Xuất khẩu lao động, hướng giải quyết việc làm mới ở Xín Mần
Là huyện thuần nông, Xín Mần có diện tích tự nhiên 580,99 km2, địa hình nơi đây chủ yếu là đồi, núi có độ dốc lớn và chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt về mùa khô, nhiều nguồn nước bị cạn kiệt nên ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân.
Theo báo cáo của huyện Xín Mần, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện khoảng 65% (tính theo tiêu chí mới). Trong tổng số 52.960 dân thì số người trong độ tuổi lao động của huyện là 13.000 và số lao động thuộc khu vực nông thôn là 11.375 người, đây là lực lượng lao động dồi dào của địa phương.
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng thâm canh, tăng vụ kết hợp với khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống cũng như phát triển các loại hình dịch vụ…hoặc thông qua các chương trình, dự án nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Song một thực tế đã cho thấy: Mỗi năm chỉ trông vào 2 vụ lúa và hoa màu thì toàn bộ công trồng cấy, chăm bón và thu hoạch cũng chỉ hết khoảng 3 tháng. Như vậy, mỗi năm người lao động bị thừa ra khoảng 9 tháng không có việc làm, nên tình trạng lao động trong lứa tuổi thanh niên nhàn dỗi việc, lang thang là chuyện khó tránh khỏi. Tạo việc làm cho lao động thông qua xuất khẩu lao động đang được cấp ủy, chính quyền của huyện quan tâm, vì đây chính là một trong những hướng đi mới trong giải quyết việc làm của huyện. Trong những tháng đầu năm 2006, huyện Xín Mần có nhiều cố gắng phối hợp với 2 đơn vị HANTECH (thuộc Công ty xây dựng Hà Nội) và BATMEX trong công tác tuyển chọn LĐXK đi lao động tại Malaisia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ở một số xã công tác chỉ đạo của cấp ủy chính quyền chưa được quan tâm đúng mức, chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị hợp đồng XKLĐ. Việc tuyên truyền, tuyển chọn lao động còn gặp không ít khó khăn, một số xã chưa có người tham gia dẫn đến kết quả chưa đạt theo yêu cầu. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2006 của huyện Xín Mần là hoàn chỉnh hồ sơ và xuất khẩu được từ 90 -100 lao động trở lên song đến hết tháng 11, huyện mới hoàn thành thủ tục xuất cảnh sang Malaisia được 43 lao động. Cùng với việc tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài,trong năm, huyện Xín Mần còn phối hợp với trường dạy nghề tỉnh mở được 7 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 300 lao động, bao gồm lớp nông - lâm tổng hợp 76 người, lớp sửa chữa xe máy 122 người, lớp thú y cơ sở 36 người và lớp xây dựng dân dụng 69 người. Huyện còn tạo việc làm cho gần 1.000 lao động thông qua các chương trình, dự án...Để từng bước tháo gỡ cũng như tạo cơ hội cho số lao động dôi dư trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo, đồng chí Dương Minh Hoà, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần đã xây dựng kế hoạch phối hợp các xã, các đơn vị được phép hoạt động XKLĐ trên địa bàn, tiếp tục tuyên truyền vận động thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm tham gia XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời kết hợp có hiệu quả với trường Dạy nghề của tỉnh, tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho số lao động có nhu cầu học và làm việc tại địa phương. Mở rộng cho vay vốn thông qua các chương trình, dự án để người lao động có thêm điều kiện mở rộng phát triển sản xuất như chăn nuôi, trồng cây ăn quả, dịch vụ…Với mục tiêu giải quyết tốt việc làm cho lao động nhàn rỗi là góp phần giữ vững ổn định ANCT - TTATXH và XĐGN của địa phương.
Ý kiến bạn đọc