Ghi nhận từ phong trào thi đua yêu nước ở Bắc Quang

09:20, 16/05/2010

HGĐT- Bác Hồ kính yêu từng nhắc nhở: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Thấm nhuần lời dạy của Người, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang luôn tích cực hưởng ứng, thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả đạt được từ các phong trào đó đã góp phần xây dựng huyện vững mạnh, xứng đáng là huyện động lực của tỉnh nhà.


Bắc Quang là huyện vùng thấp, có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân dân, huyện Bắc Quang đã giành được những thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực: Tổng sản lượng lương thực toàn huyện đến năm 2009 đạt trên 51 nghìn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 462 kg/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trên địa bàn đến năm 2009 đạt gần 30%; thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2009 đạt 65 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hộ khá, giàu tăng lên, đến nay toàn huyện có 63% hộ khá, giàu và chỉ còn 2,9% hộ nghèo; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng cũng đã đạt được nhiều thành quả lớn...


Một trong những nguyên nhân chính giúp huyện giành được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực là do huyện đã đẩy mạnh việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực theo tinh thần Chỉ thị 39_CT/TƯ ngày 21.5.2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Từ việc triển khai mạnh tinh thần Chỉ thị 39, các cấp, các ngành cùng đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình phong trào thi đua yêu nước. Một yếu tố quan trọng giúp phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn đạt được nhiều kết quả là do được gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Từ phong trào thi đua yêu nước, ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cụ thể đều xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, những việc làm hay. Đó là những nhân tố tích cực, tạo sự chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, là tấm gương để nhân rộng. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, phong trào: Nhà nhà thi đua, người người thi đua và phong trào làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu, người giàu thì giàu thêm theo lời dạy của Bác được đông đảo quần chúng nhân dân khu vực nông thôn tham gia. Toàn huyện hiện có 945 hộ nông dân sản xuất giỏi. Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc thực hiện tốt phong trào dồn điền, đổi thửa, thâm canh giống mới; thôn Minh Tân, xã Quang Minh có mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao...Về cá nhân có gia đình ông Vũ Văn Mạnh, thôn Vĩnh An, Vĩnh Phúc tiêu biểu trong phát triển cây cam, cho thu nhập cao; gia đình ông Phạm Ngọc Tú, xã Hùng An tiêu biểu về phát triển lâm nghiệp; hộ ông Cao Xuân Hậu, thị trấn Vĩnh Tuy tiêu biểu về chăn nuôi nhím. Từ các phong trào trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã góp phần giúp huyện chuyển biến từ nền sản xuất tự cung, tự cấp, manh mún sang sản xuất thâm canh mang tính hàng hoá...Đối với ngành Giáo dục, mỗi trường học, lớp học và đông đảo đội ngũ cán bô, giáo viên hưởng ứng tham gia tích cực vào các phong trào, cuộc vận động như: Cuộc vận động “Hai không”; Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương tự học và tự sáng tạo”; phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; dạy tốt học tốt...Các phong trào đó là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển. Đồng thời qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến như: Tập thể trường THCS Nguyễn Huệ, Hùng An; trường PTDT Nội trú cấp 2+3 huyện. Cá nhân có cô giáo Ngô Thu Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Quang; cô giáo Lương Thị Kiều Loan, trường THCS Nguyễn Huệ; cô giáo Ngô Thị Thu, trường Mầm non Việt Quang II...Các phong trào Lương y như từ mẫu của ngành Y tế; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu vực nông thôn; phong trào đền ơn đáp nghĩa; phong trào Vì an ninh tổ quốc của lực lượng Công an...luôn được duy trì và phát huy được hiệu quả rõ nét...Từ năm 2004 đến nay, huyện đã có 263 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được T.Ư khen thưởng; 5.741 tập thể, cá nhân được tỉnh khen thưởng.


Tuy nhiên, phong trào thi đua ở một số đơn vị chưa sâu, thiếu chương trình, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nên chưa tạo sự chuyển biến về nhận thức, kết quả đạt được chưa cao. Một số cấp ủy ở cơ sở chưa quan tâm đến việc tổng kết, đánh giá đúng phong trào nên không nhân rộng được điển hình tiên tiến. Nhiều đơn vị chưa có sáng tạo trong việc triển khai phong trào thi đua, hình thức khen thưởng chưa tương xứng với thành tích từng ngành, từng đối tượng, đặc biệt nhiều nơi khen cán bộ nhiều hơn khen quần chúng nhân dân.


Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua, huyện rút ra được những kinh nghiệm để thực hiện đạt kết quả cao hơn trong những năm tiếp theo. Phong trào thi đua yêu nước phải được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền, lãnh đạo các đơn vị. Phong trào thi đua phải đảm bảo có nội dung, mục tiêu rõ ràng, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời phải được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu riêng, phù hợp với từng giai đoạn. Trong quá trình triển khai cũng cần có sự đổi mới với hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức thi đua theo khối, tổ chức các cuộc vận động, thi đua ngắn hạn, dài hạn...Việc tổ chức ký kết giao ước thi đua, chấm điểm, phân loại, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng cũng cần được thực hiện nghiêm túc.


Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua trong những năm qua là cơ sở để huyện thực hiện đạt được nhiều kết quả hơn trong việc triển khai phong trào thi đua yêu nước trong những năm tiếp theo.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gió lốc gây thiệt hại tại Hoàng Su Phì
HGĐT- Trong mấy ngày vừa qua, tại huyện Hoàng Su Phì đã xảy ra nhiều cơn lốc mạnh kèm theo mưa to để lại hậu quả khá nặng đối với đời sống của nhân dân.
30/04/2010
Công ty Cổ phần xi măng Hà Giang thực hiện tốt công tác an toàn-vệ sinh lao động và quyền lợi của người lao động
HGĐT- Là công ty Cổ phần hoạt đông trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng có quy mô lớn, với những sản phẩm chủ yếu như: Xi măng, tấm lợp Fibrô xi măng, đá xây dựng các loại... vì vậy trong nhà máy và trên công trường luôn có hàng trăm công nhân trực tiếp lao động, sản xuất, do đó công tác An toàn-vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong những năm
30/04/2010
Toàn tỉnh thiệt hại gần 13 tỷ đồng do gió lốc xảy ra tối 9.5
HGĐT- Tối 9.5, trên địa bàn các huyện: Xín Mần; Hoàng Su Phì; Vị Xuyên; Quang Bình; Mèo Vạc; Quản Bạ; Yên Minh và Bắc Mê đã xảy ra gió lốc kèm theo mưa gây nên những thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân cũng như các công trình xây dựng của Nhà nước
16/05/2010
Trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa
HGĐT- Sáng 13.5, tại Hội trường Tỉnh đoàn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Viettel Hà Giang đã trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt quan tâm tới các lực lượng là cựu thanh niên xung phong của tỉnh. Tham dự buổi lễ có các đại diện Tỉnh đoàn, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động và Thương binh xã hội, đại
16/05/2010