Dự án DPPR Đồng Văn: Góp phần nâng cao thu nhập, năng lực sản xuất cho người dân
HGĐT- Đối với huyện vùng cao Đồng Văn, nguyên nhân dẫn đến sản xuất nông nghiệp phát triển chậm là do một số nguyên nhân như: Thiếu đất sản xuất; năng lực canh tác của người dân còn hạn chế; điều kiện kinh tế hạn hẹp ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh, mua giống cây trồng mới, thiết bị sản xuất tiên tiến…
Để khắc phục một phần khó khăn cho người dân vùng cao, Dự án DPPR huyện đã triển khai, thực hiện Tiểu hợp phần “Phát triển hệ thống canh tác vùng cao”. Trong 5 năm qua, những hoạt động của Tiểu hợp phần được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân nên khi triển khai được người dân đón nhận nhiệt tình. Kết quả đạt được có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao thu nhập, năng lực sản xuất cho người dân.
Mục tiêu của Tiểu Hợp phần đó là: Cung cấp, hỗ trợ để nâng cao thu nhập, năng lực sản xuất cho người dân ở khu vực thực hiện dự án, mục đích nhằm cải thiện tình hình an ninh lương thực hộ gia đình và đa dạng hoá thu nhâp theo cách bền vững. Phương pháp thực hiện đó là: Lấy hộ gia đình làm đơn vị thực hiện, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ phụ nữ, hộ dân tộc thiểu số. Dự án cho vay hoặc hỗ trợ một phần kinh phí hay toàn bộ kinh phí để các hộ thực hiện mô hình sản xuất. Trong quá trình thực hiện người dân đóng góp một phần kinh phí và công lao động. Ngoài hoạt động xây dựng mô hình sản xuất, Tiểu hợp phần cũng giành nhiều kinh phí để thực hiện hoạt động tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, đồng thời hỗ trợ cây giống và dụng cụ sản xuất cho người dân. Tất cả những hoạt động của Tiểu hợp phần đều rất có ý nghĩa đối với đồng bào vùng cao Đồng Văn bởi những hoạt động đó giải quyết cơ bản những khó khăn, hạn chế trong sản xuất ở vùng cao. Do đó, BQL Dự án huyện, xã tích cực triển khai, người dân đồng tình ủng hộ nên Tiểu hợp phần này luôn đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Qua 5 năm triển khai, Dự án đã tổ chức được 52 lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt người là cán bộ khuyến nông, thú ý xã, thôn và người dân vùng thực hiện Dự án. Các lớp tập huấn tập trung chính vào việc đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật mới trong sản xuất nông, lầm nghiệp, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm nông sản. Do các lớp tập huấn cũng như nội dung đào tạo được thực hiện theo đề xuất của người dân trong các cuộc xây dựng kế hoạch hàng năm nên các lớp tập huấn, nội dung tập huấn đều được các học viên tham gia đón nhận tích cực, phát huy được hiệu quả, mục đích. Dự án cũng đã triển khai thêm hình thức tuyên truyền kỹ thuật sản xuất đến người dân thông qua các buổi chiếu video tại thôn, bản. Nội dung phim vừa tuyên truyền những kết quả của Dự án trên địa bàn huyện, vừa đưa chi tiết về những mô hình đã được triển khai hiệu quả trên địa bàn...
Đi đôi với việc tập huấn nâng cao năng lực, Dự án cũng đã quan tâm đến việc hỗ trợ cây giống, dụng cụ sản xuất cho người dân. 5 năm qua, Dự án đã cung cấp 4.846 cây lê đường Đài Loan; 2.375 cây đào đỏ Trung Quốc; 1.985 kg giống khoai lang; hỗ trợ trên 200 nghìn giống câu thông, sa mộc, mỡ cho người dân các xã phát triển rừng. Dự án cũng đã hỗ trợ cho người dân dụng cụ sản xuất như: 772 thùng si lô; 217 bình phun thuốc trừ sâu; 648 máy tẽ ngô quay tay và nhiều dụng cụ khác cho hàng nghìn hộ nghèo sử dụng. Các dụng cụ này đều phát huy được hiệu quả đối với cuộc sống lao động sản xuất của người dân bởi nó được hỗ trợ theo nhu cầu thực tế.
Việc xây dựng các mô hình trình diễn trong sản xuất nông nghiệp cũng được Dự án quan tâm. Đến nay, Dự án thực hiện tổng cộng 18 mô hình, trong đó có mô hình thử nghiệm giống đậu tương DT96 và sản xuất giống đậu tương DT84; mô hình hướng dẫn chăm sóc bón phân lần 1, lần 2 đối với ngô lai, ngô địa phương; mô hình trồng cỏ giống mới VA06...Các mô hình sau khi tổng kết đã thu được thành công rất cao, trong đó nhiều mô hình đã có ý nghĩa nhân rộng quy mô sản xuất như mô hình bón phân lần 1, lần 2 cho cây ngô, mô hình trồng cỏ giống mới VA06 tại xã Vần Chải. Với mô hình trồng cỏ VA06, đây là giống cỏ mới, lần đầu tiên được trồng trên địa bàn huyện, mới đầu diện tích chỉ có 0,5 ha. Với ưu thế về chất lượng, năng xuất cao hơn hẳn so với giống cỏ Voi, Goatemala nên sau khi tổng kết mô hình các hộ dân trong xã đã nhân rộng diện tích cỏ VA06 lên vài chục ha, không chỉ ở xã mà người dân trên địa bàn toàn huyện cũng chuyển đổi từ trồng cỏ Voi sang trồng giống cỏ năng suất, chất lượng này. Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 200 ha cỏ VA06.
Hoạt động của Tiểu hợp phần “Phát triển hệ thống canh tác vùng cao” của Dự án DPPR huyện có ý nghĩa rất lớn đối với người dân vùng cao Đồng Văn, nó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho dân một cách bền vững.
Ý kiến bạn đọc