Ước mơ của cô gái Pà Thẻn

07:55, 15/04/2007

Từ căn nhà phên tre và ruộng nương chỉ toàn đá tai mèo sắc nhọn ở huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang), cô gái 26 tuổi người Pà Thẻn đã cặm cụi khâu từng chiếc váy đem bán lấy tiền trang trải ước mơ gìn giữ và giới thiệu văn hóa dân tộc Pà Thẻn đi thật xa.


12 bộ váy áo đổi lấy ước mơ

Pà Thẻn là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam (hơn 5.500 người, theo số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số của Tổng cục Thống kê ngày 1-4-1999), đa số cư trú ở tỉnh miền núi Hà Giang, đời sống còn rất khó khăn.

Lên 9 tuổi, Phù Thị Thiên mới được đi học lớp 1, nhờ có cô giáo nài nỉ thuyết phục bố mẹ. Thiên là một trong số ba em nhỏ đầu tiên của dân tộc này được đến trường. Người Pà Thẻn hầu như ai cũng biết thổi sáo.

Thiên học sáo từ anh trai, và năm lớp 8, lần đầu tiên Thiên được mang tiếng sáo trúc réo rắt của dân tộc mình đi xa khỏi những đỉnh núi xanh thẳm, vào TP.HCM biểu diễn trong một chương trình của Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Hà Giang.

Từ chuyến đi xa ấy, Thiên đã bắt đầu ý thức được bản sắc của văn hóa dân tộc mình. Thiên khẳng định với giám đốc Sở VH-TT Hà Giang: “Sau khi học xong phổ thông, cháu muốn đi học để nối tiếp văn hóa Pà Thẻn”.

Phù Thị Thiên trong bộ váy áo dân tộc do cô tự dệt vải và khâu, cùng với cây sáo trúc - một hình ảnh quen thuộc của người dân Pà Thẻn - Ảnh: Na Sơn

Tháng 7-2001, cô gái Pà Thẻn khăn gói đến Thái Nguyên thi vào Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Thiên thi năng khiếu bằng những bài thổi sáo của dân tộc mình, tiếng sáo ru con dịu dàng, tiếng sáo tha thiết nhớ nhà của người phụ nữ mới đi làm dâu.

Về nhà, nhận được giấy báo trúng tuyển, Thiên hân hoan không sao tả xiết. Vậy là Thiên trở thành người đầu tiên của Pà Thẻn nâng tiếng sáo trúc của dân tộc mình lên tầm chuyên nghiệp.

Câu chuyện về việc Thiên đưa những chiếc váy áo truyền thống của người Pà Thẻn đi xa hơn nơi mình sống diễn ra thật tình cờ. Thi đậu cao đẳng, một phần ước mơ của Thiên đã trở thành hiện thực, nhưng tiền học trở thành gánh nặng với Thiên.

Năm học thứ hai kết thúc, Thiên nhận được thông báo cô đã nợ học phí hai năm qua và bị đe sẽ phải nghỉ học nếu không nộp học phí. Thiên lo quá, phải tìm cách thôi. Cô chẳng có gì đáng giá ngoài hai bộ váy áo Pà Thẻn đẹp rực rỡ như đóa hoa loa kèn đỏ do Thiên tự dệt vải và khâu trong nhiều tháng.

Bảo tàng Thái Nguyên đồng ý mua với giá 800.000đ/bộ. Cơ hội mở ra từ đây, những ngày hè và lúc về thăm nhà, Thiên còng lưng bên khung cửi từ sáng tới đêm, rồi cùng các chị em họ hàng khâu váy cặm cụi dệt vải và khâu áo.

Đến khi rời trường, Thiên đã bán được tổng cộng 12 bộ váy áo Pà Thẻn do chính cô dệt và khâu cho Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, Bảo tàng tỉnh Hà Giang và cả Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Những chiếc váy áo được làm từ đôi tay khéo léo của Thiên đã giúp cô hoàn tất ước mơ học hành trong sự khuyến khích, tạo điều kiện của các thầy cô giáo và bạn bè. Và cũng từ đó, mọi người đã biết đến váy áo Pà Thẻn nhiều hơn.

Người Pà Thẻn không chỉ đặc sắc váy áo

Phù Thị Thiên (bên phải) thử bộ váy áo mà cô đã kỳ công may trong ba tháng. Ảnh: Na Sơn

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Thiên về quê, xin vào làm tại Trung tâm văn hóa huyện Quang Bình. Cô làm việc ở bộ phận tuyên truyền, thông tin lưu động.

Là người có cơ hội học hỏi văn hóa nhiều vùng khi được đi đây đi đó, Thiên hiểu được giá trị của váy áo Pà Thẻn, và nghĩ rằng bây giờ khi đã có điều kiện, cô phải làm sao để váy áo của dân tộc mình được nhiều người biết hơn, hễ thấy ai đó mặc loại quần áo này biểu diễn thổi sáo trên sân khấu là khán giả nhận ra ngay bản sắc của người Pà Thẻn.

Thiên đã tìm nhiều cách đưa dân tộc Pà Thẻn đi xa hơn nữa. Trong một chuyến đi tham quan Bảo tàng Dân tộc học VN tại Hà Nội, Thiên tìm mãi mới thấy bộ váy áo duy nhất đại diện cho người Pà Thẻn. Cô gái buồn rầu suy nghĩ và bỗng nảy ra ý tưởng. Một thời gian sau, tại Bảo tàng Dân tộc học diễn ra triển lãm ảnh về người Pà Thẻn.

Nguyên giám đốc bảo tàng Nguyễn Văn Huy kể: “Một buổi sáng, tôi nhận được bức thư của một người không quen biết từ Hà Giang gửi về. Tôi hồi hộp mở ra đọc, bức thư dài, lời thư diễn đạt mộc mạc. Tôi hiểu ra: đây là thư của một phụ nữ người Pà Thẻn tâm huyết với văn hóa của mình. Cô đã đi xem Bảo tàng Dân tộc học VN và băn khoăn, bứt rứt vì văn hóa của dân tộc mình được trưng bày ở đây còn quá ít. Những gì có ở bảo tàng chưa đủ nói về văn hóa Pà Thẻn. Cô muốn nhiều hơn, bảo tàng phải làm nhiều hơn về người Pà Thẻn”.

Xúc động vì ước mong mạnh mẽ của cô gái Pà Thẻn, ngay chiều hôm đó, ông Huy đã có cuộc làm việc với nhóm Hiệp hội các dân tộc châu Á để bàn về cuộc triển lãm ảnh. Ông thông báo với các bạn về nguyện vọng này của một người Pà Thẻn, đồng thời gọi điện lên Hà Giang nói chuyện với người phụ nữ Pà Thẻn không quen biết đó và mời cô về Hà Nội dự buổi khai mạc triển lãm ảnh.

“Nhưng đó chỉ mới là một triển lãm ảnh. Như thế vẫn còn chưa đủ về người Pà Thẻn” - Thiên nói như vậy. Cô gái vẫn đang miệt mài tìm hiểu và lưu giữ tài liệu về dân tộc mình để viết thành một dự án, tìm kiếm nguồn tài trợ để dự án sớm thành công.

Phù Thị Thiên nói: “Nếu thành công, tôi muốn có một nhà truyền thống ngay tại thôn My Bắc. Ở đó sẽ trưng bày hiện vật và hình ảnh video, sẽ là nơi biểu diễn văn nghệ, nơi sinh hoạt cộng đồng của người Pà Thẻn. Người Pà Thẻn sẽ ý thức hơn về giá trị văn hóa dân tộc mình, không bỏ quên những phong tục tốt đẹp, qua đó thu hút khách du lịch đúng cách”.    

Váy áo của phụ nữ Pà Thẻn được làm khá kỳ công. Để hoàn thành một bộ váy áo, người làm phải bỏ ra ba tháng để dệt, nhuộm vải, khâu lại bằng tay, sau đó trang trí thêm bằng cách thêu các họa tiết. Những thành phần cơ bản của bộ trang phục gồm có váy, áo, khăn đội đầu xếp nhiều lớp, thắt lưng. Màu sắc chủ đạo của trang phục là đỏ, đen và trắng.


Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thi ý tưởng kinh doanh “Nhà doanh nghiệp tương lai HSBC”
“Cuộc thi Nhà doanh nghiệp tương lai HSBC” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 2007. Sau ba vòng thi, ba đội đoạt giải sang Hong Kong tham dự vòng chung kết khu vực cùng các đội đến từ năm nước châu Á khác.
15/04/2007
Chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết lao động - việc làm
(HGĐT)- Lao động, việc làm là điểm mấu chốt tạo ra các giá trị KT-XH. Trong quá trình phát triển của nền kinh tế hội nhập thường xảy ra tình trạng: Thất nghiệp, tranh chấp lao động, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, làm phức tạp xã hội.
13/04/2007
Phương Linh: 'Tôi không yêu Hà Anh Tuấn'
"Lần cuối tôi khẳng định: tôi và Hà Anh Tuấn không thể yêu nhau được. Trên sân khấu hai người chúng tôi là một đôi khá lý tưởng, còn ngoài đời là một tình bạn lý tưởng", nữ ca sĩ thẳng thắn.
13/04/2007
Bắc Quang với công tác tyên truyền cho bầu cử
Để chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, UBND huyện và các ngành chức năng của huyện Bắc Quang đã triển khai những nội dung công việc theo chương trình, kế hoạch cho cuộc bầu cử.
11/04/2007