Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa Hà Giang nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái

17:02, 18/06/2010

HGĐT- Là một tỉnh vùng cao biên giới, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân nghèo, đặc biệt là bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã thành lập Bếp ăn tình thương vì người bệnh nghèo tháng 2.2004. Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, Bếp ăn tình thương nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của hàng ngàn bệnh nhân nghèo và những tấm lòng hảo tâm...


 
 Từ suất ăn tình thương của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân Phàn Già Chìu, tôn Nạm Ty, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) vơi đi nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.

Bác sỹ Vũ Hùng Vương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Giang cho biết: Xuất phát từ tình hình thực tế của các bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, mặc dù được miễn toàn bộ viện phí, thuốc men nhưng có khá nhiều bệnh nhân đứt bữa, không có tiền ăn; Bệnh viện đã vận động cán bộ CNVC Bệnh viện quyên góp ủng hộ bếp ăn tình thương thông qua các cuộc vận động, cùng với sự giúp đỡ của nguồn quỹ Hội CTĐ tỉnh, mỗi năm ủng hộ bếp ăn tình thương 1 triệu đồng. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, Ban quản lý bếp ăn tình thương đã tích cực vận động những tấm lòng của các nhà từ thiện, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, song sự ủng hộ này không ổn định, vì vậy việc duy trì bếp ăn vẫn gặp nhiều khó khăn.


Từ năm 2004 đến nay, từ nguồn tiền vận động quyên góp, Bệnh viện đã chia suất ăn tình thương cho người bệnh nghèo đang điều trị tại Bệnh viện theo hình thức 2 bữa ăn trưa và tối, trị giá 10.000 đồng/ngày. Từ tháng 3.2010, bếp ăn đã nâng lên mức 12.000 đồng/ngày. Để suất ăn tình thương đến đúng đối tượng được hưởng lợi, hàng ngày căn cứ giấy giới thiệu của Bệnh viện các huyện, Trạm y tế các xã và tình hình hoàn cảnh thực tế thể trạng của bệnh nhân, kết hợp với theo dõi chế độ ăn tự túc của bệnh nhân từ 1 đến 3 ngày đầu nằm điều trị tại bệnh viện,các y, bác sỹ điều trị, cán bộ điều dưỡng phụ trách các khoa phòng điều trị bệnh nhân đề xuất với lãnh đạo bệnh viện phê duyệt. Đối với những bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, bệnh nhân cơ nhỡ không có thẻ người nghèo, bệnh viện cũng xem xét để hỗ trợ người bệnh.


Gần 7 năm qua, trung bình mỗi ngày Bệnh viên phát từ 18-20 suất ăn tình thương và đã có trên 40.000.000 lượt bệnh nhân nghèo trong toàn tỉnh được ăn ở bếp ăn tình thương khi điều trị tại Bệnh viện. Ngoài ra, những người đi phục vụ bệnh nhân, hoặc những bệnh nhân không thuộc diện đối tượng để được hưởng lợi suất ăn tình thương, Bệnh viện giúp đỡ họ bằng cách gia đình đóng góp theo định suất ăn 12.000 đồng/ngày/2 bữa, Bệnh viện hỗ trợ tiền đun nấu như ga, dầu, muối... nấu giúp phục vụ để họ yên tâm an ủi động viện người thân của mình khi điều trị tại Bệnh viện. Bệnh viện còn hỗ trợ xe, tiền ăn cho những người bệnh nghèo khi phải chuyển về các Bệnh viện Trung ương, đồng thời vận động các Bệnh viện bạn giúp đỡ bệnh nhân nghèo khi đến điều trị.


Với số lượng bệnh nhân nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 1/3 số bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện. Có những hôm bếp ăn tình thương phục vụ khoảng từ 50-70 suất ăn tình thương. Song với nguồn kinh phí để duy trì bếp ăn hiện nay chủ yếu là từ nguồn ủng hộ hảo tâm của cán bộ CNVC Bệnh viện mỗi năm được 30-40 triệu đồng, số lượng bệnh nhân nghèo chiếm tỷ lệ cao như vậy là một nỗi lo của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong khi điều kiện, đời sống của cán bộ CCVC bệnh viện hiện cũng còn nhiều khó khăn. Hơn nữa nguồn kinh phí của Bệnh viện được cấp hạn hẹp, phải trả tiền lương cho 2 cấp dưỡng phục vụ bếp ăn, trả tiền điện, tiền than, củi, tiền nước, dầu, muối, gia vị...


Để duy trì bếp ăn tình thương vì người bệnh nghèo ở Bệnh viện Đa khoa Hà Giang là rất khó khăn. Cơ sở vật chất nhà bếp chật hẹp, cũ, đặc biệt dưới thời tiết nắng nóng oi bức của mùa hè, mùi than bốc lên trong điều kiện nấu nướng dưới căn nhà tạm mái tôn 2 gian đơn sơ rất vất vả cho 2 cán bộ cấp dưỡng ở đây. Dụng cụ làm bếp tối thiểu như nồi, xoong nhôm đã quá cũ, méo mó... Mỗi khi đến giờ chia cơm cho bệnh nhân nghèo, các y tá, hộ lý của Bệnh viện phải mang xuống 2 chiếc xoong to, một chiếc đựng cơm, một chiếc đựng canh đến tận từng phòng, khoa chia cho bệnh nhân nghèo tại giường bệnh. Ai có cái gì thì cái ấy đưa ra nhận cơm như ca, hộp, cốc, túi nilon trông rất mất vệ sinh và thời gian. Tủ lạnh tại nhà bếp từ những năm 1980 quá cũ, đã hỏng hóc không dùng được. Chia sẻ với chúng tôi, các chị: Phạm Thị Mai, Nguyễn Thị Xuyến đã gắn bó với bếp ăn tình thương từ ngày thành lập đến cho biết: Hoạt động vì người nghèo là khẩu hiệu luôn nêu cao trong mỗi cán bộ, y bác sỹ nhân viên chúng tôi ở đây. Trong điều kiện giá cả đắt đỏ hiện nay, với 12.000 đồng/2 bữa đi chợ mua thực phẩm thực sự là rất khó, song mỗi chúng tôI đều cố gắng để nấu ăn phục vụ bệnh nhân nghèo có đủ chất dinh dưỡng. Chúng tôi luôn mong muốn có sự góp sức của những tấm lòng hảo tâm quan tâm ủng hộ, giúp đỡ bếp ăn tình thương nhiều hơn nữa về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng cho bếp ăn.


Chúng tôi có mặt tại bếp ăn vào lúc 10h30 phút sáng, thức ăn nấu xong đã được các chị cấp dưỡng nấu nướng sạch sẽ. Cùng với các chị điều dưỡng viên, y tá về chia cơm cho các phòng bệnh nhân nghèo. Hỏi thăm bệnh nhân Sùng Chứ Pó, 69 tuổi, ở xóm Lũng Hòa B, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Ông phải nhập viện để mổ sỏi thận, là gia đình nghèo, điều kiện gia đình hết sức khó khăn, nên đi viện là nỗi lo và gánh nặng lớn đối với gia đình. Tiền viện phí thì không tốn đồng nào song tiền đi lại, tiền ăn thì rất lớn. Được sự giúp đỡ của bệnh viện, hàng ngày ông được bệnh viện phát phiếu ăn tình thương, mỗi ngày 2 suất nên cũng đỡ khó khăn cho gia đình. Vợ và con ông đi trông nom, phục vụ, mua cơm ở ngoài thì rất cao, từ 20-30.000 đồng/suất gia đình không có điều kiện, Bệnh viện đã tạo điều kiện cho gia đình nộp 12.000 đồng/ngày/người để bếp ăn tình thương nấu giúp 2 bữa ăn mà không phải trả chi phí nào. Gia đình chúng tôi cảm ơn Bệnh viện Đa khoa Hà Giang nhiều lắm... Hay như bệnh nhân Phàn Già Chìu, dân tộc Dao ở thôn Nậm Ty, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đi làm nương không may bị ngã vỡ xương bánh chè. Mới vào viện được 3 hôm, điều kiện gia đình nghèo lại đông con, gia đình không có điều kiện để mua cơm ở các quán ngoài, được sự giúp đỡ của Bệnh viện, hàng ngày tôi được cấp 2 suất ăn miễn phí, tôi cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của các y, bác sỹ, các tổ chức, đơn vị và cá nhân đã giúp cho những bệnh nhân nghèo như chúng tôi...


Để bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Đa khoa Hà Giang được duy trì và phát triển, giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo không bị đứt bữa, góp phần giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo vượt qua được cơn khốn khó, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang rất mong nhận được sự chia sẻ tấm lòng nhân ái của các tổ chức, cá nhân đến với bệnh nhân nghèo, giúp họ vơi đi nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.


Minh Tâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm về chuyến đi viết bài đầu tiên
HGĐT- Tôi yêu thích nghề báo, sau khi tốt nghiệp Đại học vào tháng 6.2006, tôi đã có mặt tại Hà Giang. Tình cờ trong một lần xem trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tôi được biết Báo Hà Giang đăng tin thi tuyển phóng viên. Không ngần ngại tôi đã nộp hồ sơ, hẹn ngày đến dự tuyển. Thật may mắn, tôi là một trong 2 người trong tổng số 13 người đăng ký dự tuyển thi vào Báo Hà
18/06/2010
Với tôi là một nghề hạnh phúc
HGĐT- Mỗi một con người khi trẻ tuổi đều có những ước mơ, hoài bão của riêng mình. Có những người thích trở thành thương gia, có những người thích làm bác sĩ hay những chính trị gia lịch sự... Nhưng, với tôi từ thuở ngồi trên ghế trường làng, điều ước thật giản dị, không phải trở thành một nhà chính trị nghiêm trang, không phải ồn ào như một thương gia, mà nghề báo mới chính
18/06/2010
Xin đừng như... báo cáo
HGĐT- Cùng với sự phát triển nền KT-XH của đất nước, trong lĩnh vực truyền thông cũng có sự bùng nổ mạnh mẽ. Hiện cả nước có hàng trăm cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm ở đủ thể loại như báo in, báo hình, Internet, VOV có hình...
18/06/2010
Chuyện những nhà báo - chiến sỹ CAND
HGĐT- Đã trở thành quen thuộc với bạn đọc, mỗi tháng hai kỳ, chuyên mục Phát thanh và 2 chuyên mục Truyền hình An ninh Hà Giang, được phát trên sóng củaĐài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và 1 chuyên trang ANTT trên Báo Hà Giang. Tác giả thực hiện những chương trình ấy là những cán bộ chiến sỹ Công an, công tác tại Phòng công tác Chính trị, Công an tỉnh. Vừa thực hiện nhiệm vụ
18/06/2010