Người tiêu dùng vẫn “đánh đu” với ... giá
HGĐT- Người ta vẫn nói ví: Trong thời buổi suy giảm kinh tế toàn cầu làm giá cả chi tiêu “tụt giảm” bởi sự “thắt lưng - buộc bụng” của người tiêu dùng. Thế nhưng, suy giảm kinh tế mà báo chí đề cập trong suốt thời gian qua không những không làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng đi chút nào, mà ngược lại mức chi ngày càng cao bởi giá ngày một “leo thang”.
Nhớ lại thời điểm trước suy giảm kinh tế người tiêu dùng bình thường mua gạo giá 25 – 30 ngàn đồng một yến. Mua thịt bình quân 30 – 35 ngàn/kg. Đơn giản nhất ăn phở sáng điểm tâm trước khi đi làm từ 12 – 15 ngàn đồng/bát. Cao hơn nữa là mua vàng dự trữ cũng chỉ 800.000 – 1.200.000đ /chỉ. Đa số nhận xét với mức tiêu dùng ổn định như giá hiện thời thì cuộc sống của phần đa nhân dân phần nào đã được cải thiện.
Kỳ họp Quốc hội mới đây cũng thẳng thắn đánh giá: Trong thời gian qua còn 2 việc chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm đó là “giá cả và tiền lương”. Thực tế cho thấy, ngay sau suy giảm “sâu” về kinh tế toàn cầu năm 2008 (bắt đầu suy giảm từ quý III/2007) thì mức chi tiêu bắt đầu leo thang. Tuy nhiên, cũng phải đề cập tới việc Chính phủ lần lượt điều chỉnh mức tăng lương từ 490 đồng/tháng (tối thiểu) lên 730.000đồng/tháng hiện nay đã phần nào tác động đến mặt bằng giá theo chiều “nhích dần đều”. Lương tăng, giá tăng là điều hiển nhiên. Song điều đáng nói là giá tăng nhưng lương lại quá thấp. Thực tế cho thấy: Hiện tại gạo là thức ăn thường nhật của mỗi gia đình đã tăng từ 30 – 35 ngàn đồng lên trên 100 ngàn đồng/yến. Thịt, rau củ quả cũng tăng khó kiểm soát và tăng gấp nhiều lần so trước kia. Không thể lập lại biểu đồ giá cũ. Song biểu đồ giá mới hiện tại vượt quá mức thu nhập bình quân của người làm công ăn lương. Còn nếu nói đến giá vàng thì mức tăng gấp 2, thậm chí gần gấp 3 lần giá cũ, nghĩa là tăng trên 200%, khi đó lương chỉ tăng không đủ tiền ăn sáng.
Ai đó đã nói đùa rằng: Giai đoạn hiện nay mọi thứ đều đắt, duy nhất có một loại vẫn thuộc loại giá rẻ, đó là... tiền. Chỉ có tiền “là rẻ”.Lúc này cũng được xem là giai đoạn khó khăn của người ăn lương và người dân sống trong nông nghiệp bởi lẽ họ phải đối mặt với hàng loạt chi tiêu gia tăng: Người ăn lương thì tiêu tăng vào tiền điện (chưa kể điện cắt liên tục), tiền nước, tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền đóng góp các loại quỹ. Người dân thì đối mặt với tiền tăng do phân bón, giống, vật tư lên giá, tiền học phí cho con, tiền xây dựng trường lớp, tiền quỹ: An ninh, trật tự, quốc phòng, bão lũ, khuyến học v.v...
Còn hiện tại, giai đoạn nắng nóng kéo dài, khô hạn kéo dài lại phải đương đầu với sự gia tăng giá mua sắm thiết bị làm lạnh, quạt gió, ác quy, quạt tích điện... Cách đây hơn 2 tuần, 1 chiếc quạt tích điện hãng SumKa của Thái Lan bán 750.000 – 800.000 đ/cái (loại quạt tích 2 bình ác quy) thì nay bán 850 – 900 ngàn đồng/cái. Nêu ví dụ nhưvậy để thấy giá vẫn đang “nhảy múa” trước người tiêu dùng, dù chỉ đề cập một sản phẩm đang... “nóng” trước mùa nóng mất điện. Có nhận xét thời điểm hiện tại, một số mặt hàng “giảm giá trị” mà lại “tăng giá bán”. Hỏi chuyện các ngành quản lý chức năng thì... Khó lắm, không thể làm gì được trước tình trạng... giá cả leo thang chung.
Trở về bếp các bà nội trợ, cánh đàn ông đành phải “chia sẻ” khó khăn chung với “giá vậy” thôi!? Lại đề cập tới vấn đềngười Việt dùng hàng Việt, nhiều người dân chia sẻ: Ở đâu thì không dám so bì, nhưng nếu đặc thù là các tỉnh miền núi, trung du tới 75 - 80% là người sống trong nông nghiệp thì cũng khó lắm thay. Chuyện kể bác nhà nông bán tạ thóc được gần 500 ngàn đồng trồng cấy gần nửa năm mới có, đem đóng tiền học phí, tiền xây dựng trường, quỹ đoàn, đội cho con, mua sách vở, bút mực xem ra còn thiếu chứ đâu dám mua chiếc áo sơ mi Việt Tiến, hay May 10 hết hơn nửa tạ thóc, làm cật lực nửa năm trời? Năm học mới đã và đang lại đến rất gần, nỗi lo về giá “đánh đu” đối với không ít gia đình đang là điều hiển nhiên.
Ý kiến bạn đọc