Năm 2006, một năm nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động
Những năm gần đây, đất nước ta thu được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Trong đó, lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Chỉ tính năm năm gần đây (từ 2001 đến 2005) cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 7,54 triệu người (tăng 23,6% so với giai đoạn 1996 - 2000), bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu người. Riêng năm 2006 đã tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động.
Nhờ nỗ lực tạo việc làm trong nhiều năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị từ 6,4% năm 2000 giảm xuống còn 5,3% vào năm 2005 và tiếp tục giảm trong năm 2006; tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng ở khu vực nông thôn tăng từ 73,9% năm 2000 lên 80,7% vào năm 2005. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị theo xu hướng ngày càng giảm, tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng ở khu vực nông thôn ngày càng tăng chứng tỏ kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo ra nhiều chỗ làm việc và thu nhập cho người lao động.
Phát triển sự nghiệp dạy nghề
Học nghề là bước đi đầu tiên trong "lộ trình" tìm việc làm và thu nhập của mỗi một người lao động. Ðến nay, mạng lưới của ngành dạy nghề cả nước có 1.688 cơ sở dạy nghề, trong đó có 236 trường dạy nghề, 404 trung tâm dạy nghề. Trong sáu năm (từ 2001 đến 2006) đã dạy nghề cho hơn sáu triệu người, trong đó dạy nghề dài hạn (lao động có tay nghề) cho một triệu người, khoảng năm triệu người dạy nghề ngắn hạn (lao động phổ thông, hoặc bổ túc nghề).
Các hình thức dạy nghề cũng rất phong phú: học tại trường nghề, tại trung tâm dạy nghề, học nghề tại doanh nghiệp, vừa học nghề vừa làm việc tại cơ sở sản xuất, học nghề ở nước ngoài. Bên cạnh các trường nghề của Nhà nước, đã có gần 500 cơ sở dạy nghề thuộc các thành phần kinh tế khác. Mặc dù nền kinh tế còn khó khăn, nhưng Nhà nước cố gắng đầu tư đúng mức cho lĩnh vực đào tạo nghề; một số trường dạy nghề chất lượng cao được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Ðiều quan trọng nhất là, nhận thức của gia đình, xã hội và của người lao động đã có bước chuyển cơ bản: để lập thân, lập nghiệp, không nhất thiết chỉ vào đại học. Mà qua học nghề và đào tạo liên thông, người lao động không những giỏi nghề và sống được bằng nghề đã học, còn có trình độ văn hóa tương xứng, có kiến thức và kỹ năng ngày càng cao.
Những năm gần đây, xuất hiện trong đội ngũ lao động nhiều thanh niên có tay nghề giỏi ở nhiều nghề như điện, cơ khí, xây dựng, mộc, vẽ thiết kế trên máy tính, sửa chữa ô-tô... giành được nhiều giải cao trong Hội thi tay nghề ASEAN, nâng cao uy tín của tay nghề lao động Việt Nam trong khu vực cũng như trên thị trường lao động quốc tế. Bằng những nỗ lực vượt bậc, trong khoảng thời gian không dài, chúng ta đạt tới tỷ lệ 27% số lao động qua đào tạo.
Trong giai đoạn 2006 - 2010, hệ thống dạy nghề cả nước bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển mới: Ðó là, chuyển dạy nghề từ chương trình dài hạn và ngắn hạn sang hệ thống dạy nghề với ba cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề, đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật trực tiếp sản xuất-dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2007 và những năm tiếp theo. Vị trí của công tác dạy nghề ngày càng được quan tâm và đầu tư thích đáng sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu giai đoạn 2006 - 2010 đào tạo nghề theo ba cấp trình độ cho 7,5 triệu lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề vào cuối năm 2010 lên hơn 30%.
Coi trọng giải quyết việc làm trong nước
Với nhận thức đổi mới, Ðảng, Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để giải phóng sức lao động, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội và gia đình cùng quan tâm chăm lo giải quyết việc làm. Trong những năm qua, cả nước tạo việc làm cho hơn tám triệu lao động từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng vùng, từng địa phương và từng ngành sản xuất; từ Chương trình Quốc gia giải quyết việc làm cho vay theo dự án nhỏ; từ xuất khẩu lao động, và người dân tự tạo việc làm.
Năm 2006, Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất từ trước đến nay, tạo ra hàng trăm nghìn chỗ làm việc mới. Số liệu thống kê cho biết, khu vực Nhà nước chỉ tạo ra việc làm cho một bộ phận không nhiều lao động, các khu vực kinh tế khác thu hút phần lớn số lao động. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, việc nhanh chóng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp là bước quan trọng nhằm tạo ra nhiều việc làm cho lao động xã hội.
Ðặc biệt, sau khi trở thành thành viên WTO, tình hình lao động - việc làm của nước ta cũng đứng trước thời cơ và thách thức lớn, trong đó, không tránh khỏi một số doanh nghiệp ở một vài lĩnh vực, do năng lực yếu, sức cạnh tranh kém, bị phá sản và lao động mất việc làm. Trong bối cảnh ấy, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tạo việc làm cho người lao động theo hướng đầu tư vào ba khu vực kinh tế chính.
Các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn: Nhà nước đã chỉ đạo tập trung thâm canh đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất cây trồng hoặc vật nuôi, nhất là ở những vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế trang trại; tiếp tục phân bổ lại lao động và dân cư, phát triển trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả; khai thác tiềm năng các tỉnh đồng bằng để phát triển nuôi trồng thủy sản, khai thác biển, đánh bắt cá; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi, nhằm tăng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn, bảo đảm việc làm cho khoảng 25 triệu lao động cho khu vực này, thu hút thêm hàng trăm nghìn lao động mỗi năm.
Các chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ: Ðây là hướng quan trọng và quyết định nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hút hàng trăm nghìn lao động mỗi năm, đồng thời tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu CNH, HÐH nền kinh tế đang phát triển của đất nước, với mức tăng GDP từ 7,5 đến hơn 8% một năm, bảo đảm việc làm cho khoảng 19 triệu lao động.
Các chương trình mở rộng, phát triển làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Thực tiễn cho thấy, những năm qua, các chương trình này đã thu hút hàng trăm nghìn lao động mỗi năm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội. Hằng năm, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, cho vay theo dự án nhỏ tạo ra nhiều việc làm ở khu vực kinh tế này. Quỹ hiện có khoảng 2.500 tỷ đồng, cho hàng chục nghìn dự án vay, tạo việc làm cho gần hai triệu lượt lao động, nhất là những hộ khó khăn về vốn, nhưng có khả năng tạo việc làm.
Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2010, dân số trong độ tuổi lao động nước ta tăng và đạt 51,4 triệu người, chiếm 62,87% tổng dân số. Lực lượng lao động trẻ tiếp tục tăng theo mỗi năm; việc dạy nghề, tạo việc làm vẫn là sức ép đối với mỗi gia đình và xã hội. Giải quyết có hiệu quả việc làm là góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP và có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn sẽ tạo cơ hội thuận lợi để giải quyết việc làm trong giai đoạn 2007 - 2010.
Ðẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu lao động
Nhờ lực lượng lao động trẻ, dồi dào, cần cù và thông minh, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia cung ứng lao động có chất lượng tốt cho các nước trong khu vực và thị trường lao động quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có hơn 400 nghìn lao động làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu ở Malaysia, Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Qatar, A-rập Xê-út... Hằng năm, lao động ta gửi về gia đình và đất nước khoảng 1,6 tỷ USD, góp phần cải thiện cuộc sống nhiều gia đình, tăng cơ hội tạo việc làm ở trong nước. Rõ ràng, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, không những tăng cơ hội việc làm ở ngoài nước cho người lao động, còn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Tính đến ngày 20-12, chúng ta đưa được hơn 75 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2006.
Trong năm 2007 và những năm tiếp theo, chúng ta quyết tâm giữ vững thị trường lao động hiện có ở Malaysia, Ðài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời mở rộng thị trường lao động khu vực Trung Ðông, mở thị trường mới ở Australia, Canada, Hoa Kỳ và một số khu vực khác. Ðiều quan trọng là, bên cạnh việc bảo đảm chất lượng của lao động, cũng cần nâng cao chất lượng quản lý của doanh nghiệp XKLÐ và cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, chuyển mạnh cung cách quản lý từ hành chính sang phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp từ tìm kiếm, khai thác, ổn định và giữ vững thị trường, có cơ chế để quản lý lao động một cách chủ động và phù hợp, giảm thiểu các sự cố khi lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ một cách hợp lý và hợp pháp các lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và của người lao động. Quốc hội vừa thông qua Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, làm chỗ dựa pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp XKLÐ và người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời đưa lĩnh vực này đi vào nền nếp, kỷ cương.
Trên cơ sở phát huy thành tựu đạt được ở lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm trong nước và xuất khẩu lao động năm 2006, QH và Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2007 là tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, trong đó đào tạo nghề dài hạn (tay nghề cao) tăng 15,4%; giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động; đưa 80 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hơn bất kỳ lĩnh vực nào, vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm rất cần sự đầu tư của Nhà nước, của các ngành, các địa phương, cộng đồng xã hội và của mỗi gia đình.
Ý kiến bạn đọc