địa bàn xã Dân Hóa, H.Minh Hóa) bị sạt lở, cầu Cha Lo 3 bị ngập sâu trên 1m khiến giao thông từ đường Hồ Chí Minh nối lên cửa khẩu Cha Lo bị ắch tắc.
Chiều tối nay, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề cho biết 2 người cùng ở xã Kim Hóa là Cao Văn Hoàn (31 tuổi) và Cao Văn Thiu (19 tuổi) đã bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi rừng về, hiện vẫn chưa tìm thấy.
Ứng trực cao độ, bảo đảm thông tin thông suốt |
Tỉnh Nghệ An có 4.482 tàu thuyền với 23.000 lao động đã vào bờ neo đậu, tuy nhiên do gió giật mạnh, biển động dữ dội nên nhiều tàu thuyền va vào nhau gây thiệt hại. Toàn tỉnh có 91.000ha lúa, với 48.000ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch, số còn lại đang trong thời kỳ chăm sóc rất nhiều khả năng bị ảnh hưởng nặng.
Tại các huyện thị ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc nơi cơn bão đổ vào đất liền, lượng mưa đo được có nơi đã lên gần 200mm. Trên các sông nguy cơ xuất hiện một đợt lũ lớn; nếu mưa lớn tập trung, nhiều hồ chứa nước trên địa bàn có khả năng bị quá tải.
Quảng Trị đã có mưa to và rất to, mực nước trên các sông lớn tại Quảng Trị như Bến Hải, sông Hiếu, Thạch Hãn, Gia Vòng… đạt mức báo động 1 và vượt báo động 1.
Hàng ngàn ha hoa màu, lúa hè-thu của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh bị ngập từ 0,5m đến gần 1 m. Cùng với mưa là lốc xoáy làm 15 ngôi nhà ở 3 huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ bị sập và tốc mái hoàn toàn, trong đó Cồn Cỏ có 5 nhà dân và một nhà mẫu giáo. 4 tàu thuyền đang neo đậu tại bải biển xã Hải Khê, huyện Hải Lăng bị lốc xoáy đánh chìm và gây ra hư hỏng nặng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: tính đến 19h tối nay (24/8), tổng lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 – 200mm; một số nơi có mưa lớn hơn như TP.Vinh 329mm; TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 273mm; Tuyên Hóa (Quảng Bình) 261mm…Tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cấp 6, giật cấp 9; đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Quỳnh Lưu (Nghệ An) cấp 9, giật cấp 12; tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cấp 7, giật cấp 9; TP. Vinh cấp 7, giật cấp 9; Văn Lý (Nam Định) cấp 7, giật cấp 9…. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 25/8, vị trí trung tâm áp thấp ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Nghệ An đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to; các nơi khác thuộc Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 – 3 mét. |
Ý kiến bạn đọc