Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
HGĐT- Trong những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn về KT – XH, nhưng các cấp uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với thương binh, liệt sĩ (TBLS), gia đình có công với cách mạng. Các cơ quan chức năng đã tích cực quán triệt các chủ trương, chính sách đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, phân công trách nhiệm vụ thể, thống nhất thực hiện đồng bộ. Từ đó, từng bước tạo ra những bước tiến mới trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Huyền, xã Phương Độ (TXHG) luôn nhận được tình cảm chăm sóc từ các đoàn thể địa phương.
|
Với chức năng của mình, Sở Lao động - TB&XH đã và đang thực hiện tốt vai trò theo dõi, triển khai chế độ cho các đối tượng chính sách, hướng dẫn phòng Lao động - TB&XH các huyện, thị và đối tượng chính sách thực hiện các chế độ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, giải quyết chế đô, chính sách đảm bảo đúng đối tượng, đúng thủ tục hồ sơ theo quy định. Theo thống kê, hiện nay tỉnh ta đang quản lí và thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 3.378 người có công và thân nhân của họ được hưởng trợ cấp, trong đó có trên 1 ngàn thương, bệnh binh, 63 cán bộ tiền khởi nghĩa, 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Để thực hiện tốt truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp đối với việc chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được triển khai rộng khắp.
Việc chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng được quy định cụ thể, thuận lợi, kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước. Cùng với đó, việc thực hiện các chế độ ưu đãi, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo thường xuyên được thực hiện với sự quan tâm, đồng tình và tham gia ngày càng mạnh mẽ của toàn xã hội. Qua đó, đã có hàng ngàn đối tượng được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế, được điều trị, điều dưỡng tập trung hoặc tại gia đình, được tổ chức đi tham quan nhiều nơi trong nước. Hàng chục học sinh con em người có công với cách mạng đã, đang học tại các cơ sở giáo dục đào tạo được cấp sổ ưu đãi giáo dục. Từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, Sở Lao động TB&XH cũng đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị và các cơ sở tu sửa, nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ trong tỉnh, đảm bảo khang trang, sạch, đẹp...
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, công tác xã hội hoá phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được triển khai tốt. Hàng năm, Sở Lao động TB&XH đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán, dịp kỷ niệm 27.7... Đến nay, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã được phát triển mạnh, 191/195 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Từ năm 2006 đến nay, tổng số tiền đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa là 3.287 triệu đồng; có 127 nhà tình nghĩa được trao tặng cho các gia đình chính sách, các đơn vị đã trao tặng 334 sổ vàng tình nghĩa cho các đối tượng với tổng số tiền là 110 triệu đồng.
Thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều cơ quan, đơn vị đã thể hiện được trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc đến các đối tượng chính sách. Đặc biệt là các trường học, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực đi đầu với công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện các phong trào quyên góp, ủng hộ, chăm sóc các đối tượng còn khó khăn, động viên, chia sẻ những nỗi đau, mất mát của các gia đình... Với lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc, trong nhiều năm qua, cán bộ, công nhân viên các đơn vị như Điện lực tỉnh, VNPT Hà Giang, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hà Giang... đã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và nhận phụng dưỡng những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh. Đoàn thanh niên ở các địa phương, các trường học cũng phát động những buổi tình nguyện tham gia giúp đỡ các gia đình TBLS, dọn dẹp vệ sinh các nghĩa trang liệt sĩ... Từ đó, góp phần làm giảm nỗi đau, mất mát và những khó khăn trong cuộc sống của các gia đình chính sách.
Có nhiều dịp cùng được đi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp, cơ quan về thăm và chia sẻ với các gia đình TBLS ở những vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới mới thấy hết tấm lòng và sự chung sức của toàn xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong đời sống của người dân nói chung và của các gia đình TBLS, người có công với cách mạng nói riêng, nhưng các gia đình TBLS, người có công với cách mạng luôn bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Trên cơ sở đó, phát huy truyền thống cách mạng, có rất nhiều gia đình đã gương mẫu tiên phong trong các phong trào phát triển của địa phương, trở thành những hộ phát triển kinh tế giỏi, đi đầu trong việc xây dựng gia đình văn hoá, trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng...
Ý kiến bạn đọc