Nghĩa tình trên đất Hán Dương
HGĐT- Thôn Hán Dương, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên đã sự đổi thay kỳ diệu. Cuối năm 2005, Hán Dương đón 28 hộ dân là người Mông từ xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, về định cư theo chương trình “hạ sơn” của tỉnh. Được sự giúp đỡ về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền địa và lực lượng đứng chân trên địa bàn, các hộ dân thôn Hán Dương đã không chỉ nhanh chóng ổn định cuộc sống, mà từng bước vươn lên thoát nghèo trên quê hương mới.
Cách cửa khẩu Thanh Thủy không xa, thôn Hán Dương ngợp trong màu xanh của những nương ngô đang mùa cho bắp, những vườn xoài trĩu quả và các loại rau, củ, quả cũng mướt mát một mầu tươi non, mỡ màng. Những con bò, gà, lợn, ngan... được nuôi nhốt cẩn thận nên đều phát triển tốt. Ông Hầu Nhè Chứ, Trưởng xóm Hán Dương đưa chúng tôi đi thăm một vòng các hộ dân trong xóm. Trên gương mặt của ông trưởng xóm tuổi “băm” rạng ngời niềm vui và sự tự tin trước cuộc sống mới. Niềm vui có được không chỉ của riêng ông Chứ, mà bất cứ ai trong thôn, cũng đều hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của cuộc sống hôm nay lớn lao với họ đến mức nào. Trước đó không xa, các hộ dân của thôn Hán Dương đã có cuộc di trú hơn trăm cây số từ xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đến miền quê mới. Toàn là những gia đình nghèo, nên gia tài của họ chỉ gói gọn trong chiếc gùi sau lưng. Khó khăn càng nhân lên, khi cả thôn chỉ có 2 người biết chữ, đa số bà con không nói được tiếng phổ thông. Lo sao cho đồng bào có cái ăn, cái mặc, chỗ nghỉ ngơi tuy là việc trước mắt, song là vấn đề vô cùng cấp thiết trước khi bàn tính đến những việc lâu dài. Chính trong cái thời khắc khó khăn nhất, các đoàn thể, chính quyền địa phương đã cùng vào cuộc với đồng bào. Bằng những việc làm cụ thể, không ai bảo ai, người mang chút ngô, chút sắn, người nhường tấm áo, cái chăn, người góp công giúp bà con san nền, dựng nhà mới...
Cuộc hồi sinh đất Hán Dương đã chứng kiến những việc làm cảm động của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy và Đoàn KT – QP B13 (Bộ CHQS tỉnh) đã dành tâm huyết, không quản khó khăn, gian khổ giúp đỡ đồng bào. Ngay từ những ngày đầu, bóng áo xanh cán bộ, đội viên đội công tác số 3 Đoàn KTQPB13, đơn vị được giao đứng chân tại thôn, luôn hòa cùng sắc mầu trang phục truyền thống của đồng bào trong mỗi công việc san nền, dựng mới nhà cửa, mở đường, tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bạt rừng làm nương rẫy... Giúp đồng bào nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả, đã được khảo sát kỹ lưỡng, được tiến hành bằng phương pháp và cách làm cụ thể đã mở ra những thành công mới. Thiếu tá LýPhạm Huỳnh, Đội trưởng Đội sản xuất số 3, cho biết: “Để vận động bà con thay đổi cách tư duy, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi, Đội đã xây dựng mô hình thí điểm trồng cây ngô lai, lúa nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế hộ... ngay tại đội và vận động bà con đến tham quan để học cách làm theo...”. Nhận thấy hiệu quả từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các hộ dân đã mạnh dạn nhận các cây, con giống từ dự án về nuôi, trồng tại gia đình mình và được đội chuyển giao, áp dụng các kỹ thuật một cách cụ thể. Từ quá trình kiên trì tuyên truyền vận động, bà con thay đổi cách nghĩ cách làm của bà con, giống ngô lai mới có năng suất cao, đã dần thay thế cho giống ngô bản địa. Với năng suất trung bình đạt 7 đến 8 tấn/ ha đã góp phần giải quyết triệt để tình trạng thiếu đói của các hộ dân trong thôn. Ngoài dự án trồng cây ngô lai, Đội sản xuất số 3 còn tiến hành cấp giống cây ăn quả (30 cây xoài/ 1hộ) và vận động nhân dân trồng xen canh các loại rau, củ, quả trong vườn nhà và được bà con tham gia nhiệt tình. Dự án nuôi bò theo nhóm hộ, của Đoàn KT – QP B13, được xem là mô hình thành công nhất giúp bà con thôn Hán Dương xoá đói, giảm nghèo bền vững. Với 17 gia đình là hộ nghèo được ưu tiên nhận bò nuôi từ dự án. Được cán bộ, đội viên Đội 3 trực tiếphướng dẫn kỹ thuật nuôi nhốt, cách làm chuồng trại xa nhà ở, kết hợp tuân thủ chặt chẽ các bước vệ sinh, tiêm phòng dịch bệnh, áp dụng phương pháp chống rét, lai giống đúng kỹ thuật... nên sau 3 năm đàn bò ở các gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt, đưa tổng đàn của cả thôn lên 44 con. Ngoài ra, cán bộ đội viên Đội sản xuất số 3 còn vận động và tham gia cùng nhân dân trong thôn xây dựng 17 bể chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nâng cấp đường giao thông, xây dựng nhà văn hoá kiêm lớp học cắm bản, vận động các gia đình cho con em đi học đúng độ tuổi, vận động người lớn tham gia các lớp học xoá mù... Bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch xã Thanh Thuỷ, vui mừng chia sẻ: “Thật vui khi thôn Hán Dương đang từng ngày thay đổi, song niềm vui lớn nhất đó là sự thay đổi căn bản về nhận thức của bà con. Đây sẽ là tiền đề vững chắc, có sức thuyết phục cao để địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong xã. Cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ của cán bộ, đội viên Đội sản xuất số 3 (Đoàn KT – QP B13)”.
Đi lên từ miền quê mới, vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, đến nay, thôn Hán Dương chỉ còn 4 hộ nghèo theo tiêu chí mới, trên 60% số hộ có xe máy và cũng chừng ấy gia đình có điện thoại, cơ sở hạ tầng của thôn ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Rồi đây, thôn Hán Dương sẽ sáng ánh điện khi dự án điện lưới quốc gia hoàn thành vào dịp cuối năm nay. Mỗi sự đổi thay đều lưu dấu nghĩa tình quân dân và sẽ còn đọng mãi trong tâm thức của người dân trong thôn. Trong sâu thẳm tâm hồn, những người dân nơi đây, sẽ ngày càng nỗ lực xây dựng quê hương mới, thay cho lời cảm ơn đối với những người lính đã góp công mang no ấm cho mảnh đất vùng cao cực Bắc – Ông Giàng Mý Pình, một người già trong thôn đã cảm động nói với chúng tôi như vậy!.
Ý kiến bạn đọc