Xây dựng con người mới, nếp sống mới
BHG - Để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã chung sức, đồng lòng xóa bỏ hủ tục, xây dựng con người mới, nếp sống mới, văn minh, hiện đại, đồng thời kế thừa có chọn lọc và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Mảnh đất cửa ngõ phía Tây Hoàng Su Phì tập trung đồng bào các dân tộc: Nùng, Dao, Mông, La Chí, Cờ Lao… sinh sống. Phần lớn người dân đều làm nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Do tập quán sinh hoạt, trước đây bà con thường nuôi gia súc dưới gầm sàn, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường sống. Cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà. Toàn huyện có trên 12.000 hộ chăn nuôi, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đến nay chỉ còn 161 hộ nuôi gia súc dưới gầm sàn.
![]() |
Thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân. |
Chị Vàng Thị Nhọt, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Từ bao đời nay, bà con thường nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn để thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và tránh bị mất trộm. Tuy nhiên, chất thải của gia súc khiến môi trường bị ô nhiễm. Được sự tuyên truyền của cán bộ xã, đến nay hầu hết các hộ dân đều chuyển chuồng trại cách xa khu vực nhà ở từ 20 đến 25 mét trở lên. Đồng thời, tích cực vệ sinh, dọn dẹp chuồng nuôi để hạn chế dịch bệnh, nhờ đó đàn vật nuôi phát triển tốt, môi trường cũng sạch, đẹp hơn.
Tại thành phố Hà Giang, việc thực hiện nếp sống văn minh được nhân dân ủng hộ, tập trung xóa bỏ các thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang. Đến nay, 100% các đám cưới đều tổ chức gọn nhẹ, không kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình. Do không gian chật hẹp nên nhiều gia đình trước đây thường dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường, ảnh hưởng đến giao thông; thời gian gần đây được sự tuyên truyền của các ngành, đoàn thể, trên 90% các đám cưới không còn dựng rạp trên đường phố. Trong việc tang, các gia đình đã thực hiện việc đi hỏa táng trước, sau đó mới tổ chức lễ tang để đảm bảo vệ sinh môi trường; không rải tiền vàng, bỏ các thủ tục mê tín dị đoan trong tổ chức tang lễ. Đồng thời, 100% các tổ chức, cá nhân không đi viếng đám tang bằng vòng hoa, bức trướng, tránh phô trương, lãng phí.
![]() |
Phụ nữ Dao đỏ gìn giữ trang phục truyền thống. |
Bà Vũ Thị Thật, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang chia sẻ: Trước đây, việc tổ chức đám cưới, đám tang ở một số gia đình vẫn còn nặng nề, gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Có một số đám cưới, đám tang còn xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, hiện tượng cờ bạc trá hình gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, người dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 27-NQ/TU, về thực hiện “xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, các đám cưới, đám tang đều tổ chức gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm.
Trong năm 2024, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức 13.723 buổi tuyên truyền; 1.242 hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; tuyên truyền bằng loa, hệ thống phát thanh được 7.631 buổi góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân đối với hệ lụy của các hủ tục; thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc tổ chức lễ cưới, lễ tang, đời sống sinh hoạt và lễ hội. Ngoài ra, các địa phương kịp thời vận động hoãn hôn được 114 cặp chưa đủ tuổi kết hôn.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27, các địa phương đang quyết liệt vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, phấn đấu 100% các đám tang không tổ chức quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc, không tổ chức ăn uống kéo dài nhiều ngày. Các đám cưới được tổ chức tiết kiệm, không thách cưới cao, vận động nhân dân không cho con em tảo hôn, giảm tình trạng nữ sinh con trước 18 tuổi. Trong đời sống sinh hoạt, vận động các gia đình di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây dựng 3 công trình vệ sinh, phấn đấu 100% các thôn có quy định cụ thể về thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường đảm bảo mỹ quan “xanh - sạch - đẹp”. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ người có uy tín, Hội Nghệ nhân dân gian trong vận động thực hiện Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy. Nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” gắn với phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu để tuyên truyền, vận động Nhân dân noi theo.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc