Bạch Đích (Yên Minh) Công tác XKLĐ góp phần tích cực XĐGN
HGĐT- Thực hiện các giải pháp giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, xã Bạch Đích (Yên Minh) đã chú trọng công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhưng do nỗ lực đồng bộ, nên Bạch Đích đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Là một trong những xã biên giới của huyện Yên Minh, Bạch Đích có 646 hộ (3.180 khẩu) của 12 dân tộc anh em sinh sống tại 19 thôn bản. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Phòng Lao động-TBXH huyện, xã Bạch Đích đã thành lập Ban chỉ đạo công tác XKLĐ cấp xã đúng, đủ thành phần; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo; tạo điều kiện cho Ban chỉ đạo XKLĐ huyện và các Công ty lao động tổ chức tư vấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã và bà con nhân dân hiểu lợi ích của công tác XKLĐ về trước mắt cũng như lâu dài. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên bà con nhân dân và người lao động ở Bạch Đích đã hiểu khi tham gia XKLĐ là người lao động có việc làm, tăng thu nhập, XĐGN. Người lao động vừa có việc làm ổn định, vừa có tay nghề cao, vừa làm quen tác phong lao động công nghiệp... Từ đó bà con nhân dân, người lao động ở Bạch Đích đã nhận thức được và hết sức đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác XKLĐ đạt hiệu quả, người lao động tự nguyện đến xã xin đăng ký tham gia XKLĐ.
Những năm qua, Ban chỉ đạo XKLĐ xã đã phối hợp với Công ty Vilesim tổ chức được rất nhiều hội nghị triển khai tư vấn cho đội ngũ cán bộ xã, tư vấn trực tiếp cho hàng trăm lao động có nhu cầu đi XKLĐ. Thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020), trong 6 tháng đầu năm 2010, xã Bạch Đích đã có 108 lao động đăng ký đi XKLĐ, đến nay đã có 65 lao động đăng ký đi XKLĐ tại Malayxia và đang tham gia học văn hóa và nghề tại Hà Nội. Hiện xã đang có 34 lao động đang làm việc tại Malayxia, tổng số tiền các lao động đã gửi về nước được 1 tỷ 380 triệu đồng. Tiêu biểu như lao động Cháng Thị Thủy ở thôn Na Ca, lao động Lù Thén Hùng ở thôn Bản Muồng 4, lao động Lù Thị Luyến ở thôn Cốc Pục... mỗi người đã gửi về cho gia đình trên 60 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi về công tác XKLĐ, đồng chí Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND xã Bạch Đích cho biết: Khi mới triển khai công tác XKLĐ ở xã gặp rất nhiều khó khăn, do đây là một nội dung lớn và rất mới so với địa phương. Hơn nữa bà con nhân dân vẫn giao động tư tưởng vì bất đồng về ngôn ngữ, nếp sống sinh hoạt còn lạc hậu; trình độ văn hóa của người lao động còn hạn chế, chưa có tay nghề, chủ yếu là lao động nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình còn hết sức khó khăn... Song với sự nỗ lực đồng bộ, quyết tâm cao nên công tác XKLĐ của xã đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Công tác XKLĐ đã góp phần tích cực vào việc XĐGN chung của xã cũng như các hộ gia đình có người tham gia XKLĐ. Vì bà con mình không nghe lời nói suông, chỉ khi mắt thấy, tai nghe thì mới tin.
Có thể khẳng định rằng, Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội tốt tham gia XKLĐ. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những tháng cuối năm 2010, Ban chỉ đạo XKLĐ xã Bạch Đích phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của huyện, các Công ty tuyển dụng lao động tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nâng cao trình độ văn hóa, đào tạo nghề cho người lao động thiểu số...
Ý kiến bạn đọc