Với tôi là một nghề hạnh phúc
HGĐT- Mỗi một con người khi trẻ tuổi đều có những ước mơ, hoài bão của riêng mình. Có những người thích trở thành thương gia, có những người thích làm bác sĩ hay những chính trị gia lịch sự... Nhưng, với tôi từ thuở ngồi trên ghế trường làng, điều ước thật giản dị, không phải trở thành một nhà chính trị nghiêm trang, không phải ồn ào như một thương gia, mà nghề báo mới chính là điều mà tôi ấp ủ.
Tuy không phải là một nghề hứa hẹn sự giàu sang, an nhàn, nhưng từ những năm cuối của thế kỷ XX, nghề báo ở nước ta dần trở thành một nghề khá nổi. Chính vì thế, giới sĩ tử cả nước đã đổ xô thi vào các trường đào tạo báo chí. Điều này khiến cho rất nhiều người dù có ước mơ có “to” đến thế nào cũng phải bỏ lỡ cơ hội để chen chân vào trường báo.
Với ước mơ được trở thành phóng viên, cuối năm cấp III, tôi và một số người bạn đã làm hồ sơ dự thi vào Phân viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội. Nhưng sau khi nghe các thông tin tư vấn, thi vào trường ấy “rắn” lắm, 24 điểm mới đạt, một phải “đấu súng” với 17 – 18 người đấy. Nghe đến vậy, mấy cậu học trò thôn giã như chúng tôi đã không còn mạo hiểm và đành phải chuyển sang thi ngành khác để bảo toàn một suất đỗ đại học, đỡ phụ công cha mẹ nuôi ăn học 12 năm trời. Thế là ước mơ vào trường báo dường tiêu tan để đánh đổi bằng một suất đỗ vào một ngành ít “thời thượng” hơn. Tốt nghiệp rồi đi làm với một công việc ổn định, nhưng ước mơ về nghề báo vẫn còn đầy ắp trong tôi và dường như nó ngày càng lớn hơn. Với vốn kinh nghiệm tích cóp được trong thời sinh viên, từng làm cộng tác viên cho một số tờ báo, tôi tiếp tục viết và cộng tác cho nhiều báo, trong đó, đặc biệt là tờ Báo Hà Giang.
Càng viết nhiều, dù là trên vai trò một cộng tác viên, nhưng dường như cái chất men báo chí càng tăng lên trong máu, điều này không chỉ giúp cho tôi có thêm một niềm đam mê là được đi, được tìm hiểu thêm rất nhiều điều mới mẻ của cuộc sống và được dãi bày những suy nghĩ của mình lên giấy. Từ việc cộng tác với các báo, có tháng, việc viết báo còn giúp tôi kiếm được một số tiền nhuận bút của các báo gửi gần bằng tiền lương chính của mình. Có nhiều lần được đăng bài trên các báo như Tiền Phong hay Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng..., được một số độc giả đọc và thông báo, cậu có bài trên báo ấy đấy, cái cảm giác thật thích thú. Thậm chí cho đến giờ, dù đã qua 7 năm kể từ khi đọc một bài viết của tôi đăng trên báo Tiền Phong, một độc giả ở Sở VHTT&DL Hà Giang vẫn còn nhớ và nhắc lại mỗi khi gặp tôi. Những điều đó càng động viên tôi viết hăng hơn và trở thành một cộng tác viên khá quen thuộc của Báo, Đài tỉnh trong nhiều năm liền.
Niềm đam mê với nghề báo trong vai trò là một người viết nghiệp dư đã tạo ra cái duyên giúp tôi cập bến với nghề báo chuyên nghiệp. Không chỉ nhận được sự tạo điều kiện, dìu dắt của các đồng chí lãnh đạo cơ quan, mà sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đã từng bước giúp tôi hoà nhập vào môi trường báo chí đầy gian nan trong những năm qua. Dù thời gian làm báo còn ít hơn nhiều so với các bậc đàn anh đi trước, nhưng chính niềm đam mê làm báo đã giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn để học hỏi, để trải nghiệm bản thân và để nhận ra một điều, cho dù có vất vả, nhưng nếu được làm một nghề mà mình mơ ước, mình có thể phát huy được tốt nhất năng lực bản thân, được cống hiến tốt nhất cho xã hội thì đó chính là nghề hạnh phúc. Và với bản thân tôi, nghề báo nói chung, ngôi nhà Báo Hà Giang đã thực sự là một ngôi nhà hạnh phúc, cho dù con đường phía trước còn rất nhiều gian nan, đòi hỏi mỗi người làm báo như chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa, học hỏi nhiều hơn để từng bước hoàn thiện mình.
Ý kiến bạn đọc