Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
BHG - Hà Giang là một trong những tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn với trên 576 nghìn ha, chiếm khoảng 75% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Với đặc điểm địa hình phức tạp, khí hậu khô hạn vào mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Trước tình hình đó, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) để bảo vệ tài nguyên rừng và đảm bảo sự an toàn cho người dân.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm 2024 đến tháng 2.2025, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, chủ yếu tại các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 24,50 ha, trong đó cháy rừng tự nhiên 7,02 ha; cháy rừng trồng 17,48 ha. Đặc biệt, trong tháng 4.2024, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, gây thiệt hại khoảng 15 ha rừng. Đây là khu vực có độ dốc cao, thảm thực bì dày, cộng với gió lớn, khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Vụ cháy này đã khiến hai cán bộ kiểm lâm hy sinh khi tham gia chữa cháy, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm và sự cấp thiết của công tác PCCCR.
![]() |
Các lực lượng phối hợp với người dân tham gia dập lửa tại buổi diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại xã Kim Linh (Vị Xuyên). Ảnh: TL |
Thực tế các vụ cháy rừng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng vẫn là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của người dân trong việc sử dụng lửa gần rừng, ven rừng, trong rừng, đốt thực bì chưa đúng quy định và hướng dẫn. Nhận thức của người dân về PCCCR vẫn còn hạn chế, dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm và các tổ bảo vệ rừng còn thiếu phương tiện chữa cháy hiện đại, địa hình rừng núi hiểm trở gây khó khăn cho công tác tiếp cận và dập lửa.
Trước thực trạng trên, công tác PCCCR đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội về PCCCR có nhiều chuyển biến tích cực; các chủ rừng, hộ gia đình được yêu cầu ký cam kết không đốt nương, không sử dụng lửa bừa bãi trong rừng. Lực lượng kiểm lâm được tăng cường, tổ chức huấn luyện định kỳ về kỹ năng chữa cháy rừng, đồng thời thành lập các tổ đội PCCCR cấp xã, thôn, bản với sự tham gia của người dân, tạo thành mạng lưới phản ứng nhanh.
![]() |
Lực lượng kiểm lâm và các tổ bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: T.NG |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và vận động người dân cũng được đẩy mạnh với các buổi tập huấn, phát tài liệu hướng dẫn PCCCR đến từng hộ gia đình, huy động trưởng thôn làm gương trong công tác bảo vệ rừng. Người dân khi đốt nương, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng phải thực hiện các biện pháp an toàn PCCC, trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng, sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa. Ngoài ra, hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập chữa cháy rừng, với sự tham gia của các lực lượng kiểm lâm, Quân đội, Công an và người dân nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó với cháy rừng trên thực tế.
Đồng chí Đào Minh Quân, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, cho biết: “Lực lượng Cảnh sát PCCC luôn sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, việc tiếp cận đám cháy ở vùng núi cao gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương để lập các phương án ứng phó từ xa, bố trí lực lượng và phương tiện phù hợp. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng cháy rừng trong cộng đồng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ cháy rừng”.
Anh Lê Công Tuấn Dương, cán bộ kiểm lâm Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chia sẻ: “Công tác PCCCR phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách xử lý thực bì an toàn, không đốt nương trái phép, luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra”.
Thời gian tới, các cấp chính quyền, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCCCR trong cộng đồng và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ rừng. Đồng thời, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức giữ rừng cũng như thực hiện phương án PCCCR, cùng tham gia bảo vệ, tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời khi có cháy rừng.
TRUNG NGHĨA
Ý kiến bạn đọc