Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Những ngày đầu chiến dịch
Thời cơ nối tiếp thời cơ, chiến dịch mở ra chiến dịch, hội nghị Bộ chính trị hngày 31/3/1975 xác định “Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”. Các nghị sĩ Mỹ theo dõi tình hình miền Nam quả quyết, đã quá muộn để làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế ở Việt Nam.
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 1/4/1975 chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”. Ngày 14/4/1975 Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.
Như một bức tranh hoành tráng, xe pháo và tàu thuyền đủ loại, bộ đội và dân nhân du kích, dân công và Thanh niên xung phong, những ngả đường tấp nập..., cả dân tộc từ Bắc chí Nam đang hành quân, hậu phương đang dốc toàn lực ra tiền tuyến, nửa miền Nam vừa được giải phóng cũng góp sức vào chuẩn bị giải phóng nửa còn lại.
Đầu tháng 4/1975 Trung ương cục miền Nam ra chỉ thị cho quân dân Nam bộ và Nam Trung bộ (B2) hãy “táo bạo đánh các điểm theo chốt... khi có thời cơ”. Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn quyết định mở chiến dịch chia cắt địch trong toàn B2 để bao vây cô lập dịch ở Sài Gòn...
Ngày 8/4/1975, ta cho ném bom Dinh Độc Lập.Ngày 9/4/1975 ta tiến đánh địch ở Xuân Lộc. Ngày 16/4/1975 ta đập tan phòng tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang. Ngày 17/4/1975 Phnôm-pênh giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Campuchia đã kết thúc thắng lợi. Trong khi đó ở Lào chính phủ liên hiệp đóng cửa sứ quán ngụy Sài Gòn và ngụy Phnôm-pênh, sau đó vua Lào ra lệnh giải tán quốc hội, cuộc đấu tranh của quân và dân Lào bước hẳn sang thời kỳ chính trị hiệp thương để giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 18/4/1975 tổng thống Mỹ. G.Ford ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Ngày 20/4/1975 Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ngày 23/4/1975 Mỹ tuyên bố chiến tranh kết thúc, không thể giúp chính phủ Nam Việt Nam. Ngày 24/4/1975 Mỹ - Hương đề nghị xin ngưng bắn... Diễn biến dồn dập ấy diễn ra cùng lúc với 5 cách quân gồm 270.000 bộ đội chủ lực và 180.000 người khác phục vụ chiến dịch đang từng bước chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tiến công vào Sài Gòn.
17 giờ ngày 26/4/1975 cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, các mục tiêu tấn công ngập chìm trong bão lửa. Mỹ vội vàng mở chiến dịch “người liều mạng” để di tản. Các tướng tá quân đội Sài Gòn từ các sư đoàn bị đánh tơi tả, kẻ bị bắt, kẻ đầu hàng, kẻ tự sát, kẻ cởi quân phục lẩn trốn vào đám tàn quân. Tổng thống ngụy muốn xin “bàn giao chính quyền”, các đại diện Mỹ, Pháp tìm kế hoãn binh... Nhưng tất cả đã không thể ngăn cản được sức tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng trong “trận đánh cuối cùng” để kết thúc chiến tranh 30 năm.
12 giờ cuối cùng của chiến tranh
Tại Sài Gòn, sáng ngày 30 tháng 4, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (tướng Vĩnh Lộc tổng tham mưu trưởng đã bỏ chạy) và Nguyễn Hữu Có, lên gặp Dương Văn Minh báo cáo tình hình quân sự, đã thúc đẩy Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu (thủ tướng) đi đến quyết định đơn phương ngừng bắn, chờ “bàn giao trong vòng trật tự”. Dương Văn Minh họp nội các và đưa ra ý kiến “tuyên bố thành phố bỏ ngỏ”. Sau khi bàn luận, Vũ Văn Mẫu viết bản tuyên bố kêu gọi đơn phương ngưng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Bản tuyên bố được phát trên đài phát thanh Sài Gòn lú 9 giờ 30 phút.
Trên tất cả các hướng vào Sài Gòn, quân ta tiếp tục tiến công theo mệnh lệnh của Bộ Chính trị “tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống đối của chúng”.
Địch dùng pháo từ phía Đông xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa bắn ra cắt đội hình lữ đoàn xe tăng 20. Một phân đội của lữ đoàn rẽ vào đánh diệt chúng ở liên trường Thủ Đức (ở Cây Mai). Tại đây chiếc xe 707 đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. 9 giờ 30 phút đoàn xe tăng tiến thuận lợi qua cầu Rạch Chiếc do Z23, lữ đoàn 316 đặc công biệt động đang chiến giữ.
Phía trước là cầu Sài Gòn, ở đây tiểu đoàn 4 Thủ Đức đã chiến đấu quyết liệt, giằng co với địch từ đêm 29 rạng 30 tháng 4, đến 7 giờ sáng ngày 30 tháng 4 mới chiếm lại được đầu cầu phía Đông. Đoàn xe tăng lữ đoàm 203 đến đầu cầu Sài Gòn, 2 xe dẫn đầu đội hình tăng tốc vượt qua được nửa cầu thì bị xe tăng địch ở phía Tây vòm cầu bắn cháy. Đội hình xe tăng ta phải dừng lại ở đầu cầu phía Tây. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng Ngô Văn Nhỡ cầm cờ hiệu và điện đài chỉ huy tốp xe dẫn đầu vượt cầu lại bị trúng đạn địch và hy sinh trên tháp pháo. Lữ đoàn phó Trần Minh Công lên chỉ huy vượt cầu. Địch tiếp tục bắn hỏng thêm 2 xe tăng.
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và chính trị viên Vũ Đặng Toàn chỉ huy đại đội 4 vượt qua cầu. Địch lui về ngã tư Hàng Xanh, ta bám sát và bắn cháy một xe tăng của chúng tại đây. Các lực lượng tại chỗ bao vây, vận động vô hiệu hóa một số xe khác. Địch ở cầu Thị Nghè ngoan cố chống cự, ta bắn cháy thêm 1 xe tăng, 1 xe thiết giáp.
Qua cầu Thị Nghè, nữ chiến sĩ biệt động Nga (lữ đoàn 16) lên xe tăng cùng Phạm Duy Đô làm nhiệm vụ dẫn đường. Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập theo đường Hồng Thập Tự và Đại lộ Thống Nhất do xe tăng 483 của trung úy Bùi Quang Thận dẫn đầu. Một số chiến sĩ biệt động đã có mặt trước dinh Độc Lập. Trong Dinh cũng đã có mặt một số cán bộ tình báo đường dài của ta: Tô Văn Cang, Vũ Ngọc Nhạ, một cơ sở binh vận (chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh). Chiếc xe tăng 390 húc cánh cổng sắt Dinh Độc Lập,tiếp đến là xe 843 tiến thẳng vào cửa Dinh. Ngay tức khắc chiến sĩ lái xe Jeep Bùi Ngọc Vân cầm cờ chạy lên tầng 2 phất mạnh trước dân chúng đang reo vui ở cổng Dinh Độc lập.
Trong lúc đó, Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe, cùng một số chiến sĩ tiến thẳng lên ban công thượng của tòa nhà, giật bỏ lá cờ vàng 3 sọc và kéo cờ giải phóng lên cột cờ cao nhất của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Đại đội trưởng Phạm Duy Đô chạy thẳng vào trong Dinh quan sát và trở ra báo cáo ngay với trung tá chính ủy lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng xác nhận sự có mặt của tổng thống và nội các ngụy quyền tại Dinh. Trung tá lữ trưởng Nguyễn Tấn Tài lệnh điều chỉnh đội hình xe tăng bao vây Dinh đề phòng địch phản kích, đồng thời phái một bộ phận ra đánh chiếm cảng Sài Gòn.
Đại úy trung đoàn phó trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ ta được Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đường tiến thẳng vào phòng khánh tiết gặp Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu. Hai cán bộ tình báo của ta cũng đã có mặt tại đây từ sáng với tư cách là người của lực lượng thứ ba đến vận động Dương Văn Minh sớm đầu hàng: Vũ Ngọc Nhạ, Tô Văn Cang. Dương Văn Minh đứng dậy nói: “Chúng tôi đang đợi các ông để bàn giao”. Ta tuyên bố: “Các ông đã bị bắt làm tù bình, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các ông không còn gì để bàn giao”.
Dương Văn Minh chấp nhận, trao khẩu súng ngắn cho đại úy Phan Xuân Thệ và đến đài phát thanh đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh.
Ở hướng xa lộ Biên Hòa, Z27 sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ cầu Rạch Chiếc cho lữ đoàn 203 đi qua, theo lệnh trên, tiến chiếm nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy Zetcô (nay là liên hợp công trình 4) và giữ nhà máy điện Thủ Đức. Nhờ đó, điện ở thành phố chỉ gián đoạn có vài giờ trong ngày 30 tháng 4. Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, sau khi lữ đoàn 203 xe tăng qua cầu Sài Gòn tiếp tục tổ chức đánh chiếm các đồn bót địch trên trục lộ 33 đoạn từ ngã ba Bình Trưng đến ngã ba Phú Hữu, cùng cán bộ địa phương phát động quần chúng nổi dậy trừng trị ác ôn, giải phóng hai xã Bình Trưng và Phú Hữu..
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng quân dân Sài Gòn - Gia Định đã diệt và làm tan rã 31.000 tên địch, bắt sống 12.619 tù binh, chiếm 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở tề... thu 12.275 súng và gần như toàn bộ hồ sơ các cơ quan từ Phủ tổng thống trở xuống. Số ngụy quân lần lượt ra trình diện là 40 vạn và số công an cảnh sát là 10 vạn.
17 giờ ngày 30 tháng 4, tiếng súng đã thực sự chấm dứt ở “thủ đô” ngụy quyền, trừ một số mục tiêu quân sự. Thành phố hơn 3 triệu dân vừa qua cuộc chiến tranh 30 năm, vẫn nguyên vẹn đã chuyển sang trạng thái bình yên đến độ gây ngạc nhiên cho mọi người trên thế giới đang có mặt: nước vẫn chảy đều trong các đường ống; dòng điện chỉ tạm ngừng trong 2 giờ rồi mọi nhà lại sáng; công nhân nhà máy vẫn sẵn sàng cho máy chạy; chợ búa, quán xá vẫn sẵn sàng mở; đường phố vẫn đông người, xe cộ... Người dân Sài Gòn- Gia Định náo nức cắt dàn cờ hoa để xuống đường ngày 1-5 mừng cuộc toàn thắng và chờ đêm hội pháo hoa.
Ý kiến bạn đọc