Cảm xúc tháng Tư - niềm vui Đại thắng

14:57, 29/04/2010

HGĐT- Tháng Tư của năm 2010 đã ùa về trọn vẹn cùng chúng ta, sự hiện diện của thời gian và không gian đặc biệt này đem lại cho mọi người dân Việt Nam một cảm xúc tuyệt vời - đó là niềm vui đại thắng trong ngày chiến thắng của đất nước, dân tộc trước kẻ thù xâm lược.


 

 
 Người dân Sài Gòn chào mừng quân giải phóng vào tiếp quản thành phố. Ảnh: Tư liệu

35 năm đã qua, kể từ mốc son chói lọi ngày 30.4.1975- cái mốc son tuyệt vời này được chọn lọc, đánh dấu và ghi nhận bởi 3 sự kiện lịch sử: Thứ nhất, 10h45 phút, xe tăng số hiệu 390 của quân đội ta húc đổ cánh cửa sắt của dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, hùng dũng tiến vào; thứ hai, 11h30 phút, Trung úy QĐND Việt Nam Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa xuống, rồi kéo lên lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập; và thứ ba, 12h, Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh qua đài phát thanh Sài Gòn đọc và truyền đi khắp thế giới, tuyên bố: Đầu hàng vô điều kiện; Trung tá QĐND Việt Nam Bùi Văn Tùng tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Chính phủ và quân đội Việt Nam cộng hòa, chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam kéo dài 21 năm, chính thức kết thúc.


3 sự kiện lịch sử đó chính là những nội dung quan trọng nhất, là thành quả cuối cùng tất yếu phải diễn ra như nó đã diễn ra vào những thời khắc lịch sử đó của ngày 30.4.1975. Nhưng để có được những điều kỳ diệu đó; để có được thành quả lớn lao và niềm vui chiến thắng làm ngất ngây lòng người là sự chất chứa vô vàn sự kiện đau thương và anh dũng trong dòng chảy suốt chiều dài 21 năm của cuộc chiến đấu giữa một bên là chính nghĩa, đức hy sinh, lòng quả cảm của khát vọng cháy bỏng “Dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được tự do, độc lập” và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” còn bên kia là sức mạnh vật chất khủng khiếp của phi nghĩa, bạo tàn, của dã tâm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam bằng mọi cách, kể cả cái cách hung bạo và điên rồ nhất là: Dùng sức mạnh quân sự để đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá, họ đã làm. Rồi vũ khí tối tân, chất độc da cam Điôxin; và đổ tiền, đổ của nhằm lung lạc lòng người, kích động hận thù dân tộc để hòngdùng người Việt Nam giết người Việt Nam thông qua “Việt Nam hóa” cuộc chiến tranh xâm lược, họ cũng đã dám làm. Sự đối chọi đó chính là nguyên nhân của nỗi đau chia cắt mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu và quyết tâm cầm súng chiến đấu “tự vệ” đòi lại cái quyền được sống trong độc lập, tự do của dân tộc mình.


Chiến thắng 30.4.1975, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là thành quả trên nền của những mất mát, hy sinh vô cùng lớn lao của dân tộc Việt Nam; 21 năm của cuộc chiến đấu, nhưng thực tế đồng bào miền Nam đi trước về sau, đã phải trải qua chặng đường 30 năm của liên tiếp 2 cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ. Chiến thắng 30.4.1975 của chúng ta vừa là mốc son đại thắng để thống nhất đất nước của dân tộc; vừa là dấu chấm hết cho dã tâm xâm lược, can thiệp của các thế lực ngoại xâm; là sự khẳng định thắng lợi tất yếu của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, sự đoàn kết, quy tụ vì chính nghĩa, vì tương lai và lẽ phải của toàn nhân loại dành cho dân tộc ta.


Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh chính là lời cáo chung cho chính quyền bù nhìn Việt Nam cộng hòa, lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của ngoại bang, bán rẻ nền độc lập của đất nước, tự do của nhân dân để mưu cầu lợi ích riêng; và đó cũng là câu trả lời đanh thép của dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ xâm lược. Người Mỹ trước thất bại đau đớn này phải hiểu rằng một khi ý chí, quyết tâm, sức mạnh của một dân tộc được kết hợp và hòa cùng với sức mạnh của thời đại cùng lương tri của loài người thì đó sẽ là sức mạnh vô địch để đánh Mỹ và thắng Mỹ, mặc cho Mỹ là quốc gia có bộ máy chiến tranh đứng đầu thế giới.


Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã ghi một trang vàng chói lọi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đem lại cho chúng ta vị thế ngẩng cao đầu trước kẻ thù và sự kính trọng, tự hào, nể phục của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; Việt Nam là tấm gương sáng về lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết dân tộc, sáng tạo, mưu lược để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cho dù kẻ thù đó cả ngàn lần mạnh hơn về sức mạnh chiến tranh và của cải vật chất.


Thật tuyệt vời khi chiến dịch cuối cùng, chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. 6 năm trước ngày toàn thắng, Bác kính yêu đã đi xa về cõi vĩnh hằng, Người để lại cho chúng ta lời Di chúc thiêng liêng, khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc nhất định sẽ thắng lợi. Thưa Bác kính yêu: Lời Bác dặn chính là lời đất nước và chiến dịch mang tên Bác đã là đòn sấm sét cuối cùng dân tộc Việt Nam dành cho kẻ thù xâm lược – Mỹ phải cút, ngụy phải nhào, kẻ thù phải đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Việt Nam. Đất nước đã sạch bóng quân thù, Nam - Bắc liền một dải, một Tổ quốc Việt Nam. Thống nhất, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đã trở thành hiện thực đúng như mong ước cuối cùng của Bác, lời dặn dò cuối cùng của Bác kính yêu.


Chiến tranh đã lùi xa tròn 35 năm, Việt Nam hôm nay là đất nước thanh bình đang vững bước dựng xây và mở cửa hội nhập; chúng ta xác định rất rõ ràng Việt Nam chỉ cầm súng khi độc lập, tự do của dân tộc mình bị xâm phạm; chiến thắng 30.4 là tài sản vô giá, là hào khí thiêng liêng trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và đó cũng là lời cảnh báo cho những ai còn mơ hồ về sức mạnh Việt Nam.


Mặt trận của chúng ta hôm nay là dựng xây đất nước, để Tổ quốc ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; cả dân tộc đang góp sức, chung tay và trong đội hình đó có rất nhiều, nhiều lắm, những người trước đây 35 năm đã từng cầm súng ở chiến tuyến bên kia, giờ họ đang hòa nhập cùng toàn dân tộc trên mặt trận mới này. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán chính sách xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc, mỗi người Việt Nam dù ở đâu, làm gì đều phải có nghĩa vụ và quyền lợi dựng xây quê hương, đất nước của mình..., mọi người Việt Nam hôm nay đều hiểu rất rõ điều này. 35 năm, thời gian chưa dài nhưng đã đủ để chúng ta cảm nhận rõ tầm vóc vĩ đại, giá trị lớn lao của chiến thắng cũng như thấm thía đến tận cùng nỗi đau của mất mát, hy sinh, mà chiến tranh đem lại. Cảm nhận đó sẽ là góc riêng sâu lắng góp phần quan trọng làm nên nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam trước cuộc sống đang mở cửa, hội nhập cùng nhân loại.


Lê Trọng Lập

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lũ đá ở Seo Lử Thận
HGĐT- … Trong cơn lũ đêm rạng sáng ngày 27.4 ở đây chỉ có nước và đá. Lũ “đá” mới thật chính xác. Vâng! Lũ “đá” núi, mới thật sự được coi là những gì đã xảy ra ở thôn Seo Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) cướp đi 5 mạng sống, làm bị thương 3 người của 2 gia đình cha con ông Vàng Seo Phứ, 67 tuổi và người con trai bạc mệnh Vàng Seo Pao, 29 tuổi mất vợ, mất con.
29/04/2010
Hội Cựu chiến binh tỉnh và thị xã Hà Giang gặp mặt, truyền thống và giáo dục thế hệ trẻ
HGĐT- Ngày 28.4, tại Hội trường UBND thị xã Hà Giang, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phối hợp với Hội CCB thị xã Hà Giangtổ chức buổi gặp mặt truyền thống và giáo dục thế hệ trẻ nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2010)
28/04/2010
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Những ngày đầu chiến dịchThời cơ nối tiếp thời cơ, chiến dịch mở ra chiến dịch, hội nghị Bộ chính trị hngày 31/3/1975 xác định “Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”. Các nghị sĩ Mỹ theo dõi tình hình miền Nam quả quyết, đã quá muộn để làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế ở Việt Nam.
28/04/2010
Cựu quân nhân trên “mặt trận” thời bình
HGĐT- Chiến tranh đã lùi xa nhưng dường như hậu quả chiến tranh thì vẫn còn đó, những người lính trẻ nay đã là các Cựu quân nhân đang ngày ngày chiến đấu với những di chứng chiến tranh để lại qua bao thế hệ, chiến đấu với cái đói, cái nghèo để xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu mạnh.
28/04/2010