Ký sự Nàn Ma
HGĐT- Xuân sang, một màu xanh non bao trùm khắp dãy núi Nàn Ma (Xín Mần) cao trên 1.200m so với mực nước biển. Mận hậu, biểu tượng đặc trưng nhất của vùng đất này quả non đã lúc lỉu bằng chiếc đầu đũa treo trên cành.
Cây Đào Pháp mới đưa 1 năm đã phát triển tốt, cho quả trên đất Nàn Ma.
Ảnh: Ông Thào Seo Lừ với cây Đào Pháp đã cho quả. Ảnh:Nhật Hồng
|
Căn nhà ông Thào Sao Lừ núp dưới tán mận hậu tỏa mùi thơm theo làn khói bếp. Nghỉ hưu năm 2007 sau nhiều năm làm cán bộ xã, lên huyện, giờ đây ông ngẫm thấy: Xã Nàn Ma của ông sau nhiều thăng trầm nay đã phát triển đi lên trông thấy... Khoái nhất là lúc nghỉ hưu, tích cóp mua được xe máy, thay con ngựa xưa chạy về cả 7 thôn bản chỉ “đánh vèo” là tới. Ông Lừ bộc bạch: Sức dân vài năm nay huy động khá, làm 7 con đường về 7 thôn, rộng 3-4m tha hồ mà đi. Khá nữa là ngô, đậu, cả lúa, lợn, gà, bò, dê phát triển mạnh... “Anh biết không, Nàn Ma tôi có những con bò to được trả đến 18 triệu đồng... chưa bán”. Anh Dương Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Từ năm 2005 đến hết 2008, riêng đàn bò đã tăng từ 425 con, lên gần 1.000 con. Hàng năm, xã tổ chức Hội thi bò để chọn ra giống tốt, khuyến khích hộ chăn nuôi giỏi và để nhân giống tốt cho làng. Theo các anh trong Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Xín Mần, bò Nàn Ma là giống bò vàng tốt nhất trong 19 xã, được tỉnh đánh giá là giống bò vàng lớn nhất tỉnh. Bởi thế việc thi bò, tôn vinh người nuôi, nhân giống là việc làm hay của xã, đang được nhân dân trong huyện ủng hộ. Nói về cây mận hậu, ông Lừ bảo, mận Nàn Ma có 2 loại rất riêng biệt là mận hậu, mận máu, mận tháng 7 hay còn gọi là mận Tả Van. Nhưng cả xã Nàn Ma có 7 thôn, duy có thôn Nàn Ma cho quả mận chất lượng tốt. Còn 6 thôn khác trong xã cây mận trồng đều được, nhưng quả lại không ngọt như mận trồng ở thôn Nàn Ma. Cây mận hậu quả to, tròn, khi chín màu vàng nhạt, vị ngọt, có thể ăn no mà không cồn ruột như các loại mận khác. Chính vì lẽ đó, mận hậu trở thành đặc sản. Mận hậu Nàn Ma chín vào tháng 6 lịch âm. Cây mận máu chín tháng 5, khi chín mận máu quả đỏ, cắn ngập chân răng, ngọt lịm. Vì lẽ đó mà giai thoại câu hò “ngọt lịm” có từ mận Nàn Ma đã đi vào lịch sử của xứ sở, đại diện cho cả miền Tây nơi đầu nguồn sông Chảy. Lợi thế cây mận ở Nàn Ma đã được Đảng bộ, nhân dân xác định trồng ở thôn Nàn Ma mỗi năm vài ngàn cây, nhằm hình thành vùng đặc sản mang tính hàng hóa vào hội nhập. Bí thư Đảng bộ xã Dương Thanh Bình suy nghĩ: Hội nhập chính là tìm được cái đặc biệt, đặc sắc không đâu có, thì... sẽ thắng lợi. Hướng đó, năm 2008 kết thúc, thôn Nàn Ma đã trồng mới trên 5.000 cây mận. Cạnh đó, các anh lãnh đạo xã còn đưa thêm loại đào Pháp trồng 1 năm tại một số hộ, cho kết quả tốt. Đào Pháp chín tháng 4 hàng năm, quả to, ngọt đậm, ăn giòn và có hương vị thơm đặc trưng. Nói về hướng đi của vùng đặc sản quả tại thôn Nàn Ma, anh Giàng Seo Pao, Chủ tịch HĐND xã, cho biết: Quy hoạch trồng thành vùng trong thôn Nàn Ma để có quả gồm: Đào Pháp chín tháng 4; quả mận máu chín tháng 5; quả mận hậu chín tháng 6; quả mận Tả Van chín tháng 7; quả lê lai bung chín tháng 8 và quả hồng không hạt chín tháng 9, tháng 10... tạo thành “vùng quả đặc sản khép kín”, khơi dậy sức mua - bán và cạnh tranh. Ông Thào Seo Lừ chỉ vài cây mận “tiền triệu” vụ thu vừa qua: Cả thôn Nàn Ma đang trồng mận hàng hóa và cả trồng cỏ, nuôi bò, làm giàu đến nơi rồi đấy. Núp dưới tán rừng cấm (rừng bảo vệ của thôn bản) là ngôi nhà ông Sùng Seo Lìn. Bên cạnh nhà là chuồng bò, chuồng lợn được bố trí khá hợp lý. Ông Lìn bảo: “...Nhà mình trồng tới hơn 2 ha cỏ voi, cỏ lai để nuôi mười mấy con bò”. Theo ông, trồng cỏ, nuôi bò lãi gấp nhiều lần trồng ngô, đậu, nhưng phải biết bố trí đất trồng cỏ, đất làm ngô, đậu hợp lý. Nhà ông Lìn đã “bớt” đất cằn hơn, xấu hơn để trồng cỏ, nuôi bò, lấy thịt, lấy cá...phân bò, để rồi lại “cho cỏ” ăn. Với cách làm kết hợp nêu trên, nhà ông Lìn, ông Giàng Seo Cú (thôn Lùng Sáng), ông Giàng Seo Rìn (thôn Lùng Sán)… cũng làm theo. Bên cạnh những lão nông nuôi bò, trồng cỏ, trồng mận làm giàu, con lợn đen, lợn lông hung đỏ ở Nàn Ma cũng hấp dẫn không kém. Được biết, cả 2 giống lợn trên nuôi chăm tốt, một năm, mỗi con lớn tới 2 - 2,5 tạ. Ưu việt hơn là 2 giống lợn trên dễ nuôi và rất ít dịch bệnh. Chúng tôi được giải thích rằng: Lợn Nàn Ma được thuần dưỡng từ lợn lòi (lợn rừng hoang dã). Bởi thế, ngoài cách chăn nuôi như đa số đã làm, nuôi lợn lông hung đỏ nơi này còn cần phải có bùn ướt để chúng đằm. Đó là đặc tính thích nghi của loài lợn trong tự nhiên và cho đó là loại “gen trội” đáng quý. Anh Bình, Bí thư Đảng ủy xã, rất mong các nhà khoa học nghiên cứu và đầu tư bảo tồn giống lợn tốt, bò tốt để nhân rộng.
Lúc vui chuyện làm ăn, người ta thường nhắc tới người già sống yên vui trong làng làm chỗ dựa cho con cháu. Qua những suất quà Tết 2009 vừa đây tặng các cụ cao niên, tôi ghi được: Các cụ tuổi ngoài 80 đến 92 ở Nàn Ma có 12 cụ; tuổi ngoài 70 đến 80 có tới gần 40 cụ. Tại Hà Giang, ở 11 huyện, thị, các cụ có tuổi thọ cao tập trung đông nhất ở Nàn Ma. Điều gì đặc biệt tạo cho các cụ sống thọ? Nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng gen quy định. Còn người dân nơi đây lại cho rằng sống hòa thuận với thiên nhiên, vui vẻ với con cháu, lao động thường xuyên và ăn nhiều rau, quả là bí quyết. Được biết, lệ cúng rừng già, hay còn gọi là “rừng cấm”, ở Nàn Ma được tổ chức ở mỗi thôn vào ngày 30 tháng 1 và mồng 1 tháng 2 âm lịch. Lễ cúng rừng là điểm nhấn nhắc nhở mọi người biết tôn trọng thiên nhiên, sống hòa thuận, sẻ chia. ở mỗi thôn đều có 1 khu rừng cấm được cả làng tôn trọng, bảo vệ. Vào rừng cấm người ta không chặt cây, lấy bất cứ gì của rừng, mà coi mọi thứ trong rừng là của rừng, do một vị thần coi giữ. Giữ rừng là giữ nước tưới, nước sinh hoạt, ngăn gió bão, mưa to cho cả làng. Niềm tin đó đã tạo cho người Nàn Ma sống chia sẻ, thuận hòa với đất trời, với lòng người xung quanh. Nhìn vào thiên tai hàng năm, trước cảnh tượng môi trường dưới xuôi, vùng công nghiệp phát triển ô nhiễm, mới thấy hết giá trị bảo vệ môi trường sống của đồng bào nơi đây. Cách giữ rừng của đồng bào vừa thiết thực, thân thiết, được đúc rút từ thực tiễn ngàn xưa để lại, thật đáng trân trọng. Bí thư Đảng ủy xã, Dương Thanh Bình, cho biết: Xã Nàn Ma hiện có 483 hộ, với 100% đồng bào Mông, sống ở 7 thôn, bản. Hướng phát triển kinh tế chủ yếu là làm cây lương thực: Ngô, đậu tương, ít lúa ruộng để đảm bảo đời sống đồng bào. Mùa trồng cấy chỉ 1 vụ lúa + 1 vụ ngô + 2 vụ đậu tương/năm, vì ở đây cao, khí hậu lạnh. Để làm giàu, mua sắm, dân Nàn Ma dựa vào nuôi bò, lợn, dê đi đôi với trồng cỏ, trồng rừng giữ nước, giữ đất. Để làm giàu, xã đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả đặc sản, cộng với mở rộng diện tích trồng rau, đậu cung ứng cho thị trường huyện. ở Cốc Pài, trung tâm huyện lỵ Xín Mần, gần như 100% rau quả 4 mùa được mang từ Nàn Ma về cung cấp cho cán bộ, CCVC Nhà nước. Hướng làm của năm 2009, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, Nàn Ma tập trung khai hoang toàn bộ dịên tích đât dốc có thể khai phá để làm ruộng 1 vụ. Đồng thời, san ruộng bậc thang còn có ý nghĩa giữ cho màu trong đất không bị rửa trôi, hướng tới canh tác bền vững trên độ cao hàng ngàn mét so với mặt nước biển. Trồng rừng để hưởng lợi lâu dài. Trồng cây ăn quả để tạo hàng hóa và khai thác thêm tiềm năng du lịch, gắn dịch vụ mở chợ bò, chợ lợn tại trung tâm xã. Thêm một hướng mới, theo anh Bình là “cơ hội” đến với người còn nghèo, đó là sự hỗ trợ tiền vốn của Nhà nước, xã sẽ đứng ra giúp các hộ nghèo mua lại 1 phần ruộng của người có, giúp người nghèo đủ đất làm ăn (vốn từ Nghị quyết 30a của Chính phủ ưu tiên đầu tư cho vùng nghèo đặc biệt khó khăn).
Dừng xe trước am thờ 11 chiến sĩ tuyên văn ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ tuyên truyền cho bộ đội tiễu phỉ năm 1952 hy sinh tại thôn Nàn Ma, cán bộ khuyến nông thôn La Chí Chải thoáng chút ngậm ngùi: “... Đây là 11 cán bộ tốt đã hy sinh vì lợi ích của Đảng, của đồng bào” - Cường ngấn lệ, như chút được cái mà em cho mình “có tội” vì đã một thời gian dài... lầm đường theo đạo trái phép. Cường kể lại, cậu theo đạo từ năm 2001 bởi sự túng quẫn, bị kẻ xấu lợi dụng. Năm 2005, 2006, Cường đã tự bỏ bàn thờ tổ tiên, sống ẩn mình, không giao tiếp bên ngoài, kích động một số đồng bào không hiểu biết sống bàng quan trước lợi ích cộng đồng. Chỉ để nhận mỗi tháng ít tiền của kẻ xấu. Việc làm xấu đã được cán bộ, nhân dân trong xã gần gũi, giải thích mãi anh mới nhận ra chân lý: Đồng bào mình, dân tộc Việt, người dân Xín Mần mới là ruột thịt cần giúp đỡ, chia sẻ. Bí thư Bình bảo: Bây giờ Cường trở thành cán bộ khuyến nông cốt cán của thôn La Chí Chải, đi tiên phong trong làm ăn, hướng dẫn đồng bào sản xuất, xây dựng đời sống mới. Chuyện về thù lao cán bộ khuyến nông thôn có hơn trăm bạc một tháng, Cường cười: “... Nhưng đó là của Đảng, của đồng bào mình cho, không thể chê là... ít được”. Cùng lầm đường như Cường là Thào Văn Sơn, cũng đã giác ngộ, phấn đấu vươn lên trở thành cán bộ xã Nàn Ma hôm nay. Công lớn Sơn bảo thuộc về Bí thư Đảng ủy Dương Thanh Bình dìu dắt. Trở lại thực tiễn từ năm 2005 về trước, Nà Ma là xã “phức tạp” nhất Xín Mần.
Nàn Ma đã thành công trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới” và đang tiến lên, tiến chắc. Biết thêm về Bình, anh là người dân tộc Mông, sinh ra ở xã Nàn Xỉn, đang công tác tại Công an tỉnh, Bình được điều động về xã Chế Là, rồi về làm Bí thư Đảng ủy xã Nàn Ma từ năm 2005 đến nay. Bí quyết thành công đưa Nàn Ma thành “điểm sáng”, anh bảo: Trước hết phải gần dân, hiểu dân để dân hiểu mình, hiểu cán bộ, hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước. Khi hiểu rồi, việc gì có lợi cho dân, kể cả việc nhỏ nhất, cũng cố để làm và làm cho kỳ được. Kể lại một số vụ việc biến động trong các năm qua, để có Nàn Ma bình yên, phát triển như hôm nay, với tôi, anh thật đáng trân trọng với suy nghĩ mộc mạc: ở với đồng bào, phải biết cởi mở lòng mình để đón nhận tình cảm, lòng tin của họ, thì việc khó mấy cũng vượt qua. Bình tư duy: Thực hiện Nghị quyết 30a/2008 CP của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội lớn để Nàn Ma vươn lên. Cách làm: Nhà nước cho tiền, anh sẽ vận động bà con trồng rừng, vì đã có cái ăn trước mắt, trồng rừng tạo cái ăn lâu dài; có tiền, anh sẽ đưa dân san ruộng để làm ăn chắc, sẽ giúp người nghèo mua ruộng để trồng cấy; vận động đồng bào nuôi bò, trồng cỏ, làm dịch vụ. Đi từ có ăn, đến có mặc, có hàng hóa ắt sẽ có chợ, có dịch vụ, thương mại.
Có cán bộ tốt với dân là người dân thấy Đảng ở bên mình. Đảng ở với dân, ở trong dân, cũng như nhân dân tin Đảng, tin cán bộ của Đảng, sẽ tạo thành sức mạnh to lớn không gì lay chuyển nổi. Điều đó, Nàn Ma đã làm, đang làm và làm rất thành công.
Giữa tháng 3/2009
Ý kiến bạn đọc