Những bất cập từ Chương trình xuất khẩu lao động cần sớm được tháo gỡ
HGĐT- Năm 2006 - năm đầu thực hiện Đề án đào tạo nghề, xuất khẩu lao động (XKLĐ), toàn tỉnh có 1.030 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Sau 2 năm thực hiện, số lao động tham gia chương trình xuất khẩu giảm xuống còn 503 người. Cả năm 2009, toàn tỉnh chỉ đưa được 40 người đi làm việc ở nước ngoài. Con số trên phản ánh: Chương trình XKLĐ có nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnhđưa được 31 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, 14 lao động sang làm việc tại
Thực hiện chủ trương XKLĐ của tỉnh, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như lợi ích khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Năm 2009, cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ giải quyết việc làm gắn với tuyên truyền XKLĐ cho 432 người, phát 432 cuốn tài liệu, 2.500 tờ rơi. Quý I.2010, đã triển khai công tác XKLĐ theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Hoàng Su Phì với 185 người tham gia, phát 2 nghìn tờ áp phích, 255 cuốn tài liệu tuyên truyền về XKLĐ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đồng ý cho 13 doanh nghiệp đủ tư cách pháp nhân vào địa bàn 11 huyện, thị để tuyên truyền, tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên hầu hết các đơn vị được cấp phép tuyển dụng lao động đều không tham gia, cán bộ mạng lưới hoạt động kém hiệu quả, số lao động tuyển được ít. Triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, Cục quản lý lao động ngoài nước giới thiệu 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Vật tư công nghiệp Quốc phòng; Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát; Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist, nhưng mới chỉ có Công ty Vật tư Công nghiệp Quốc phòng tham gia tuyển lao động tại huyện Hoàng Su Phì.
Nhìn từ góc độ chủ trương, chính sách, công tác XKLĐ của tỉnh có rất nhiều thuận lợi. Ngoài những ưu đãi khi tham gia chương trình XKLĐ theo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ của tỉnh, người lao động ở các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài còn được hỗ trợ rất lớn từ nguồn ngân sách T.Ư. Theo Quyết định 71/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2009 – 2010 thực hiện đưa 10 nghìn lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Giai đoạn 2011 – 2015, đưa 50 nghìn lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 90% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, 80% lao động qua đào tạo nghề... Người lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ nhưng trình độ văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải bổ túc thêm về văn hóa được hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu học tập, tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học, tiền tàu xe... Hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 50% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho các đối tượng khác thuộc các huyện nghèo; riêng người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 40 nghìn đồng/người/ngày; tiền ở với mức 200 nghìn đồng/người/tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân với mức 400 nghìn đồng/người; chi phí làm thủ tục trước khi đi nước ngoài theo các mức quy định về phí hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp.
Các chủ trương, chính sách của tỉnh, T.Ư ban hành đều nhằm mục đích tạo thuận lợi cho quá trình đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số địa phương rất hời hợt theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, mặc dù lãnh đạo cấp ủy, chính quyền được tham gia các lớp tập huấn nhưng lại không tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu chính sách XKLĐ. Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ nên chưa tạo thành phong trào XKLĐ. Bên cạnh đó, việc vay vốn Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN-PTNT còn gặp nhiều khó khăn. Những lao động thuộc hộ cận nghèo, trung bình có nhu cầu đi XKLĐ không thuộc đối tượng hoặc không đủ điều kiện vay vốn. Đặc biệt, từ cuối năm 2009 và quý I năm nay, Ngân hàng NN-PTNT tạm ngừng giải ngân nên người lao động không vay được tiền để làm thủ tục XKLĐ. Các huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đào tạo nghề, XKLĐ kèm theo nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc thực hiện không nghiêm túc. Điều đáng lưu ý đó là trình độ nhận thức, tay nghề người lao động còn thấp, chủ yếu làm việc tay chân nên chỉ tham gia vào các thị trường mức thu nhập thấp... Mặt khác, nhiều lao động của tỉnh làm việc ở nước ngoài phải hồi hương trước thời hạn với nhiều lý do, khi về họ tuyên truyền không tốt khiến tâm lý người lao động không mấy mặn mà. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và phân tích rõ lý do khiến lao động phải hồi hương trước thời hạn...
Những bất cập trên nếu sớm được tháo gỡ, công tác XKLĐ sẽ thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từng bước XĐGN cho người dân.
Ý kiến bạn đọc