Vì mục tiêu giảm bệnh nhân lao
BHG - Thời gian qua, bệnh lao diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch COVID-19. Do đó, ngành Y tế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp can thiệp, vì mục tiêu giảm số lượng mắc và tử vong do bệnh lao.
Là tỉnh miền núi giao thông không thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo cao, có nhiều thế hệ sống trong một nhà, điều kiện ánh sáng, thông thoáng kém là nguy cơ xảy ra ổ bệnh tập trung, trong đó có bệnh lao. Bên cạnh đó, mạng lưới phòng, chống lao chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hoạt động tuyên truyền, khám sàng lọc, phát hiện có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Theo đánh giá mới đây, số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị mới chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính; mức độ lây lan, đặc biệt là lao kháng thuốc đáng lo ngại, tỷ lệ được chữa khỏi hoàn toàn là 75%. Đây là những thách thức không nhỏ đối với việc nâng cao chất lượng phòng, chống bệnh lao.
Thăm dò chức năng hô hấp trong điều trị lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh. |
Tập trung khắc phục những khó khăn về nhân lực, nguồn lực, các cấp, ngành liên quan tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh lao đến 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế, hệ thống dự phòng trong tỉnh tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức và cộng đồng về công tác phòng, chống lao. Thực hiện hiệu quả các dự án phát hiện, quản lý, điều trị lao tiềm ẩn, lồng ghép với điều trị các bệnh nhân mãn tính như: Hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, cao huyết áp... Đảm bảo duy trì hiệu quả các hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là phối hợp giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trong phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao. Tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các đơn vị y tế về phát hiện, chẩn đoán, điều trị.
Các cơ sở y tế phối hợp khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng. |
Hiện nay, hoạt động phòng, chống lao được triển khai đến 193/193 xã, phường, thị trấn. Chương trình hoạt động theo 3 tuyến, tại tuyến tỉnh, Bệnh viện Phổi có chức năng thu dung điều trị nội trú, ngoại trú những trường hợp bệnh nhân nặng. Với 15 khoa, phòng chức năng và các nhóm giám sát, nhóm đào tạo, hàng năm bệnh viện khám, điều trị cho khoảng trên 400 bệnh nhân lao các thể. Tuyến huyện, các bệnh viện, trung tâm y tế bám sát tình hình bệnh lao, tập trung điều trị người bệnh giai đoạn lao tấn công; sau điều trị ổn định chuyển về trạm y tế xã, phường để quản lý điều trị ngoại trú tại cộng đồng. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao và giảm đi mặc cảm, kỳ thị nhằm phát hiện sớm, giảm nguồn lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng các tuyến dự trù vắc xin phòng bệnh lao, giám sát thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.
Giai đoạn 2021 – 2024, kết quả thu nhận bệnh nhân lao cá thể toàn tỉnh là 2.499 bệnh nhân, trong đó có 76 trẻ em. Tỷ lệ phát hiện lao là 72/100.000 dân, điều trị thành công năm 2024 đạt 89,7%. Ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp phấn đấu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030; huy động các nguồn, kiện toàn mạng lưới phòng, chống lao. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lây truyền, phòng bệnh và tuân thủ điều trị. Tích cực phát hiện bệnh nhân lao chủ động tại cộng đồng, vùng sâu, xa...
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc