Xin đừng như... báo cáo
HGĐT- Cùng với sự phát triển nền KT-XH của đất nước, trong lĩnh vực truyền thông cũng có sự bùng nổ mạnh mẽ. Hiện cả nước có hàng trăm cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm ở đủ thể loại như báo in, báo hình, Internet, VOV có hình...
Mỗi cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích khác nhau và mỗi người viết báo cũng luôn bám vào tôn chỉ, mục đích của tòa soạn để tìm đề tài, cách thể hiện tác phẩm. Có những tờ báo luôn chọn chủ đề mang tính “giật gân”, vấn đề “nóng” để thu hút bạn đọc. Cũng có tờ báo “bám chặt” chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Những tờ báo này chủ yếu là báo Đảng địa phương - cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền và nhân dân nơi tờ báo đó phát hành. Chính vì vậy, nhiều người nhận định báo Đảng rất khô khan, ngoài các cán bộ, đảng viên, công chức, những người được đọc báo miễn phí từ tiền ngân sách Nhà nước thì ít người quan tâm, theo dõi, báo Đảng ít khán giả. Từ nhận thức đó, đã có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức chỉ để “mổ xẻ” một vấn đề làm sao có tờ báo Đảng hấp dẫn, không khô khan, thu hút được nhiều độc giả.
Gần 10 năm tham gia hoạt động ở báo Đảng địa phương, tôi nhận thấy báo Đảng không hề khô khan, không nghèo thông tin. Các nội dung đăng trên báo Đảng rất phong phú, ngoài việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, nó còn là diễn đàn, kênh thông tin quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân với Đảng, Nhà nước. Báo Đảng địa phương cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực chống tiêu cực, phản ánh những vấn đề “nóng”, bức xúc diễn ra ở địa phương, được dư luận quan tâm. Báo Đảng địa phương luôn có những tác phẩm đậm hơi thở cuộc sống, những Nhà báo luôn lặn lội cơ sở, tìm hiểu tường tận, gốc dễ của vấn đề để phản ánh trong mỗi tác phẩm... Điều đó chứng tỏ báo Đảng không hề khô khan.
Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, ở một vài cơ quan báo Đảng, bên cạnh những Nhà báo luôn tìm tòi, khám phá cái mới, có cách thể hiện tác phẩm mới, vừa chuyển tải kịp thời, chính xác chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn hấp dẫn thì lại xuất hiện những Nhà báo “công chức”. Họ không đi cơ sở, chỉ ngồi ở phòng làm việc hoặc ở nhà bấm điện thoại gọi về địa phương, nhờ bộ phận văn phòng gửi tài liệu qua thư điện tử. Không đi thực tế nên không cảm nhận được hơi thở cuộc sống, cách thể hiện không sinh động và tác phẩm họ “sinh ra” không khác mấy so với...báo cáo của cơ sở. Vẫn biết rằng, mỗi tác phẩm báo chí luôn phải dựa vào số liệu do cơ sở cung cấp nhưng cùng một vấn đề nếu Nhà báo trực tiếp xuống cơ sở, tìm hiểu thực tế, tiếp cận với người dân, bài báo đó sẽ hay hơn, sinh động hơn. Chính những bài viết thiếu hơi thở cuộc sống, nặng văn phong, số liệu trong báo cáo đã khiến báo Đảng bị mang tiếng khô khan.
Cuộc sống là một dòng chảy, luôn có sự vận động theo cả chiều thuận và chiều nghịch. Đây là kho sự kiện, tư liệu lớn để mỗi người làm báo thỏa sức tìm kiếm thông tin, thỏa sức thể hiện tác phẩm theo nhiều cách khác nhau. Những Nhà báo luôn gắn mình với cơ sở sẽ có những tác phẩm hay, hấp dẫn bạn đọc, góp phần làm cho tờ báo Đảng thêm sinh động. Còn những Nhà báo “công chức” làm việc theo công nghệ cắt, dán sẽ không bao giờ thoát khỏi văn báo cáo, như vậy tác phẩm rất khô khan, nặng số liệu và bài báo đó không khác xa mấy...báo cáo của cơ sở. Điều đó khiến độc giả chỉ đọc mấy dòng đầu đã bỏ qua tác phẩm, dần dần chính Nhà báo đó tự đánh mất thương hiệu, sự tin tưởng, yêu mến của bạn đọc.
Ý kiến bạn đọc