Những thương, bệnh binh điển hình trong phong trào vượt khó đi lên xóa đói giảm nghèo

17:33, 26/07/2010

HGĐT- Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, Hà Giang đã có hàng vạn con em các dân tộc lên đường đi chiến đấu, trong đó có hàng nghìn người đã nằm lại trên các chiến trường và có hơn 2 nghìn người trở về đã để lại một phần xương máu ở chiến trường, hoặc mang nặng trên mình những di chứng của chất độc da cam/đioxin và nhiều bệnh tật khác.


Trở về địa phương, các CCB này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là khó khăn về kinh tế. Nhưng với bản chất và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” các CCB đã khắc phục khó khăn vượt qua đau đớn của bản thân cùng gia đình vươn lên trong cuộc sống, từng bước xóa đói giản nghèo và làm giàu cho gia đình và xã hội.


Hiện nay, toàn tỉnh có 21.136 Hội viên CCB đang sinh hoạt ở 1.375 chi, phân hội. Trong đó hội viên là thương binh là 1.257 đồng chí, hội viên là bệnh binh là 502 đồng chí, hội viên bị nhiễm CĐDC/ đioxin đã được hưởng chế độ là 963 đồng chí và còn hàng nghìn hội viên bị nhiễm chất độc da cam chưa được hưởng chế độ. Trong những năm qua, các cấp Hội và hội viên CCB trong toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng và tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Với tinh thần “vượt khó đi lên không cam chịu đói nghèo” và bản chất, truyền thống sẵn có của “Bộ đội Cụ Hồ”, các hội viên CCB trong toàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, phát huy nội lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Đã có rất nhiều tấm gương CCB, nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh tích cực lao động, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nên đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành những người giàu có và hiện nay họ đang là Giám đốc, chủ các doanh nghiệp, các HTX, các tổ hợp sản xuất, các trang trại lớn, nhỏ, các cửa hàng, cửa hiệu trên khắp các vùng miền của tỉnh...Hiện nay, toàn Hội có 61 tổ hợp tác, HTX, 26 công ty TNHH (doanh nghiệp vừa và nhỏ), 48 trang trại có diện tích từ 5 ha trở lên do hội viên CCB làm chủ và 1.420 hộ gia đình hội viên CCB có vườn đồi từ 1 ha đến dưới 5 ha. Hội viên đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp cơ sở có 832 hội viên, hội viên đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp huyện có 365 hội viên, hội viên đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp tỉnh có 49 hội viên. Trong đó hội viên là thương binh, bệnh binh và bị nhiễm CĐDC/đioxin tham gia các mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả cao như: làm chủ doanh nghiệp, HTX có 12 hội viên, làm trang trại vườn rừng có 86 hội viên, kinh doanh dịch vụ có 52 hội viên; theo mô hình VAC có 148 hội viên. Đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động nhàn rỗi ở nông thôn trong thời gian qua, giải quyết phần nào những khó khăn cho nhiều hộ gia đình hội viên CCB, đồng thời đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ngày càng phát triển và ổn định.


Điển hình trong phong trào vượt khó đi lên xóa đói giảm nghèo và làm kinh tế giỏi của những thương binh, bệnh binh như hội viên CCB Lầu Thèn Sò, dân tộc Mông, xóm Hầu Đề, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), là thương binh cụt một chân, nhưng đã vượt khó đi lên, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư trồng trên 3 ha cỏ để chăn nuôi bò. Hiện nay gia đình anh có 10 con trâu, bò, 12 con lợn, kết hợp với trồng các loại rau, hoa màu, cho thu nhập hàng năm trên 40 triệu đồng. Hội viên Đỗ Văn Chính, xã Vô Điếm, (Bắc Quang), cả hai vợ chồng là thương binh hạng 1/4, nhưng đã vượt khó khăn mở mang kinh doanh dịch vụ bán hàng tạp hóa, kết hợp với chăn nuôi lợn, gia cầm và trồng 2 ha chè, măng bát độ. Hàng năm thu nhập trên 50 triệu đồng, xây được nhà kiên cố, nuôi 3 con ăn học. Còn hội viên Hoàng Quốc Trì, thương binh hạng 3/4, sinh ra và lớn lên ở Cao nguyên đá Đồng Văn, khi rời quân ngũ trở về lập nghiệp tại tổ 22, phường Minh Khai, thị xã Hà Giang. Trước cuộc sống khó khăn với vốn kiến thức ít ỏi khi làm y tá trong quân đội, anh đã tự đi học lớp Đông y và học châm cứu, kết hợp với tự học, tự nghiên cứu, anh mạnh dạn vay vốn của CCB mở phòng khám chữa bệnh cho nhân dân. Hàng năm anh đã khám, tư vấn và điều trị cho trên 2.160 lượt người, ngoài ra còn giúp đõ các bệnh nhân nghèo và tạo điều kiện làm việcthường xuyên cho 8 lao động. Đồng chí Lâm Văn Đức, thương binh hạng 4/4, năm 1988 được nghỉ chế độ trở về sinh sống tại thôn Khuôn Áng, thị trấn Yên Minh (huyện Yên Minh), cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với bản chất của người lính không cam chịu đói nghèo, không ngại khó khăn vất vả đã vào rừng xây dựng trang trại chăn nuôi, khai hoang ruộng và trồng rừng, sau 3 năm đã trở nên khá giả. Sau đó bằng vốn tự có cộng với vốn vay của hội CCB, anh đã mạnh dạn đầu tư thành lập HTX khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng cung ứng cho thị trường trên đia bàn huyện, đến nay thu nhập hàng năm từ 150 – 200 triệu đồng, nộp thuế cho Nhà nước 30 triệu đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 – 30 lao động tại địa phương, trong đó có hơn một nửa là con em CCB. Bệnh binh Hoàng Văn Líu, xã Xuân Giang (Quang Bình), khi về sức khỏe yếu, vừa tận dụng đất sình lầy và được đồng đội giúp đỡ đã đào hàng nghìn m2 ao nuôi cá, ba ba, trồng rừng, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nấu rượu, cuộc sống trở nên khá giả đã nuôi được bố, mẹ già, 3 em và 4 con ăn học. Với suy nghĩ là “dù ở chỗ nào cũng luôn xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ”, hội viên Chảo Lồng Pao, chi hội Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), ra quân năm 1980 trở về với cuộc sống đời thường, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đường sá đi lại khó khăn, bản thân trình độ văn hóa thấp, gia đình với 10 khẩu thuộc diện nghèo đói, anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, khai phá làm ruộng bậc thang, nhận chăm sóc 1 ha rừng, trồng rau... tổng thu nhập hàng năm được trên 40 triệu đồng. Hiện nay gia đình thoát nghèo đã có cuộc sống no đủ...


Có thể khẳng định rằng, những tấm gương tiêu biểu điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của thương, bệnh binh nêu trên chỉ là một trong số hàng nghìn hội viên trong toàn tỉnh. Những hội viên tiêu biểu này ngoài việc vươn lên làm giàu cho mình, họ còn tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập cho những lao động nhàn rỗi, đồng thời còn có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương và thu ngân sách của tỉnh. Hơn 3.000 hội viên là thương binh, bệnh binh, hội viên nhiễm chất độc da cam/đioxin, hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã có sự cố gắng rất lớn, ngoài sự vật lộn đau đớn bệnh tật của bản thân họ đều cố gắng tự lực tìm kế sinh nhai, có người mới thoát khỏi đói nghèo, có người khá giả, giàu có. Nhưng tất cả trong số họ đều có nghị lực phi thường, không hề kêu ca phàn nàn, họ là những tấm gương sáng đáng để mỗi chúng ta học tập và đáng được biểu dương.


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tuổi trẻ tri ân các anh hùng, liệt sỹ
Kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuần lễ Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn từ ngày 20 đến ngày 27-7.
26/07/2010
Tổng duyệt chương trình tham dự liên hoan “Tiếng kèn đội ta”
HGĐT- Sáng 24.7, Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức tổng duyệt chương trình đi tham dự Liên hoan “Tiếng kèn đội ta ” khu vực phía Bắc năm 2010 nhằm Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
26/07/2010
Trong mỗi cựu chiến binh chất “lính Cụ Hô” luôn tỏa sáng
HGĐT- Đi suốt chiều dài cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang đã tiễn đưa hàng vạn người con lên đường ra chiến trận. Trong số đó, hàng nghìn người đã nằm lại ở các chiến trường, hơn 2 nghìn người trở về với cơ thể không vẹn toàn. Cuộc sống đời thường của những cựu chiến binh (CCB) đầy khó khăn nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất “Anh
23/07/2010
Thiệt hại do mưa lớn ở Quang Bình
HGĐT- Do mưa lớn kéo dài từ đêm 22.7 đến trưa ngày 23.7.2010, trên địa bàn huyện Quang Bình đã xảy ra lũ quét, ngập úng và sạt lở đất tại các xã trong địa bàn huyện. Gây thiệt hại lớn về hoa màu và công trình công cộng tại các xã Xuân Giang, Yên Hà và Yên Thành.
23/07/2010