Xuân về Lùng Sán
HGĐT- Bước vào tuổi 39 trông Hầu Seo Gỉ tôi cứ ước ngoài 50 nên gọi bằng chú. Ngượng nghịu đôi chút Gỉ bảo tôi “… Mình tuổi còn ít, mỗi tội già vì ở trên cao Suôi Thầu, ít biết nên cứ làm, cứ ăn và cứ đẻ 5 đứa con liền lúc, rồi lo làm, lo ăn suốt đêm ngày nên nó… cũ người đi vậy”. Chúng tôi cười thông cảm rồi hỏi chuyện về làng mới Lùng Sán sau 1 năm hạ sơn, Hầu Seo Gỉ cho biết: Nhà Gỉ cùng với 61 hộ đồng bào Mông được xuống núi từ Suôi Thầu về Lùng Sán đã tròn năm.
Tết 2010 là Tết đầu tiên trong đời cả làng ăn Tết trong các ngôi nhà mới ấm áp, đông vui. Tết có lợn mổ, rượu ngô, bánh trôi, già trẻ, gái trai được xem ti-vi, vui hội chơi quay suốt mấy ngày và múa khèn, gọi bạn. Chủ tịch thị trấn Cốc Pài Trần Thị Thủy cho biết: Thôn Lùng Sán tập trung 61 hộ được hỗ trợ hạ sơn theo Nghị quyết 193 CP của Chính phủ là di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm, được UBND huyện Xín Mần làm chủ đầu tư thực hiện từ cuối năm 2008. Sau quá trình triển khai thực hiện đã có 61 hộ, 375 khẩu chuyển từ vùng nguy cơ cao Suôi Thầu về Lùng Sán. Trong 61 hộ được hỗ trợ: San nền làm nhà rộng 60m2, được đầu tư tấm lợp Phiprô xi măng, được kéo điện, đưa nước sinh hoạt, nước để khai hoang ruộng, được mở đường nội vùng quanh khu dân cư, được xây nhà lớp học tiểu học và nhà trụ sở thôn làm nơi sinh hoạt, học tập và chuyển tải cách làm ăn cho đồng bào… tạo thành một khu dân cư tập trung cơ bản hoàn thiện cả về hạ tầng và hỗ trợ kinh tế, xã hội phát triển. Sau gần 1 năm thực hiện, toàn bộ hợp phần của dự án đã được thực hiện. Cuối năm 2009, toàn bộ 61 hộ đều đã có nhà mới, mái lợp Phiprô xi măng, trình tường, nền đổ bê tông, điện thắp sáng, nhà trụ sở thôn, đường vanh đai quanh khu dân cư đi lại thuận tiện, lớp học trẻ em đến trường, cô trò bi bô học chữ. Hầu Seo Gỉ kể chuyện xưa ở Suôi Thầu là núi cao, khát nước, khát điện, khát cả “con chữ” lẫn bát ngô say mèn mén, bởi lẽ khó khăn trăm bề. Khi về Lùng Sán có đất rộng, lại khá bằng phẳng, tiện đường, tiện nước, nhà nào nhà ấy có sức thì ra sức làm ăn, chăn nuôi, trồng cấy lúa, ngô, đậu tương, trồng cỏ nuôi bò, chăn lợn… Đến cuối năm 2009, nhà Gỉ đã nuôi 4 con bò to bắt đầu đẻ bê con, nuôi 2 con lợn, 1 con thịt tết và thu về “một sàn nhà là ngô” đủ ăn cho 7 người cả năm tới. Gỉ cho hay: Về xuống Lùng Sán đất rộng, dân cư ăn ở tập trung có trụ sở thôn là nơi hội họp cho cả làng mỗi khi có cây trồng mới, nuôi con bò, con lợn theo cách làm mới. Dân bản nhờ cách hướng dẫn của cán bộ để làm theo, nên biết trồng ngô mới cho năng suất cao, nuôi con bò đi với trồng cỏ làm thức ăn, biết phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, cho nên làm đến đâu được đến đó không bị dịch hại. Về Lùng Sán có đường tiện ra phố huyện bán cái gì cũng được tiền, làm cái gì cũng có thu nhập nên cả làng phấn khởi tu chỉnh làm ăn để đuổi cái nghèo, cái đói rét đi theo mùa đông, mang về cái ấm áp như ngày Tết năm nay là chuyện có thực. Nhìn Lùng Sán với 61 ngôi nhà mái sáng bóng phiprô hắt lên nền trời xanh và được làm theo quy hoạch từ nhà ở, bếp, chuồng trại khá quy củ đã mang lại diện mạo một làng Mông đổi mới. Không có nhà tạm, gần như không có hộ đói, nhà nào nhà ấy gọn gàng, to sạch, bò trâu, lợn nuôi, gà thả rôm rả cả xóm. Có người bảo, về Lùng Sán mới 1 năm mà ngỡ như cả cuộc đời đổi thay. Anh Hà Xuân Bình, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Thôn Lùng Sán là một trong hai thôn trọng điểm di dời của Xín Mần trong 2 năm 2008 – 2009. Lùng Sán được hạ sơn 61 hộ và được đầu tư đủ các hạng mục xây dựng hạ tầng giúp cho đồng bào tránh được nguy cơ sạt lở, lại có điều kiện xây dựng làng mới theo mô hình gắn kết là ổn định lâu dài, bền vững theo chính sách “Tam nông” của Đảng đề ra. Tại khu định cư này đồng bào được đầu tư nhà ở, được hỗ trợ vốn chăn nuôi, vốn để khai hoang đất làm ruộng, có nước, điện, trường học, đường đi cho cả kiến thức làm ăn mới. Qua gần 1 năm chỉ đạo hạ sơn xây dựng Lùng Sán đã thành công trong cách nghĩ, cách làm chính là nhờ công tác cán bộ và sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền.
Trở lại ngôi nhà của vợ chồng Hầu Seo Gỉ anh lôi ra đĩa bánh trôi bột nếp, chai rượu men lá rừng, bảo vợ xào nhanh ít thịt treo trên bếp để mời khách. Nhìn đám trẻ ngồi bên thềm bóc bẹ ngô ra khỏi bắp, những bắp ngô lai to, tròn căng hạt vàng rộm chất thành đống. Đám trẻ vừa bẻ ngô vừa nô đùa và e ấp khi thấy khách đến, tất cả thứ đó diễn ra trước mắt tôi, đó là sự no đủ, sự ấm cúng của gia đình người Mông trong thôn Lùng Sán tôi gặp đầu Xuân này. Và ở đâu đó quanh làng Lùng Sán hạ sơn mới này, những người dân lại tất bật bước vào vụ mới. ở quanh làng, trên triền đồi, những thửa ruộng vừa khai khẩn, những mầm nonđã đâm chồi biếc đón Xuân sang.
Ý kiến bạn đọc