Về Xín Mần “vẽ” bức họa mùa xuân
HGĐT- Cuối tháng 3... “mùa con ong đi lấy mật...”, tôi về miền Tây để thấy, để được xem, được ngắm nhìn mùa xuân trên mảnh đất Xín Mần trong 45 tuổi. Ngược với thói quen xưa vào Xín Mần bắt buộc phải đi qua “2 cánh cổng trời” của huyện Hoàng Su Phì mới rẽ trái, vượt qua suối Đỏ vào Xín Mần, hôm nay, tôi dong duổi xuôi phía Nam, đi Quang Bình rồi ngược đèo Măng, xuống Khuôn Lùng, Nà Chì, ngược đèo Gió để ngắm cảnh đất trời hùng vĩ của dải rừng nguyên sinh nhiệt đới, ghé xem bốt thời Pháp thuộc, xuống thác Gió, nhìn cây sến ngàn năm tuổi, rồi mới xuôi xuống Nấm Dẩn, nơi có Bãi đá cổ di tích lịch sử Di sản Quốc gia có độ tuổi trên 2000 năm.
Xín Mần sau 45 năm xây dựng, trưởng thành. Ảnh: Minh Khai |
Đất miền Tây mùa xuân hoa lá bừng sáng trong ánh ban mai, gió nhẹ mơn man tà áo mới của các cô nữ sinh thị trấn Cốc Pài. Nhớ lại thời cắp sách mà lòng lâng lâng. Bạn tôi bảo, xa Xín Mần có 10 năm thôi nay gặp lại cứ ngỡ trong mơ vậy. Hỏi bạn mơ ở đâu, hay thực chỗ nào? Cô ấy béo sườn tôi: Mơ không thấy, mà là sự thật thôi bởi 10 năm trước đó, ấy cũng là thời kỳ Đảng ta thổi làn gió “đổi mới” vào công cuộc xây dựng đất nước, thì Xín Mần vẫn... nghèo lắm. Đi tới 2 ngày đường mới từ Hà Giang qua Hoàng Su Phì vào Cốc Pài. Còn hôm nay, sáng đi, tối lại về, đường êm xe chạy nhẹ như “lông hồng” vậy đó. Anh Dương Minh Hòa, quê ở xã Nà Chì. Trước kia đi từ Nà Chì ra thị trấn Bắc Quang thôi cũng đã “cuốc” cả ngày đường. Đi lên từ vùng quê nghèo, học hành rồi trở về gắn bó với quê hương Xín Mần đến nay. Gặp lại anh bạn, tôi bảo ... “mười năm xa Xín Mần nay trở lại chỉ nhận ra “dân tỉnh cũ” duy nhất ngôi nhà thương nghiệp xây “độc nhất – vô nhị” của những năm 70-80 thế kỷ XX đã qua. Quả thật, đến Xín Mần hôm nay cứ ngỡ như “bức vẽ” khổng lồ sắc màu tươi rói của cuộc sống mới với những đổi thay kỳ diệu. Cái làng Cốc Phẩy khi xưa nay là thị trấn Cốc Pài tráng lệ, một đô thị loại V vùng miền Tây đang ngày thay da, đổi thịt trở thành trung tâm kinh tế, chính trị huyện Xín Mần. Từ Cốc Pài có thể đi phía Bắc lên 4 xã biên giới bằng đường nhựa, hay sang phía Đông, xuống phía Nam, về hướng Tây đi Bắc Hà, Lào Cai v.v.... Đến xã, xuống xóm bản, đường giao thông như “mạch máu hồng tỏa ra chảy đều trong cơ thể khổng lồ ấy”. Cùng với đường, một hệ thống cầu treo, cầu cứng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Biên giới khi xưa khó khăn là vậy mà bây giờ đường có, điện về, trạm y tế có, trường học các cấp cơ bản được kiên cố hóa. Từ trụ sở hành chính các xã (19 xã, thị trấn) trạm y tế đều xây kiên cố. Mùa này đến xã, về trường, tiếng trẻ bi bô học bài hay rộn lời ca, tiếng hát trong giờ văn nghệ, thể thao... đâu đâu cũng thấy. Kết quả trên, trước hết được các anh lãnh đạo đánh giá là công sức dân, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, cộng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các con em đồng bào Xín Mần làm nên, xây cất lên. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng với nội lực trong dân từ giai đoạn 2006-2010 (đầu năm) Xín Mần đã đầu tư trên 570 tỷ đồng chưa nói đến sức dân, đất đai, tiền của dân góp xây dựng hạ tầng cơ sở để có ngày hôm nay. Song hành xây dựng hạ tầng cơ sở: Điện - đường – trường – trạm – kênh mương nội đồng... Xín Mần còn gia tăng sản xuất với trọng tâm “7 cây + 4 con” đưa sản lượng lương thực năm 2009 đạt trên 34 ngàn tấn. Sự hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi đại gia súc đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng năm qua, việc trồng rừng kinh tế cũng đạt được kết quả vượt trội trên 1.400 ha rừng trồng mới. Đến Xín Mần mùa Xuân này trời xanh, rừng thắm lá, ruộng vườn tươi màu điểm tô cho cuộc sống miền Tây rực rỡ sắc màu của 15 dân tộc anh em. “... Vui lắm vì mùa xuân này ở trong ngôi nhà mới do Đảng, Nhà nước, đồng bào trong huyện giúp đỡ...”. Rất nhiều hộ nghèo được xóa nhà tạm đã nói như vậy. Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Hà Xuân Bình cho biết: Năm 2009 đi qua, Xín Mần chỉ còn trên 20% số hộ nghèo, giảm quá nửa tỷ lệ nghèo 46% so với đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ khóa 15 (2005-2010). Năm qua toàn huyện xóa 819 nhà tạm, đến nay không còn nhà dột nát, mọi người, mọi nhà đều đã “an cư lạc nghiệp”. Thật không còn gì để phàn nàn khi ngày trở lại Xín Mần sau 45 mùa Xuân xây dựng, trưởng thành đến nay không còn nhà tạm,tỷ lệ nghèo giảm mạnh, sản xuất phát triển, thu hút đầu tư mạnh mẽ để cùng nội lực sức người, sức của của toàn dân vươn dậy. Được biết, UBND tỉnh Hà Giang đã đồng ý đầu tư mạnh vào cửa khẩu mốc 5 để nâng cấp thành khu kinh tế biên mậu quan trọng của tỉnh và của Xín Mần. Năm 2009, trao đổi hàng hóa qua đây đã trở nên nhộn nhịp. Cùng với cửa khẩu là 19 xã, thị trấn đều đã xây dựng, quy hoạch chợ xã, chợ quê để “quà quê” theo chợ ra phố phường đô hội. Gạo Già Dui, chè Chế Là, mật ong Chí Cà, trà thơm Cốc Rế, nếp vàng Quảng Nguyên v.v... là quà tặng từ những tấm lòng con người miền Tây đi khắp mọi nơi... “mời anh đến thăm miền Tây, đến Xín Mần, quê hương em đó...” ngọt ngào thay lời mời gọi. Có từ tấm lòng mỗi con người, xứ sở gửi đi, đọng lại cho người đến, để rồi nhớ mãi không quên.
Có ai đó khi xưa nhận xét Xín Mần là vùng đất dốc nghèo khó, gian khổ lắm. Thì hôm nay gặp lại sẽ nhận xét điều gì? Với tôi, Xín Mần khi xưa gian khó là thế nhưng gian khó “mới tỏ” sức mạnh, sức chiến đấu, phấn đấu kiên cường của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân. Hôm nay trở lại, cơn “bĩ cực” đã đi qua. Phía trước mắt là mùa xuân, là ánh dương bừng sáng, là sức bật của tuổi xuân 45 trung dũng, kiên cường. Còn rất nhiều thiếu sót trong “bức tranh” xuân của tôi viết tặng Xín Mần ở tuổi 45. Nhưng điều không thể thiếu sót, không hề sai lệnh về Xín Mần hôm nay chính là bức họa khổng lồ đa sắc đang bừng lên trong lòng mỗi người dân nơi đây, hồng tươi trong con mắt người đến và sâu đậm để lại với người đi, một Xín Mần đang đà phát triển thịnh vượng, ấm no, và tràn đầy niềm tin hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc