Về Giáp Trung hôm nay
HGĐT- Chúng tôi về Giáp Trung, một xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Bắc Mê vào một ngày đầu tháng 5 khi tiết trời đang chuyển mùa sang hạ, mặc dù trong cái nắng nóng đầu mùa khô khó chịu nhưng cũng làm trong tôi dịu lại, bởi nơi đây - mảnh đất mà tôi đã từng đặt chân cách đây 5 năm nay đang từng ngày, từng giờ đổi thay và phát triển...
Cũng đúng vào dịp này, tôi được tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 – 2015). Ngay sau khi Đại hội kết thúc, tôi gặp đồng chí Nông Trọng Huấn, Bí thư Đảng ủy mới được Đại hội tín nhiệm bầu làm Bí thư, anh phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về những thuận lợi và khó khăn của xã trong những năm qua: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã làm được rất nhiều việc, hoàn thành được rất nhiều các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, an ninh - quốc phòng. Với đặc điểm là một xã vùng 3, nằm ở phía Bắc của huyện Bắc Mê, Giáp Trung có diện tích tự nhiên gần 8.000 ha, toàn xã có 10 thôn bản, với dân số gần 5000 người của 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 69%, dân tộc Mông chiếm 25,8%, còn lại là các dân tộc khác. Do có những khó khăn về tình hình địa lý, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là những thôn vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với các xã khác trong toàn huyện. Nhưng trong nhiệm kỳ qua (2005 – 2010), Đảng bộ xã đã xác định rõ tiềm năng và những khó khăn của địa phương và đặt ra nhiệm vụ rõ ràng cụ thể để thực hiện là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là chủ yếu. Trong đó, lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Vì thế mà trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã được Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực khai hoang phục hoá, chuyển đổi diện tích đất mầu có điều kiện sang trồng lúa nước và các cây trồng chính, chú trọng công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho phát triển kinh tế, do đó năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi đã có sự tăng trưởng khá. Đối với cây lúa, do điều kiện là một xã vùng cao nên diện tích trồng cây lúa còn ít, toàn xã chỉ có 180 ha, nhưng Đảng bộ xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên đã đưa năng suất bình quân từ 48,1 lên 49 tạ/ha, tăng so với năm 2005 là 5,3 tạ/ha và bằng 112% so với nghị quyết. Diện tích lúathâm canh hàng năm đạt trên 70% diện tích gieo trồng, trong đó chủ yếu là các loại giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao. Riêng cây ngô được gieo trồng với diện tích lớn hơn, vì diện tích của xã cơ bản là đồi núi dốc, vì thế hàng năm toàn xã có diện tích gieo trồng ngô là 512 ha, tăng 116,8% so với nghị quyết, năng suất bình quân đạt 22,8 tạ/ha, diện tích thâm canh hàng năm đạt 76%. Tổng sản lượng cây có hạt đạt 2.029 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 536 kg/người/năm, mứcthu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài cây lúa, cây ngô, Đảng bộ xã còn chỉ đạo nhân dân tích cực trồng các loại cây đậu tương, cây lạc, và rau đậu các loại để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống và chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong chăn nuôi, đàn đại gia súc gia cầm, thuỷ cầm trong những năm qua tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng được các chương trình hỗ trợ như dự án chia sẻ, chương trình hỗ trợ phát triển trâu, bò hàng hoá của huyện, chương trình hỗ trợ hộ nghèo vay vốn mua gia súc, gia cầm nên đàn gia súc, gia cầm vẫn tăng trưởng nhanh và ổn định. Tính đến nay toàn xã có 2000 con trâu, 350 con bò, 2496 con dê và các loại gia cầm khác, nhiều hộ gia đình đã phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại với số lượng lớn, nên đã góp phần đưa kinh tế chăn nuôi của xã phát triển mạnh.
Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, Đảng bộ xã cũng đã xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy trong nhiệm kỳ qua được sự quan tâm của Nhà nước đã đầu tư xây dựng thêm hai trạm hạ thế, đến nay toàn xã có sáu trạm hạ thế điện và có 6/10 thôn bản đã đưa được điện lưới về cho 639 hộ/752 hộ dân được sử dụng điện, trong đó có 25% hộ dân sử dụng điện nước. Một vấn đề quan trọng hơn đó là công nghiệp khai thác khoáng sản đã có sự phát triển mạnh, trong đó tập trung là thăm dò khai thác và sơ tuyển các loại quặng như Măng gan, quặng sắt tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân và tăng thu ngân sách cho địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã đã có doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò và khai thác 3 mỏ quặng tại các điểm như: xí nghiệp Hùng Lâm khai thác quặng Măng gan tại thôn Nà Viền với diện tích 16,2 ha, còn lại 3 công ty cổ phần thép An Khang, Công ty Đông Bắc I, II Bộ Quốc phòng đang trong giai đoạn thăm dò. Cùng đó, hoạt động khai thác vật liệu xây dựng đã có bước phát triển đáp ứng một phần nhu cầu vật liệu xây dựng của nhân dân, từng bước xây dựng các làng nghề trên địa bàn như đóng tấm lợp xi măng, lò rèn, đúc nôngcụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX chế biến lâm sản và 3 cơ sở chế biến chè. Điều đáng phấn khởi nữa đó là trong nhiệm kỳ qua được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, nên con đường từ trung tâm huyện dài 9 cây số đã được rải nhựa đến trung tâm xã. Bên cạnh đó, xã đã huy động sức dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động tu sửa các tuyến đường giao thông liên thôn đảm bảo giao thông thông suốt. Đến nay, 10/10 thôn bản đã có đường ô tô đến trung tâm thôn và các xóm, tổ dân cư đều có đường dân sinh. Cạnh đó,nhiều chương trình dự án của Nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, kết hợp với sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng được 4 trụ sở thôn, xây dựng và mở chợ phiên tại trung tâm xã phục vụ cho giao lưu trao đổi buôn bán hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 7/10 thôn bản đã có điểm trường, nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng kiên cố, khang trang. Hàng chục công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho sinh hoạt đời sống của nhân dân. Hoạt động thương mại – dịch vụ phát triển tương đối nhanh, các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu đời sống của nhân dân đã được các thành phần kinh tế cung cấp kịp thời, đa dạng đến tận các thôn bản. Xã đã mạnh dạn đầu tư trên 400 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135 và ngân sách của huyện hỗ trợ để mở rộng mặt bằng và xây dựng chợ trung tâm xã để tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc trên địa bàn...
Cùng với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng bộ xã rất coi trọng sự nghiệp văn hoá xã hội, đặc biệt coi sự nghiệp giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Từ đầu nhiệm kỳ 2005 – 2010 hiện tượng học sinh chưa biết đọc, biết viết, lưu ban tương đối phổ biến. Thực hiện đổi mới công tác quản lý, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tích cực, gắn với hưởng ứng Cuộc vận động “hai không” với 4 nội dung, phong trào thi đua “hai tốt”, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp năm sau cao hơn năm trước. Được sự quan tâm của huyện, năm học 2005 – 2006 xã đã tách và thành lập mới hai trường: Tiểu học và trường THCS, so với đầu nhiệm kỳ số điểm trường tăng lên hai điểm, năm học 2009 – 2010 là 19 điểm trường, THCS tăng nhanh, năm học 2005 – 2006 có 4 lớp, đến năm học 2009 – 2010 tăng lên 11 lớp. Chất lượng dạy và học của ngành tăng lên rõ rệt, so với đầu nhiệm kỳ không còn hiện tượng học sinh chưa biết đọc biết viết, lưu ban. So với nghị quyết, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp luôn đạt trên 98%. Tỷ lệ huy động các độ tuổi đến trường tăng lên rõ rệt, từ 3 – 5 tuổi đạt 83%, riêng 5 tuổi đạt 83%, trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 98%, cơ sở vật chất cơ bản đã đáp ứng được 70% lớp học và nhà công vụ cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó nhà trường còn kết hợp với gia đình và xã hội xây dựng cơ sở vật chất cho học sinh bán trú dân nuôi. Cùng với sự nghiệpgiáo dục đào tạo, công tác y tế, dân số gia đình và trẻ em thường xuyên được quan tâm từ cơ sở vật chất, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở, cung cấp đầy đủ và kịp thời các loại thuốc chữa bệnh theo Chương trình 139 và các loại thuốc thông thường khác. Mỗi năm tại trạm y tế xã có trên 2000 lượt người được khám, chữa bệnh. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên trong những năm qua tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã giảm từ 1,65% xuống còn 1,25%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 26% xuống còn 21,4%. Đến nay xã đã có 1 bác sĩ, 4 y sĩ, các thôn bản đều có y tá được đào tạo đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ cho nhân dân, xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2007....
Để có được những kết quả như hôm nay, đồng chí Nông Trọng Huấn, Bí thư Đảng uỷ xã khẳng định: Trước hết là sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ xã, đồng thời được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội đều dựa trên tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là Đảng bộ xã đã nghiêm túc rút kinh nghiệm những yếu kém tồn tại để khắc phục, không bảo thủ trì trệ, nhất là từ khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, cuộc vận động đã gắn liền với các phong trào thi đua nên đã thực sự làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đã góp phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội của xã phát triển. Với những kết quả đó, nhiệm kỳ mới 2010 – 2015 mục tiêu của Đảng bộ xã là “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát huy nội lực và phát triển bền vững” để đưa Giáp Trung trở thành một xã có tiềm năng kinh tế vững chắc của huyện...
Ý kiến bạn đọc