Những nhà báo, nhà văn một thời mặc áo lính
Số nhà báo, nhà văn ở Hà Giang đã một thời mặc áo lính không nhiều. Đến hôm nay có người rời quân ngũ đã hai, ba mươi năm rồi, nhưng phong cách làm việc, ý thức, trách nhiệm và nghị lực, niền đam mê công việc, sẵn sàng vượt lên mọi khó
khăn, thách thức, luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vẫn như năm nào trong quân ngũ. Phẩm chất đó đâu phải có được một sớm một chiều, mà là cả một quá trình được học tập trong mái trường phổ thông, được rèn luyện trong môi trường quân đội, một lực lượng được sinh ra từ nhân dân, được Đảng, Bác Hồ thành lập, dìu dắt, dù trong hoàn cảnh nào vẫn “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan mà các nhà báo, nhà văn đang công tác thì hầu hết là những cán bộ gương mẫu đi đầu trong công việc, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng hiệu quả công tác rất tốt. Có những người trưởng thành được Đảng bộ, chính quyền địa phương tín nhiệm giao các trọng trách là lãnh đạo quản lý các cơ quan báo chí ở địa phương hoặc các chức vụ trưởng, phó phòng...
Tôi được gặp Nhà báo - nhà thơ Cao Xuân Thái, hiện nay anh là Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Hà Giang. Quê anh ở Ninh Bình, sinh ở Thái Lan. Về nước 1960 đi bộ đội năm 1967, đã từng tham gia ở chiến trường Yây Nguyên, được giải ngũ 1976 anh chuyển sang làm công tác văn hóa, văn nghệ ở tỉnh Hà Tuyên, rồi Hà Giang đến nay. Với đức tính cần mẫn, với ước mơ của một tâm hồn thi sĩ mà anh đã ấp ủ nhiều năm, Cao Xuân Thái đã bước vào con đường làm thơ. Thơ của anh trong mấy chục năm qua đã đi suốt chiều dài, chiều rộng mảnh đất Hà Tuyên - Hà Giang. Mỗi một địa danh lịch sử, văn hóa, mỗi một cảnh đẹp thiên nhiên, mỗi một con người lao động dù ở nơi đâu trên mọi miền tổ quốc... đều được hoá thành thơ. Anh viết với tấm lòng, trái tim của người thi sĩ và với cả “chất” của người lính năm xưa. 4 tác phẩm thơ, như: “Sóng thượng nguồn”, “Bão cuối mùa”, “Tổ quốc nơi cực Bắc.”..; tập ký “Tháng Ba có một Chợ tình”, “ Ngược miền thông reo”... do Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Văn hóa - Dân tộc xuất bản, đưa đến với bạn đọc gần xa một tình cảm với quê hương, đất nước của anh. Những nẻo đường Tuyên Quang, Hà Giang, từ vùng thấp đến vùng cao biên giới, nơi nào cũng có bước chân Cao Xuân Thái. Anh xuống với bà con các dân tộc, dù bữa cơm chỉ với bữa cơm đạm bạc, rau rừng, những bát rượu chân tình, ấm nồng của đồng bào mời, lại càng làm cho thơ của anh thấm vào máu thịt. Cao Xuân Thái làm việc với cả tấm lòng đau đáu, để cống hiến được nhiều hơn. Anh đã đạt giải Nhì cuộc thi thơ Báo Thiếu niên Tiền phong, giải Ba bút ký, Tạp chí Văn hóa các dân tộc, giải Nhất thi thơ thiếu nhi Hà Giang 2002. Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Tây Côn Lĩnh... Anh tâm sự: Còn 2 năm nữa mình sẽ nghỉ hưu, nhưng sự nghiệp văn chương chỉ có chết mới nghỉ. Câu nói thật mộc mạc mà chứa đựng sâu sắc.
Lớp sau nhà thơ Cao Xuân Thái phải kể đến Nhà báo Đặng Quang Vượng, anh sinh ở Phú Thọ. Đi bộ đội chống Mỹ năm 1972, được công tác chiến đấu ở Sư đoàn 304 B - một trong những sư đoàn chủ lực của quân đội. Thời học sinh Đặng Quang Vượng là một học sinh giỏi Văn của huyện Cẩm Khê và tỉnh Vĩnh Phú. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đã đến thời kỳ quyết liệt, Đặng Quang Vượng tình nguyện vào bộ đội. Những dải đất miền Trung, Quảng Trị nóng bỏng của chiến tranh anh đã đi qua. Đầu năm 1978 Đặng Quang Vượng chuyển ngành sang làm báo Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên rồi lên Hà Giang, là một trong những người đầu tiên xây dựng Báo Hà Giang đến nay. 28 năm làm báo Đảng địa phương, phẩm chất người lính, sự đam mê nghề nghiệp đến cháy bỏng, đã thôi thúc nhà báo Đặng Quang Vượng đi nhiều và viết nhiều. Những địa danh non cao hiểm trở của các vùng biên giới Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Xín Mần,Cao Mã Pờ…đến vùng sâu xa Niêm Sơn, Nậm Ban, Thượng Tân, Cao Bồ, Thượng Sơn... đều có bước chân anh tới. Những kỷ niệm đến giờ nhà báo Đặng Quang Vượng không thể quên đó là những ngày đi bộvượt núi trèo đèo 6-7 tiếng đồng hồ năm 1978, ăn cơm mèn mén, ngủ chung với cửa hàng trưởng HTX mua bán người dân tộc Mông xã Bát Đại Sơn... hoặc cưỡi ngựa với cửa hàng trưởng Tiến ở Yên Minh vào xãvùng sâu Niêm Sơn viết bài, chụp ảnh;cùng nằm chung công sự với chiến sĩ khi làm phóng viên mặt trận trong những tháng năm chiến tranh ở biên giới phía Bắc. Nhà báo Đặng Quang Vượng làm việc với tất cả tấm lòng, sự khát khao tìm tòi cái mới và tinh thần, ý thức, phong cách của một người lính từng trải. Đến nay anh đã viết hàng nghìn tin, bài, ảnh cho các báo địa phương và Trung ương. Với vốn sống làm báo phong phú và sẵn năng khiếu văn học, nhà báo Đặng Quang Vượng không bỏ lỡ niềm đam mê đã đi cả vào con đường văn thơ. Gần 10 năm “gánh cả hai vai” báo - thơ, anh đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập thơ, 1 truyện vừa doNhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành: Cây Sa Mu, Miền Đá, Sự tích Núi Cô Tiên, Người anh hùng trên cao nguyên, 1 tập sách nghiệp vụ báo chí và in chung 5 đầu sách. Trên văn đàn văn học địa phương, anh đã khẳng định được mình với độc giả và cả trong nước với nhưng tác phẩm thơ, truyện hay về mảnh đất Hà Giang. Anh đã hai lần đoạt giải Nhì, Ba cuộc thi thơ cho Thiếu nhi Hà Giang và cuộc thi thơ thị xã Hà Giang- thành phố tương lai 2002, 2005, 2 lần đoạt giải thưởng Báo chí toàn quốc, Hội nhà báo Việt Nam 2002, 2003 giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Tây Côn Lĩnh 1997 - 2001... Nhà báo Đặng Quang Vượng tâm sự: Làm nghề gì cũng phải đam mê và học hỏi. Phải tự tin và có nghị lực vươn lên. Sự tích tụ tri thức, rèn luyện bản thân không bao giờ thừa. Hiện nay Đặng Quang Vượng là Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, mặc dù bận rộn với công tác quản lý nhưng nhà báo Đặng Quang Vượng vẫn thường xuyên viết báo là cây bút có những bài viết chuyên đề sâu sắc của báo Đảng bộ tỉnh.
Hai nhà báo, nhà văn đã một thời mặc áo lính ở Hà Giang nhìn ở dưới góc độ nào thì đó cũng là những con người hết lòng vì vì công việc, vì mong muốn góp một phần nhỏ bé sức lực, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Và có lẽ bí quyết để các anh đến thành công trong sự nghiệp đó là luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất cách mạng “Bộ đội Cụ Hồ”
Ý kiến bạn đọc