Những kết quả bước đầu trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn
HGĐT- Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã thực sự có ý nghĩa quan trọng và trở thành một hoạt động xuyên suốt trong toàn bộ các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách lâu dài nhằm đạt được những mục tiêu đã định.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 11 Trung tâm Y tế cấp huyện, thị xã; 8 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, 3 Bệnh viện Đa khoa khu vực liên huyện với tổng số 850 giường bệnh; 20 Phòng khám Đa khoa khu vực với tổng số 225 giường bệnh và 175 Trạm y tế xã được giao 516 giường bệnh. Có 3.015 cán bộ y tế với trên 458 Bác sỹ, trung bình 6,2 bác sỹ/10.000 dân và bình quân mỗi xã có 5,39 cán bộ y tế, 1.977/2.047 thôn bản có nhân viên y tế, 100% các xã hiện nay có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi... Các thôn bản có nhân viên y tế cộng đồng, lực lượng này đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo thành y tá. Nhiều anh chị em đã biết tuyên truyền về vệ sinh phòng dịch làm cầu nối thông tin nhanh các bệnh dịch phát sinh từ bản làng về Trạm y tế xã. Nhiều thầy thuốc được nâng cao y đức và tinh thần phục vụ, đưa nhanh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân về cơ sở, về cộng đồng dân cư, thúc đẩy các chương trình hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe tại xã, phường, thôn, bản phù hợp với lòng dân được nhân dân hưởng ứng. Nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, người có bệnh tật, ốm đau đã tìm đến thầy thuốc để khám bệnh. Nhiều hoạt động được nhân dân đóng góp bằng công sức, tiền của tạo ra ý thức trách nhiệm tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe.
Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tỉnh ta trong những năm qua tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng còn không ít những khó khăn, hạn chế như: Dân trí ở vùng sâu, vùng xa còn thấp, một số nơi phong tục tập quán còn lạc hậu chưa tạo thành ý thức tự giác, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, các hoạt động tự chăm lo bảo vệ sức khỏe còn thụ động, tư tưởng coi trọng chữa bệnh hơn phòng bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở tuy đã được đào tạo nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, trình độ năng lực của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, tính chủ động trong công tác chuyên môn và tham mưu cho cấp ủy chính quyền chưa cao. Địa lý miền núi giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung nên triển khai các chương trình y tế đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức... Tuy nhiên, vấn đề cơ bản có ý nghĩa quan trọng là đội ngũ cán bộ y tế đã nhận thức rõ bản chất của công việc, thấy được khó khăn tồn tại để có biện pháp khắc phục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới.
Mục tiêu chung trong việc phát triển hệ thống y tế của tỉnh thời gian tới là: Phát triển hệ thống y tế tỉnh từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hướng tới công bằng và hiệu quả, đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống; đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001 - 2010 và những năm tiếp theo. Mục tiêu cụ thể là phát triển mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế được dịch bệnh; phòng, chống dịch chủ động, tích cực, không để dịch lớn xảy ra; đầu tư, sắp xếp lại mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư đảm bảo tính hệ thống và liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến điều trị; củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Phát triển hệ thống y tế tỉnh theo hướng tăng cường xã hội hóa công tác y tế, trong đó y tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, từng bước đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với chất lượng ngày càng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự công bằng và hiệu quả trong cung cấp và sử dụng các dịch vụ y tế. Xây dựng, phát triển và hình thành mạng lưới khám, chữa bệnh theo tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, đảm bảo tính liên tục về cấp độ chuyên môn; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về Dược phẩm, phát triển hệ thống sản xuất, lưu thông phân phối và cung ứng thuốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và mỹ phẩm...
Với những mục tiêu trên sẽ góp phần làm cho hệ thống y tế của tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới; công tác xã hội hoá việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng phát triển và đi sâu vào mọi tầng lớp nhân dân.
Ý kiến bạn đọc