Nhân rộng mô hình “Ban phòng, chống mua, bán người” tại cộng đồng
BHG - Nhằm tăng cường công tác phòng, chống mua, bán người (MBN), những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, các địa phương và tổ chức Trẻ em Rồng Xanh triển khai mô hình “Ban phòng, chống mua, bán người” tại cộng đồng.
Hiện nay, tội phạm MBN diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, trẻ em gái hoặc những người đang tìm kiếm việc làm với mức thu nhập hấp dẫn nhằm lừa bán ra nước ngoài. Nhiều nạn nhân bị đưa vào các nhà chứa mại dâm, trở thành vợ bất hợp pháp hoặc bị bóc lột sức lao động.
![]() |
“Ban phòng, chống mua, bán người” tại cộng đồng xã Xín Cái (Mèo Vạc) sáng tạo trong hoạt động truyền thông thu hút đông đảo người dân tham gia. |
Nhằm chung tay ngăn chặn nạn MBN, từ tháng 8.2023, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh, huyện Đồng Văn và Mèo Vạc triển khai mô hình “Ban phòng, chống mua, bán người” cộng đồng tại 56 thôn thuộc 6 xã: Giàng Chu Phìn, Khâu Vai, Thượng Phùng, Xín Cái (Mèo Vạc) và Hố Quáng Phìn, Lũng Táo (Đồng Văn). Mô hình tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống MBN, hướng dẫn cách nhận diện đối tượng và phòng tránh rủi ro. Đồng thời, mô hình cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế, cải thiện cuộc sống và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống MBN.
Các địa phương đã tổ chức 336 buổi truyền thông, sinh hoạt chủ đề tại cộng đồng với hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ; 100% người dân tham gia truyền thông đều hiểu rõ về các thủ đoạn, dấu hiệu của tội phạm MBN cũng như cách di cư an toàn. Bên cạnh đó, hơn 50 phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ cao bị mua, bán đã được hỗ trợ sinh kế, giúp họ phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Trên 60 học sinh có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ đồ dùng cá nhân, tạo động lực để tiếp tục đến trường, tránh nguy cơ bị mua, bán. Hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời được lắp đặt nhằm tăng cường an ninh tại các thôn, bản. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống MBN xã Hố Quáng Phìn và xã Lũng Táo (Đồng Văn) đã nhận nuôi các trẻ em mồ côi trên địa bàn với mức hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng, giúp các em được chăm sóc và học tập đầy đủ. Cùng với đó, các địa phương tích cực hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân, xác nhận nơi cư trú cho các trường hợp trở về từ nước ngoài; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ làm công tác phòng, chống MBN.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Yến Nga cho biết: “Sau hai năm triển khai, mô hình “Ban phòng, chống mua, bán người” tại cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Kết quả khảo sát đầu vào và đầu ra cho thấy nhận thức của người dân về thủ đoạn, đối tượng và nguy cơ bị MBN được nâng cao đáng kể. Các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giúp họ ổn định cuộc sống, trẻ em được đến trường; qua đó góp phần hạn chế nguy cơ bị mua bán. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị để nhân rộng mô hình tại nhiều xã khác của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc”.
Hiện nay, do nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng cao, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân để dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, cưỡng bức. Vì vậy, công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN nhằm chủ động phòng ngừa là vô cùng cấp thiết; trong đó tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống MBN tại cộng đồng; các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, triển khai các giải pháp quyết liệt để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN, bảo vệ an toàn cho người dân.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc