Nhà báo - viết đi cũng rất cần viết lại
HGĐT- Báo chí là mặt trận tư tưởng, văn hóa, mỗi Nhà báo là một chiến sỹ trên mặt trận đó. Thực tế đã chứng minh mỗi khi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước được ban hành, Nhà báo luôn là người đi tiên phong, phản ánh tạo dư luận, đồng thời tuyên truyền, cổ vũ để những chủ trương đó được triển khai vào cuộc sống.
Đồng chí Lê Trọng Lập, Tổng biên tập, cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang trao đổi kinh nghiệm làm báo với đồng nghiệp các tỉnh bạn tại Hội thảo tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tại thành phố Bắc Giang. Ảnh: BÌNH MINH
|
Tuy nhiên, trong hàng loạt các chính sách, nghị quyết được ban hành, có những nghị quyết khi triển khai vào thực tế gặp phải nhiều khó khăn mà khi xây dựng nghị quyết các nhà “hoạch định” chưa tính đến. Nhằm dọn đường dư luận, một số Nhà báo đã cất công xuống cơ sở nhưng không đi thực tế tìm hiểu rõ ngọn nguồn, chỉ ngồi ở văn phòng, xin báo cáo, xin nghị quyết rồi viết thành bài ca ngợi. Họ tung hô nào là chủ trương đó hợp thời cuộc, hứa hẹn nhiều triển vọng, sẽ mở ra một hướng làm ăn mới, giải pháp để nhanh chóng thay đổi cuộc sống của người dân... Sau những bài ca ngợi đó, người dân cũng tin tưởng, hy vọng chủ trương đó sẽ có tác động trực tiếp đến cuộc sống của mình.
Còn nhớ, cách đây mấy năm, khi Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang được xây dựng, nó tạo ra một vùng lòng hồ rộng lớn. Huyện Bắc Mê là địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Với chủ trương “đi tắt đón đầu”, BCH Đảng bộ huyện Bắc Mê đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề về nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch vùng lòng hồ. Các nghị quyết chỉ ra một viễn cảnh tươi đẹp - Bắc Mê sẽ trở thành vùng du lịch sầm uất với cảnh “trên bến dưới thuyền”, dọc hai bên bờ sông Gâm là các lồng nuôi cá đặc sản, vừa cung cấp ra thị trường, vừa phục vụ du lịch. Ngay khi nghị quyết ban hành, hàng loạt các hoạt động được xúc tiến như tổ chức đoàn khảo sát tuyến du lịch, đặt mua thuyền, tập huấn nuôi cá lồng, mua lồng thả cá... Và các Nhà báo cũng là người vào cuộc mạnh mẽ, cùng với huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ trương mới. Người dân các xã thuộc khu vực lòng hồ thủy điện rất hồ hởi, bắt tay ngay vào thực hiện chủ trương đó. Nhưng chỉ sau đó một thời gian, các nghị quyết đã lộ rõ nhược điểm. Trong quá trình xây dựng nghị quyết, các nhà “hoạch định” đã không tính đến yếu tố rất quan trọng, mang tính quyết định đó là mực nước vùng lòng hồ không bao giờ ổn định. Sau một thời gian dâng nước, Thủy điện Tuyên Quang bất ngờ xả lũ khiến nhiều lồng cá của người dân bị mắc cạn. Từ ngày ngăn đập đến nay, chưa bao giờ mực nước vùng lòng hồ đạt mức để các thuyền du lịch có thể lưu thông một cách thuận lợi. Khác với chiến dịch tuyên truyền rầm rộ khi triển khai nghị quyết, những nhược điểm trong khi đưa nghị quyết vào cuộc sống ít được đề cập đến, ít bài báo xem xét lại việc này để cùng tìm hiểu, phân tích và rút ra bài học kinh nghiệm.
Ngay khi mới thành lập, huyện Quang Bình cũng ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược nhằm phát triển nhanh nền KT-XH. Trong đó, chủ trương “vàng hóa” đàn gia súc bằng cách đưa giống bò vùng cao về nuôi cùng với đàn trâu được coi là giải pháp quan trọng, góp phần tăng trưởng nhanh đàn gia súc, mang lại nguồn thu nhập lớn từ chăn nuôi cho nhân dân, qua đó đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế nông-lâm nghiệp. Nghị quyết triển khai thực hiện đúng dịp dịch Lở mồm long móng (LMLM) bùng phát mạnh. Những chuyến xe tải nhập bò từ các huyện vùng cao về, vô tình đã giúp vi rút LMLM dễ dàng xâm nhập vào địa bàn Quang Bình. Vi rút LMLM phát tán mạnh, nó không chỉ đánh gục toàn bộ đàn bò mới nhập, còn lây sang cả đàn trâu của huyện. Kết cục là rất nhiều gia súc phải tiêu hủy nhằm ngăn chặn hậu họa... Cũng giống như Bắc Mê, trước khi triển khai nghị quyết “vàng hóa” đàn gia súc, các cơ quan truyền thông cũng vào cuộc rầm rộ, ca ngợi đây là cách làm mới, sáng tạo, mang tính đột phá. Nhưng khi kết quả không được như mong muốn, những người có trách nhiệm không đả động gì đến, các phương tiện truyền thông cũng im bặt.
Báo chí là đội quân tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Trước mỗi chủ trương, quyết sách lớn, sự vào cuộc của giới truyền thông là rất cần thiết. Nhưng khi kết quả không như mong muốn cũng rất cần có sự tham gia của giới truyền thông để phân tích, đánh giá những nguyên nhân chủ quan, khách quan và có định hướng dư luận. Vì vậy, Nhà báo khi viết đi cũng rất cần viết lại một vấn đề nào đó với cái nhìn khách quan, định hướng và mang tính xây dựng.
Ý kiến bạn đọc