Nơi dòng kênh đi qua

17:26, 16/07/2010

HGĐT- Theo chân đồng chí Thào Pháy Chá, Chủ tịch UBND xã Phố Cáo (Đồng Văn), chúng tôi ngược lên đập chứa nước chính, rồi xuống theo 2 dòng kênh chạy song song với con đường nhựa thẳng tắp về trung tâm xã, ra ngã ba gặp đường quốc lộ 4C.


 
 Chủ tịch UBND xã Thào Pháy Chá kiểm tra dòng kênh chính tại thôn Tá Tò.
Chiều dài từ đập chính đến quốc lộ khoảng 6,5 km. Quãng đường này 2 bên là núi đá, ở giữa là một thung lũnh bằng phẳng, chứa trong nó xóm làng và những cánh đồng lúa vụ mùa xanh ngắt, hứa hẹn một mùa vàng bội thu.

Toàn xã Phố Cáo có 18 thôn, trong đó có 9 thôn được coi là “vùng thấp” vì được thiên nhiênban tặng cho diện tích tương đối bằng phẳng, có điều kiện canh tác lúa nước, còn lại 9 thôn được phân bố trên các triền núi đá. Như vậy, xã Phố Cáo được chia thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp rõ rệt. Hệ thống kênh mương của xã tập trung chủ yếu ở các thôn “vùng thấp” đảm nhiệm vai trò là những thôn động lực về phát triển kinh tế trong xã. Xã có tổng diện tích 462 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 274 ha trồng ngô, còn lại 188 ha trồng lúa nước, tập trung ở các thôn: Suối Đồng, Tá Tò, Sảng Pả, Hấu Chúa Ván, Cháng Púng A, Cháng Púng B... Có thể nói, từ khi hệ thống kênh mương ra đời, người dân ở các thôn này đã bớt đi rất nhiều khó khăn trong trong lao động sản xuất, đặc biệt là trong việc thâm canh trồng cây lúa nước. Cùng với các chương trình, dự án khác của Đảng, Nhà nước đầu tư cho nhân dân trong việc nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo thì chủ trương kiên cố hóa kênh mương nội đồng là hướng đi vô cùng đúng đắn, hiệu quả của nó mang lại hết sức thiết thực cho những người trồng lúa.


Theo đồng chí Thào Pháy Chá thì hệ thống kênh mương ở Phố Cáo được đầu tư xây dựng từ năm 1982, đến năm 2000 và 2001 được đầu tư tu sửa, nâng cấp lại. Qua khoảng thời gian gần 30 năm sử dụng, hệ thống này đã có lúc, có chỗ bị hư hỏng do thời gian, do bão lũ hoặc do những yếu tố chủ quan đem lại, nhưng với nhận thức sâu sắc của đại bộ phận nông dân nơi đây trong việc tu sửa, bảo vệ, đến nay hệ thống kênh mương vẫn bảo đảm dẫn nước tưới tiêu cho 188 ha trọng điểm lúa của xã. Quy mô của hệ thống gồm 1 đập chứa, 2 dòng kênh chính chạy song song 2 bên đường liên xã có tổng chiều dài 6,5 km; tổng chiều dài của các mương nhánh trên 5 km, được bố trí theo hình xương cá, hình vòng cung dẫn nước đến tất cả các chân ruộng. Sự cố hư hỏng nghiêm trọng nhất của hệ thống là cơn lũ năm 2007 đã làm vỡ một phần đập đầu nguồn, làm giảm khả năng chứa nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác của nhân dân. Đến năm 2009, huyện Đồng Văn đã sử dụng nguồn vốn nông nghiệp trọng tâm để tu sửa, đảm bảo tưới tiêu cho cánh đồng Phố Cáo. Hiện nay, hệ thống thủy lợi của xã đang được bổ sung thêm 3 km kênh mương tại thôn Suối Đồng, với việc khởi công xây dựng 3 km kênh này sẽ mở rộng thêm diện tích lúa từ 15 đến 20 ha. Hàng năm xã đã huy động nhân dân nạo vét kênh mương, duy tu, sửa chữa nhỏ đảm bảo tưới tiêu cho đồng ruộng. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống thủy lợi, mỗi thôn xóm, mỗi người dân ở Phố Cáo đều nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ hệ thống thủy lợi nói chung, các dòng kênh mương nói riêng vì đây không những là tài sản chung của cộng đồng mà còn là công cụ phục vụ thiết thực cho mỗi gia đình.


Có thể nói, hệ thống thủy lợi ở Phố Cáo đã phát huy được công năng của mình, tận dụng những dòng nước quý giá ở nơi được coi là vùng đất khát chăm chút cho cây trồng. Có nước từ những dòng kênh vào đồng ruộng, người dân ở đây đã từng bước bỏ được tập tục canh tác lạc hậu, biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, làm nên mùa màng tươi tốt; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, với việc trồng các loại lúa lai, áp dụng các kỹ thuật mới trong gieo trồng, chăm sóc, mỗi ha trên cánh đồng Phố Cáo cho năng suất bình quân 51 tạ. Ngoài việc tưới tiêu cho đồng ruộng, ở những khu dân cư có dòng kênh đi qua rất thuận tiện cho nhân dân sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày.


An Dương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội “Bà đỡ” cho những lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng
HGĐT- Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh. Được thành lập tháng 8.2005, Trung tâm có chức năng tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.
16/07/2010
Nhà Thiếu nhi tỉnh trao 6 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng
HGĐT- Với truyền thống uống nước nhớ nguồn và thể hiện ý nghĩa giáo dục với thế hệ trẻ, năm nay nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sĩ, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã dành tặng 6 suất quà, mỗi xuất trị giá 300.000đ cho 6 gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng trên địa bàn các xã, phường của thị xã Hà Giang.
14/07/2010
Gió lốc làm đổ 2 nhà dân và bị thương 1 người ở xã Bạch Ngọc
HGĐT- Tối 8.7, một cơn lốc đia qua địa bàn xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên), làm nhà anh Ma Seo Sùng, ở thôn Khuổi Vài và nhà anh Lưu Thải Phù, thôn Ngọc Bình bị đổ; nhà anh Đặng Văn Nhiễm, thôn Minh Thành bị tốc toàn bộ mái. Do đêm khuya, vợ anh Sùng đang ngủ bị gỗ đè bị thương, phải đưa đến trạm y tế điều trị.
14/07/2010
Đại hội Công đoàn cơ sở Báo Hà Giang
HGĐT- Sáng 13.7. Công đoàn cơ sở (CĐCS) Báo Hà Giang tổ chức Đại hội khóa VIII nhiệm kỳ 2010- 2012. Dự Đại hội có đồng chí Lê Trọng Lập, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên Tập Báo Hà Giang; Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch CĐVC tỉnh; lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cùng đông đảo đoàn viên công đoàn Báo Hà Giang.
14/07/2010