Một lần lên xóm Mùa Lài Lủng

17:25, 30/07/2010

HGĐT- Rời mái trường chuyên nghiệp với rất nhiều lý thuyết chất chứa, năm 2002, tôi may mắn được nhận về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sau vài tháng “nhìn ngắm” công việc ở văn phòng, một buổi đồng chí Trưởng Ban vào thăm phòng và nói, ngày mai cháu đi công tác Mèo Vạc với chú nhé. Vốn chỉ được biết Mèo Vạc trên ti vi, lại là lần đầu tiên được đi công tác, cả đêm đó tôi cứ nằm tưởng tượng – chắc vùng đất này đẹp lắm!?.


Xe chuyển bánh vượt bao dốc, cua nhọc nhằn rồi cũng đến Mèo Vạc. Giữa mùa đông lạnh, Mèo Vạc toàn một màu đá xám xịt đến hoa cả mắt - không như tôi đã tưởng tượng. Có mặt buổi trưa, buổi chiều, cả đoàn đã lên đường đi xóm với sự dẫn đường của đồng chí Bí thư huyện ủy Mèo Vạc. Xe chỉ đưa đoàn dừng ở chân núi, nơi có đường mòn (mất khoảng 2,5 giờ đi bộ) dẫn lên xóm Mùa Lài Lủng của xã Pải Lủng. Nhiều cái nhìn đổ dồn về một cán bộ non choẹt, đeo giày đen bóng khác hẳn với mọi người, mắt cứ ngạc nhiên nhìn ra tứ phía lạ lẫm. Chắc chú lần đầu đi Mèo Vạc?, một cán bộ tuyên giáo huyện hỏi. Vâng ạ – Mèo Vạc quá gian khó anh nhỉ...


Con đường mòn men theo những triền núi đá xám gập ghềnh, sắc nhọn dẫn chúng tôi lên với Mùa Lài Lủng, một xóm với 100% đồng bào Mông. Dù chỉ cách thị trấn khoảng 4 – 5 km, xóm lúc đó chưa có điện, chưa có đường xe máy nên không hộ nào có xe máy, ti vi và không có cả... xe đạp. Đúng là không phải cứ có tiền thì cái gì cũng có được. Nhiều câu hỏi đặt ra trong lần đầu được về cơ sở với tôi: Thật là lạ! núi đá cao và khô cằn thế này lấy nước ở đâu nhỉ!? Lại có cả 4 gian điểm trường được xây cấp 4, giá thành hết những 450 triệu đồng – sao đắt thế nhỉ... Đang “bò” trên những quãng đường dốc đá, bỗng Trưởng Ban hỏi tôi, cháu có biết nhà văn Lỗ Tấn viết một câu gì nổi tiếng không? Nghĩ một lát, tôi đáp: Dạ “trái đất làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường mà thôi”...Đúng rồi, cháu nhớ ghi chép đầy đủ, cẩn thận chuyến công tác nhé – Trưởng ban dặn.


Vượt lên đến lưng chừng núi đá, đoàn công tác ghé qua một điểm trường với hai gian nhà tranh, một thầy giáo trẻ dạy tiểu học quê ở Bắc Quang sau giờ lên lớp đang ở tại đây. Lớp học bé xíu với chiếc bảng 2 chân vẫn còn ghi rõ câu thơ: “Ngoài đồng lúa chín thơm, con chim hót trong vườn”, chắc là bài học của học sinh lớp 2. Đồng chí Trưởng Ban đọc lên và hỏi, ở đây núi đá, người dân chỉ trồng được có mỗi cây ngô nên trẻ em và người dân nơi đây chưa bao giờ thấy cây lúa, thầy dạy thế này liệu các em có hiểu không? Câu hỏi hơi khó khiến thầy giáo trẻ ấp úng mãi mới trả lời được: Thưa chú, do Bộ Giáo dục đã quy định rồi, chúng cháu phải dạy theo sách thôi ạ... Nhưng thầy cũng cần nghĩ cách làm sao có hình ảnh cây lúa để minh họa chứ...đồng chí Trưởng Ban nói...


Leo mãi rồi cũng đến xóm Mùa Lài Lủng, một thung lũng giữa những đỉnh núi còn đầy nét hoang sơ, người dân nơi đây dường như ít tiếp xúc với người bên ngoài hoặc do bản tính e dè nên khi hỏi ai cũng chỉ có “chi pâu”! (không biết). Những mái nhà ấm áp trong những vòng rào đá dần hiện ra trong một không gian đẹp như thiên đường. Đoàn công tác đi vào nhiều hộ dân để thăm hỏi tình hình sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện tên Páo đi cùng kiêm phiên dịch, nhiều khi gặp người anh em Mông, ông mải hỏi thăm, trò chuyện đến mức quên mất vai trò phiên dịch, cứ thao thao với nhau bằng tiếng Mông - đúng là công tác ở vùng cao vất vả thật, không có những người như cán bộ Páo thì chắc khó khăn lắm.


Vào một nhà được coi là giàu nhất xóm, có chừng 80 con dê và rất nhiều lợn. Đàn dê buổi chiều no lá cây cỏ về chuồng, có nhiều con đeo lục lặc kêu vang cả xóm núi. Cán bộ thôn khoe, nhà này giàu lắm đấy, nuôi được nhiều lợn, dê, khi mổ lợn rồi đem rán lấy mỡ cất vào chum hoặc cắt thịt treo gác bếp để ăn được quanh năm... Đồng chí Trưởng Ban hỏi: Nhà có nhiều dê, lợn thế không đem bán lấy tiền à? Người dân ở đây ít bán lắm, cứ để nuôi, lúc nào cần thì mổ ăn thôi – chủ nhà nói. Đồng chí Trưởng Ban lại nói, phải bán để lấy tiền mua vật liệu về sửa chữa nhà cửa và xây bể nước chắc chắn chứ, có tiền mới xuống chợ mua áo ấm cho trẻ em, phụ nữ, mua thêm thuốc men cùng những thứ bồi dưỡng cho người già chứ... Đàn dê, lợn cứ nuôi nhiều, nuôi mãi đến già thế này nếu không bán bớt thì mất nhiều công chăm sóc lắm đấy, mất thức ăn để nuôi dưỡng đúng không, bán bớt con lớn đi để con bé còn phát triển!. Nghe xong, chủ nhà và trưởng thôn có vẻ ưng cái bụng. Ừ, đúng rồi đấy, uống một bát rượu với gia đình mình nhé.


Trên đường về, từ xóm Mùa Lài Lủng nhìn sang những dãy núi của 3 xã Sơn Vĩ, Xín Cái, Thượng Phùng cao ngất, lởm chởm. Đồng chí Trưởng Ban vừa cười, vừa chỉ tay về phía những dãy núi đó và nói với tôi, cháu thấy không, con đường công tác cũng gian nan như leo lên đỉnh núi cao kia, cứ leo mãi rồi sẽ đến đỉnh. Để dân hiểu không dễ, nhưng cũng không khó, quan trọng là phải đến được với dân.

Một chuyến đi vất vả với những câu chuyện thực tế dễ hiểu và rất dân giã, nó trở thành một bài học thực sự ý nghĩa đối với những cán bộ trẻ như chúng tôi... Qua nhiều năm công tác, qua rất nhiều chuyến đi cơ sở, nhưng chuyến công tác đầu tiên với đồng chí Trưởng ban ngày nào vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc với tôi, từ đó giúp cho tôi ngày càng yêu và làm tốt hơn trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.


PHÙNG NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quyết Tiến vững bước với các phong trào thi đua yêu nước
HGĐT- Những năm qua, nhiều phong trào thi đua được thôn Quyết Tiến của thị trấn Đồng Văn thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả thiết thực. Theo thời gian, các phong trào thi đua yêu nước của thôn ngày càng phát triển cả về chiều sâu và bề rộng.
30/07/2010
Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai
HGĐT- Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 21-25.7 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Mưa lớn làm 9 người chết, 3 người bị thương; 14 nhà dân bị sập hoàn toàn, 56 nhà phải di dời, 82 nhà bị ngập úng; nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng nặng; các tuyến Quốc lộ 34, 4C, 279 và nhiều tuyến tỉnh lộ, liên huyện, liên xã bị đất đá vùi lấp... ước tính thiệt hại trên
29/07/2010
Tiếp tục triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở các xã biên giới
HGĐT- Ngày 22.7, Ủy ban MTTQ tỉnh và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp tục triển khai chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” năm 2010.
28/07/2010
Ghi nhận từ phong trào “Đền ơn - đáp nghĩa”
HGĐT- Bắc Quang là quê hương của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc quân, dân Bắc Quang đã đóng góp rất nhiều tiền của, xương máu để cùng cả nước giành độc lập dân tộc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước.
28/07/2010