Cây cao su trên đất Phú Linh

16:45, 28/06/2010

HGĐT- Là xã thuần nông, những năm qua, xã Phú Linh (Vị Xuyên) không ngừng vươn lên. Đến nay, bình quân lương thực đầu người đã đạt 580kg, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/năm. Những con số trên có thể nói đã có bước đột phá đáng kể so với 5 năm trước.


 
 Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang chăm sóc cây cao su tại xã Trung Thành (Vị Xuyên).

Tuy nhiên, so với những lợi thế của một địa bàn sát với thị xã Hà Giang thì vẫn là khiêm tốn. Để thúc đẩy sự phát triển của xã, những năm trước đây đã có nhiều chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đưa vào nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, đi tìm cây gì có thể đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn luôn là điều trăn trở của không chỉ cấp uỷ, chính quyền mà còn là của nhân dân các dân tộc nơi đây.


Thực hiện chủ trương lớn của tỉnh về chương trình trồng cây cao su, xã Phú Linh được lựa chọn với kế hoạch chuyển đổi 150 ha đất rừng sang trồng cây cao su trong năm 2010. Trên cơ sở đó, cấp uỷ, chính quyền và người dân ở các thôn được quy hoạch trồng cao su đã và đang tích cực để thực hiện mục tiêu đưa cây cao su về đất Phú Linh. Ông Lê Đình Công, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Linh cho biết, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây cao su là một hướng đi đúng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong công tác tuyên truyền, vận động đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Trước đây, đã từng đưa nhiều loại cây vào trồng thử nghiệm, nhưng không đem lại hiệu quả. Vì thế, để có thể vận động người dân về một loại cây còn mới như cao su thì ngay từ cuối năm 2009, cùng với sự giúp đỡ của các cấp, xã đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, vận động về chương trình trồng cây cao su. Sau khi Ban chỉ đạo chương trình trồng cây cao su của xã được thành lập, cùng với các đoàn thể trong xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích về các cơ chế, chính sách của chương trình trồng cây cao su. Thông qua những buổi tham quan thực tế tại một số địa bàn trong tỉnh, giúp cho người dân từng bước hiểu được ý nghĩa chương trình trồng cây cao su.


Triển khai kế hoạch rà soát, chuyển đổi 150ha đất sang trồng cây cao su trong năm 2010, xã Phú Linh đã lựa chọn 4 thôn để rà soát các diện tích đất chuyển đổi sang trồng cao su là thôn Chăn 1, Chăn 2, Bắc Ngàn và Bản Tha. Qua 2 đợt rà soát và tổ chức đăng ký, đã có 133 hộ được vận động, tham gia góp đất trồng cây cao su. Chị Hoàng Thị Thành, Trưởng thôn Chăn 2, thôn có số hộ đăng ký với số diện tích đất tham gia trồng cây cao su nhiều nhất của xã cho rằng, là loại cây trồng mới, vì thế, thời gian qua cùng với xã, thôn đã tích cực triển khai công tác vận động người dân. Những bước đi ban đầu đầy khó khăn, cùng với sự gương mẫu đi đầu tham gia góp đất của cán bộ, đảng viên trong thôn đã giúp cho công tác vận động người dân từng bước thu được kết quả. Đến nay, toàn thôn đã cơ bản vận động được những hộ có rừng tham gia góp cổ phần vào chương trình trồng cao su theo hình thức góp đất rừng của gia đình. Qua đăng ký, rà soát, đến nay toàn thôn có 37 hộ góp trên 96ha đất. Một trong số những hộ đi đầu là gia đình chị Nguyễn Thị Chính, Bí thư Chi bộ thôn Chăn 2 đã góp 8ha đất trồng cao su; gia đình chị Hoàng Thị Thành, Trưởng thôn cũng góp gần 2ha. Từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ thôn, một số hộ dù có diện tích rừng gần 3 năm tuổi cũng đã tích cực góp đất trồng cây cao su...


Với những nỗ lực chung, đến nay tổng diện tích đất qua 2 đợt rà soát, đăng ký tại 4 thôn đã được trên 316ha. Trong đó, đã giải ngân tiền hỗ trợ chuyển đổi của tỉnh, huyện cho các hộ tham gia góp đất là 212,4ha với số tiền là 536 triệu đồng, số diện tích 104,3ha còn lại đang được xã trình lên huyện xem xét giải ngân trong thời gian tới. Cùng với quá trình giải ngân, xã cũng đã tích cực vận động dân góp đất đảm bảo sự liền thửa, liền khoảnh. Đến nay, địa phương đã bàn giao cho Công ty cổ phần Cao su Hà Giang (CPCSHG) được 78ha đất liền khoảnh, qua đó xã, huyện đang tạo điều kiện cho người dân tận thu gỗ từ các diện tích rừng tham gia trồng cao su. Về phía Công ty CPCSHG cũng đang triển khai hợp đồng với người dân địa phương để triển khai phát rọn và khai hoang đất trồng cao su.


Với mức đầu tư cho mỗi một ha cao su khoảng 100 triệu là một con số khá lớn, vì thế, việc góp đất trồng cao su là một hướng đi tích cực của người nông dân. Việc góp đất của mỗi hộ gia đình được coi như là đóng cổ phần, mỗi một ha được tính là 10 triệu đồng, quy trình đầu tư trồng cây cao su hoàn toàn do Công ty CPCSHG đảm nhận, khi cao su cho thu hoạch thì sản phẩm sẽ được ăn chia theo thực tế. Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân tham gia trồng cây cao su, tỉnh, huyện, Công ty CPCSHG đã và đang có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân như việc hỗ trợ tiền chuyển đổi đất cho dân. Tỉnh sẽ hỗ trợ cho mỗi ha rừng dưới 3 năm tuổi là 2 triệu đồng, rừng trên 3 năm tuổi được hỗ trợ 3 triệu đồng, rừng tự nhiên, rừng tạp là 1 triệu đồng. Về phía huyện, sẽ hỗ trợ thêm bằng 50% kinh phí mà tỉnh hỗ trợ cho mỗi diện tích rừng tham gia góp trồng cây cao su. Về phía Công ty CPCSHG, khi triển khai trồng cao su sẽ tiến hành tuyển dụng con em các hộ tham gia góp đất vào làm công nhân với các chế độ theo Luật Lao động quy định, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho người dân trong vùng được tham gia lao động, chăm sóc, phát triển cây cao su để có thêm thu nhập...


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Quỹ hội giúp phụ nữ Hố Quáng Phìn giảm nghèo
HGĐT- Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc gắn kết sức mạnh đoàn kết của chị em phụ nữ, Chi hội Phụ nữ xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) đã và đang phát huy và hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo thông qua chương trình xây dựng quỹ Hội.
28/06/2010
Quản Bạ, mưa to, gió lốc gây thiệt hại 1,5 tỷ đồng
HGĐT- Đêm ngày 25.6.2010, trên địa bàn xã Lùng Tám (Quản Bạ) xẩy ra mưa to, gió lốc, đã làm thiệt hại 1 ha ngô, 3 ha lúa; làm hư hỏng nặng 300 m đường giao thông trên tuyến đường đi từ xã Lùng Tám - Thái An. Tổng thiệt hại ước 1,5 tỷ đồng.
28/06/2010
Khắc phục sạt lở tuyến đường Mèo Vạc - Đồng Văn
HGĐT- Như tin đã đưa, vào rạng sáng 25.6, trên địa bàn huyện Mèo Vạc xảy ra mưa to làm sạt lở một số đoạn đường trên tuyến quốc lộ 4C, đoạn Mèo Vạc - Đồng Văn.
28/06/2010
Mưa to làm sạt lở tuyến đường giao thông Mèo Vạc - Đồng Văn
HGĐT- Vào rạng sáng ngày 25.6.2010, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã sảy ra mưa to làm ảnh hưởng đến hoa màu của nhân dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt mưa to đã làm sạt lở một số khu vực trên tuyến quốc lộ 4c đoạn đường Mèo Vạc đi Đồng Văn.
25/06/2010