Phát huy quyền dân chủ của người lao động
Thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 35.621 CNVC - LĐ, 25.194 người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trên 10.000 CNLĐ làm việc ở các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các công ty cổ phần (tỷ lệ CNLĐ thiếu việc làm chiếm 1,5%).
Tình trạng vi phạm pháp luật lao động xảy ra ở nhiều DN với mức độ khác nhau chủ yếu xoay quanh vấn đề việc làm, tiền lương, ký kết thỏa ước lao động, hợp đồng lao động, chi trả BHXH và các chế độ đãi ngộ khác. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và đời sống của một bộ phận người lao động.
Thực hiện các Chỉ thị của T.Ư và UBND tỉnh Hà Giang, căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8.9.1998 của Chính phủ về những quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ngay từ đầu năm LĐLĐ tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiến hành thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Đại hội CNVC, Hội nghị cán bộ công chức; các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, tỷ lệ tổ chức DNNN đạt 100%; tổ chức hội nghị cán bộ công chức đạt 92%. Việc tổ chức hội nghị CBCC ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng của dịch vụ công và các quy định về tự chủ trong quản lý cán bộ và kinh phí hoạt động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở mỗi cơ quan, đơn vị. Tiếp tục chỉ đạo CĐCS chủ động phối hợp với giám đốc DN xây dựng nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) năm 2006 có 16 DN xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung nội quy lao động (đến nay có 67 DN); 11 DN ký kết và sửa đổi bổ sung TƯLĐTT (đến nay có 41 DN). Tuy nhiên ở các DN ngoài quốc doanh và một số công ty cổ phần việc tổ chức Hội nghị cán bộ công chức còn chưa thật sự được chú trọng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, vì vậy việc phân định giữa quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động còn có những bất cập.
Tổ chức lấy ý kiến tham gia các dự án luật như: Luật Bình đẳng giới; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội...; nghị định của Chính phủ về “Xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức” cùng nhiều chính sách, chế độ khác có liên quan đến CNVC - LĐ. Đồng thời từ thực tiễn tại cơ sở CĐ đã phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, kiến nghị với Tổng Liên đoàn, tham gia với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Chỉ đạo các cấp công đoàn, tổng kết 15 năm thực hiện Luật Công đoàn. Tổ chức khảo sát, đánh giá ở một số LĐLĐ huyện, thị, CĐ ngành và công đoàn cơ sở. Xây dựng đề án thành lập và tổ chức ra mắt Văn phòng Tư vấn pháp luật CĐ tỉnh.
Công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động và các chế độ chính sách liên quan đến người lao động được thực hiện thường xuyên; các LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp với phòng Tổ chức - LĐTBXH huyện tiến hành kiểm tra, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các ngành kiểm tra 24 DN, hướng dẫn 105 DN tiến hành tự kiểm tra. Với trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo sắp xếp DN của tỉnh, tiếp tục tham gia hướng dẫn các công ty cổ phần, sắp xếp lại lao động sau cổ phần hóa, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại của người lao động nghỉ việc theo chế độ dôi dư, phúc tra chi trả chế độ nghỉ việc cho người lao động tại các DN. Từ thực tiễn cuộc sống và những vấn đề người lao động thực sự quan tâm, để thực hiện tốt quy chế dân chủ và phát huy quyền dân chủ của người lao động trong các doanh nghiệp (đặc biệt các DNNQD và các công ty cổ phần), thời gian tới tổ chức công đoàn cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, đổi mới nâng cao phương thức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong CNVC - LĐ, tiếp tục tuyên truyền các bộ luật liên quan đến người lao động, giúp người lao động có những kiến thức cơ bản về pháp luật lao động, biết tự bảo vệ quyền lợi ích của mình và đồng nghiệp.
Hai là, phát huy vị thế của tổ chức công đoàn trong các DN, công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn, thủ trưởng đơn vị và người sử dụng lao động tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC hàng năm theo đúng thời gian quy định. Tạo điều kiện để người lao động được trực tiếp tham gia vào việc xây dựng các nội quy quy chế hoạt động của đơn vị, được ký kết TƯLĐTT và HĐLĐ với người sử dụng lao động.
Ba là, tiếp tục bầu và kiện toàn các ban thanh tra nhân dân, hướng dẫn ban thanh tra nhân dân hoạt động tập trung vào các nội dung chính như: Thực hiện Điều Lử CĐ Việt Nam; công tác tài chính; các quy định về chế độ tiền lương, BHXH; việc thực hiện quy chế dân chủ của người sử dụng lao động; phát huy quyền dân chủ của CNLĐ đối với việc thực hiện các quy chế đã được thông qua tại hội nghị CBCC...
Bốn là, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm quy chế, xâm phạm quyền lợi người lao động, các biển hiện tham ô, tham nhũng cửa quyền, hách dịch của người sử dụng lao động, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm tệ nạn xã hội, tắc trách thiếu tinh thần trách nhiệm của người lao động.
Phát huy quyền dân chủ trong đội ngũ CNVC - LĐ là việc làm cần thiết để đảm bảo tính ưu việt của chế độ XHCN. Tổ chức công đoàn luôn là cầu nối để thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động với người lao động hiểu nhau thêm, từ đó nâng cao hiệu quả năng suất lao động, góp phần làm giàu thêm cho quê hương đất nước và cho chính bản thân mình.
Ý kiến bạn đọc