Huyện Mèo Vạc Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

23:16, 16/12/2006

Mèo Vạc là một huyện vùng cao núi đá có diện tích tự nhiên 573,84km2 và dân số khoảng hơn 58.000 người trong đó dân tộc Mông chiêm 78%. Nam trong vùng khí hậu khắc nghiệt, rét và khô hanh kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, địa hình lại bị chia cắt bởi núi non điệp trùng, hiểm trở, Mèo Vạc gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tê xã hội.


Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ và nhân dân cộng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, diện mạo của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong 5 năm gần đây (1998-2003) đạt 10 - 12%, riêng năm 2003 đạt 12,75%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện với mức bình quân lương thực đạt 315kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1,5 triệu đồng/năm.

Cơ cấu kinh tế cũng từng bước chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng công nghiệp, dịch vụ. GDP của huyện năm 2003 đạt 94,59 tỷ đồng, tăng 1,44 lần so với năm 2000. Nền kinh tế từ chỗ sản xuất tự cung, tự cấp nay đã chuyển dần sang sản xuất hàng hoá. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng không ngừng được quan tâm đầu tư nâng cấp. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 1998 đến nay, huyện đã huy động được hàng triệu ngày công đóng góp, bằng sức lực và lao động thủ công đã đào đắp hàng trăm nghìn mét khối đất đá, mở mới được 5 tuyến đường ô tô đến trung tâm xã (trên 80km). Đến nay, 100% số xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 7 xã có đường nhựa, 127/195 thôn, bản có đường dân sinh (235km). Đồng thời, với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã cơ bản đã giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt và nhà ở cho nhân dân: 8.895 hộ gia đình (chiếm 87,7% dân số toàn huyện) đã xây dựng được bể chứa nước sinh hoạt, 59% số hộ đã được ngói hoá, 12/17 xã đã có trạm y tế 2 tầng, 100% xã có trường học 2 tầng, tất cả các thôn bản đều có điểm trường, 11/17 xã đã có điện thoại và 11/17 xã với 1.985 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Cùng với sự phát triển kinh tế nội địa, quan hệ kinh tế quốc tế của huyện cũng ngày càng được củng cố. Năm 1991 , Chính phủ ký kết Hiệp định Biên giới với Trung Quốc đã tạo điều kiện cho mối quan hệ đối ngoại giữa Mèo Vạc với các địa phương giáp biên của nước bạn có những bước tiến triển tốt, hai bên thường xuyên có những cuộc hội đàm để giải quyết các vấn đề an ninh biên giới và phát triển quan hệ kinh tế. Cửa Khẩu Săm Pun- Điền Bồng ngày một sôi động hơn. Riêng năm 2003, tổng giá trị hàng hoá trao đổi qua cửa khẩu này đạt khoảng 6,3 tỷ đồng.

Bên cạnh quá trình phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá xã hội như: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao... cũng được các cấp chính quyền trong huyện quan tâm và có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc được giải quyết dứt điểm. Với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, năm 2002, huyện Mèo Vạc đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Nhằm đưa kinh tế xã hội Mèo Vạc phát triển lên một tầm cao mới, năm 2004 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Đồng thời tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng sản xuất và tích cực mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ; kiên cố hoá kênh mương nội đồng; đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất mang lại thu nhập chính.

Huyện cũng tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường giao thông tới các thôn bản, nâng cấp đường giao thông tới trung tâm các xã. Bên cạnh đó, huyện phấn đấu thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ của tỉnh đối với hộ nghèo như: chương trình xoá nhà tạm, hạ sơn, hỗ trợ tấm lợp, làm nhà ở, kéo điện, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi... Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào địa bàn . Đảm bảo chính trị ổn định, thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hoá thôn bản; thực hiện tốt các chương trình xoá đói giảm nghèo, tập trung ở những xã có tỷ lệ hộ đói nghèo cao, phấn đấu mỗi năm giảm được từ 8- 10% hộ nghèo.

Có thể nói, những chuyển biển trong quá trình phát triển của huyện Mèo Vạc thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Bởi ở nơi heo hút miền sơn cước đời sống của nhân dân đang ngày càng no ấm hơn. từng bước phát triển và dần theo kịp các huyện miền xuôi. Đó cũng là biểu hiện sinh động của sự hoà hợp giữa ý Đảng, lòng dân trong việc ổn định đời sống, giữ vững an ninh - chính trị nơi địa đầu của tổ quốc.


(Theo dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc