Trong mỗi cựu chiến binh chất “lính Cụ Hô” luôn tỏa sáng
HGĐT- Đi suốt chiều dài cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang đã tiễn đưa hàng vạn người con lên đường ra chiến trận. Trong số đó, hàng nghìn người đã nằm lại ở các chiến trường, hơn 2 nghìn người trở về với cơ thể không vẹn toàn. Cuộc sống đời thường của những cựu chiến binh (CCB) đầy khó khăn nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn tỏa sáng.
CHẤT “LÍNH” LÀ SỨC MẠNH
“Hơn 10 năm phục vụ trong quân ngũ, tôi trở về địa phương với tấm thân tàn, sức lực đã bị thời gian, trận mạc vắt kiệt. Cuộc sống đời thường của người lính vừa bước ra khỏi quân ngũ là chuỗi ngày vật lộn với bệnh tật và đói nghèo. Những năm tháng quân ngũ thực sự là thời gian tôi luyện bản chất thép cho mỗi người. Chất “lính” Cụ Hồ được trang bị trong những năm tháng ở quân ngũ, đã tiếp cho tôi sức mạnh để vững vàng vượt qua khó khăn, thực hiện thành công ước mơ chiến thắng bệnh tật, đưa gia đình thoát khỏi đói, nghèo...” CCB Lâm Văn Đức, thôn Khuôn Áng, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã tâm sự với chúng tôi như vậy. Ở thị trấn Yên Minh, người thương binh Lâm Văn Đức luôn là tấm gương sáng về nghị lực khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Con đường thực hiện ý tưởng làm giàu của CCB Lâm Văn Đức chính thức khởi động từ năm 1993 khi ông cùng gia đình tích cóp từng đồng vốn, ngày đêm bỏ công sức cải tạo đất hoang hóa thành trang trại chăn nuôi, khai hoang ruộng và trồng rừng. Thời gian đầu, ít vốn, kinh nghiệm chưa nhiều, ông chỉ đầu tư chăn nuôi nho nhỏ với mấy con bò, dê và vài chục con gà, mấy con lợn đen.
Quyết tâm làm kinh tế, xua tan đói, nghèo như ngọn lửa luôn bùng cháy, thiêu tan những mầm bệnh trong cơ thể. Ngày nắng cũng như mưa, người CCB Lâm Văn Đức luôn cần mẫn gieo trồng trên mảnh đất mình khai hoang được. Đến năm 1996, quy mô trang trại đã mở rộng lên gần 20 con bò, 25 con dê, 15 con lợn, trồng được 3 ha rừng, khai hoang được hơn 1.500 m2 ruộng canh tác. Nguồn thu nhập từ kinh tế trang trại không chỉ giúp gia đình ông thoát nghèo mà còn có “bát ăn, bát để”. Có vốn trong tay, ông tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường. Người thương binh Lâm Văn Đức một lần nữa khẳng định chất “lính” đánh đâu thắng đấy bằng cách chuyển từ kinh tế trang trại sang khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng. Những năm gần đây, Yên Minh đang rộ lên nhiều công trình, nhu cầu vật liệu lớn, người thương binh Lâm Văn Đức đã vận động bà con trong thôn góp vốn thành lập HTX. Đến nay, HTX đã đầu tư được 3 máy sản xuất gạch bê tông với các chủng loại khác nhau, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, được nhiều khách hàng tìm đến. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm doanh thu của HTX đạt từ 150-200 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 30 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 35 lao động. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, người thương binh Lâm Văn Đức, không chỉ chiến thắng bệnh tật, chiến thắng đói, nghèo, còn trở thành điển hình tiên tiến để mọi người học tập, làm theo.
Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, CCB Hoàng Xuân Sơn (thị trấn Cốc Pài, Xín Mần) đã “dính” chất độc da cam, sức khỏe giảm sút rất nhiều lại hay đau ốm mỗi khi trái nắng trở trời. Thế nhưng, mỗi khi sức khỏe ổn định, người CCB ấy lại cùng đồng đội, tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên Hội CCB huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau XĐGN. Để các hội viên làm theo, bản thân CCB Hoàng Xuân Sơn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại. Với cách làm bài bản, khoa học, mỗi năm gia đình ông thu về gần trăm triệu đồng. Từ kinh nghiệm thực tế của gia đình, ông tiếp tục tuyên truyền, giúp đỡ các hội viên khác cùng vươn lên từng bước thoát khỏi đói nghèo. Tâm sự với chúng tôi khi được vinh dự về dự Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến, CCB Hoàng Xuân Sơn cho biết: Môi trường quân đội thực sự là nơi để mỗi người tôi luyện bản lĩnh. Những ai đã trụ vững được trong quân đội thì dù ở đâu, hoàn cảnh nào, chất “lính” vẫn được bộc lộ, vẫn bách chiến, bách thắng.
CHẤT “LÍNH” ĐẬP TAN ĐÓI NGHÈO
Khi rời quân ngũ về địa phương, mỗi CCB gánh trên vai một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng ở họ hội tụ một điểm chung đó là nghị lực vươn lên, khát khao chiến thắng bệnh tật, chiến thắng đói nghèo. Dù cuộc sống của nhiều CCB còn rất khó khăn nhưng tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” luôn được phát huy. Phải khẳng định các phong trào như “Ngày vì đồng đội”, “Quỹ nghĩa tình đồng đội”...đã huy động được nhiều ngày công, nhiều vật chất giúp đỡ hội viên khó khăn. Đặc biệt, phong trào “Xóa nhà tạm” đã thực sự trở thành hoạt động tự nguyện, phát triển sâu rộng trong mọi cấp Hội CCB. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, từ năm 2005 đến nay, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã quyên góp tiền, lương thực, ngày công lao động, vật liệu, sửa chữa và làm được trên 600 ngôi nhà mới cho hội viên với tổng giá trị trên 23 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn cho hội viên vay. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 728 tổ tiết kiệm vay vốn với gần 24 nghìn gia đình hội viên, tổng dư nợ các nguồn vốn đạt trên 312 tỷ đồng. Riêng Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã giải ngân trên 8 tỷ đồng, cho 311 hộ vay vốn thực hiện 50 dự án phát triển KT-XH. Bằng nguồn vốn vay trên, các hội viên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò, trồng cỏ làm thức ăn gia súc. Nhiều hội viên đã đầu tư phát triển ngành nghề thủ công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Nguồn vốn vay đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp nhiều gia đình hội viên khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc và nghị lực phi thường của “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Ông Hoàng Long Hính, Chủ tịch Hội CCB tỉnh khẳng định: Hội CCB Hà Giang hiện có hơn 3 nghìn hội viên là thương binh, bệnh binh, hội viên nhiễm chất độc da cam. Nhiều hội viên có hoàn cảnh rất khó khăn nhưnghọ vẫn luôn nỗ lực vươn lên không cam chịu đói nghèo. Với nỗ lực của bản thân, sự động viên, khích lệ kịp thời của gia đình, xã hội và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đến nay tỷ lệ gia đình hội viên khá, giàu đã chiếm trên 40%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,6%. Các hội viên đã thành lập 61 tổ hợp tác, HTX; 26 công ty TNHH; 48 trang trại có diện tích từ 5 ha trở lên; 1.420 gia đình hội viên CCB có vườn, đồi từ 1-5 ha; 832 hội viên đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp cơ sở, 49 hội viên đạt danh hiệu cấp tỉnh... Những kết quả đó là minh chứng sinh động, khẳng định chất “lính”, bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng trong mỗi CCB dù ở bất kỳ môi trường, hoàn cảnh nào.
Ý kiến bạn đọc