Xóa đói, giảm nghèo ở Trung Thành
HGĐT- Là xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Vị xuyên, còn tới 19,8% hộ nghèo; trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Trung Thành đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng toàn diện, lấy nông nghiệp làm trọng tâm.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xã chỉ đạo sâu sát việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, chuyển đổi tập quán sản xuất lạc hậu sang cách làm mới theo hướng sản xuất hàng hoá, thực hiện tốt lịch thời vụ gieo trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các giống lúa lai, cây màu có năng suất, chất lượng vào sản xuất, đồng thời đưa vụ Đông thành vụ sản xuất chính. Đa dạng hoá các loại hình kinh tế: VAC, cải tạo vườn đồi chuyển sang trồng cây ăn quả. Chú trọng đầu tư các công trình thuỷ lợi, văn hóa, phúc lợi, thực hiện giao đất giao rừng cho hộ nông dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại. Hướng dẫn bà con vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như: Trâu, bò, keo tượng, bạch đàn cao sản... Nhờ chú trọng hướng dẫn bà con cách sản xuất đã làm thay đổi căn bản cách làm lạc hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy năng suất và sản lượng cây trồng của Trung Thành những năm qua đã tăng lên đáng kể, năng suất lúa đạt 42 tạ/ ha, lương thực bình quân đầu người 415 kg/năm, tăng 7 kg so với năm 2007. Trung Thành có diện tích đồi rừng lớn (chiếm tới 2/3 diện tích của xã), tiềm năng về phát triển kinh tế rừng là rất lớn. Thực hiện chương trình trồng rừng, trong năm 2008 toàn xã đã trồng được 125 ha rừng, đạt 50% kế hoạch. Song song với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng đã có những chuyển biến tích cực, đàn gia súc phát triển mạnh, trong đó trâu, bò có 3.140 con, đàn lợn 4.680 con, đàn dê 735 con, đàn gia cầm 37.950 con. Năm 2008, tổng giá trị chăn nuôi của xã đạt hơn 4 tỷ đồng, góp phần thay đổi tỷ trọng cơ cấu kinh tế của địa phương và nâng cao thu nhập.
Những chuyển biến về kinh tế đã giúp đời sống của nhân dân trong xã được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/năm. Năm 2008 đã xoá được 88 hộ nghèo. Đặc biệt được Nhà nước hỗ trợ đầu tư Chương trình 134, xã đã chỉ đạo các thôn phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện, giúp đỡ thêm về vật liệu, ngày công lao động... xoá được 51 nhà tạm, vượt kế hoạch 20 nhà. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 25,8%(năm 2007) xuống còn 19,8% (năm 2008).
Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, hệ thống giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng với nhiều trang thiết bị hiện đại, đời sống văn hoá văn nghệ của nhân dân cũng được quan tâm.
Về Trung Thành hôm nay, sự chuyển biến về kinh tế đã giúp cho đời sống của nhân dân trong xã có sự thay đổi rõ rệt, diện mạo nông thôn miền núi đã khá hơn rất nhiều so với những năm trước đây…
Ý kiến bạn đọc