Hủ tục lùi xa, văn minh dẫn lối: Kỳ II - Những dòng họ đi đầu ở bản Mông
BHG - Trên Cao nguyên đá hùng vĩ, những dòng họ người Mông đang viết nên một câu chuyện đầy thuyết phục về sự đi đầu xóa bỏ những hủ tục trong lễ tang, một việc tưởng chừng không thể thay đổi từ bao đời. Họ không chỉ đổi mới cho riêng mình, mà còn lan tỏa tinh thần đó cho cả cộng đồng để cùng tiến bước trên con đường phát triển.
Đổi thay ở Sủng Lủ
Huyện biên giới Mèo Vạc có 17 dân tộc với 473 dòng họ, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 78%. Người Mông nơi đây coi trọng vai trò của các trưởng dòng họ trong đời sống cũng như trong công cuộc đẩy lùi hủ tục. Tiêu biểu là dòng họ Sùng, thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh. Lập nghiệp, định cư tại xã từ những năm 1890, dòng họ trải qua 7 đời, hiện có 67 hộ, trên 320 khẩu. Với tinh thần đoàn kết, các thế hệ đã có công lao đóng góp xây dựng thôn bản, đấu tranh bảo vệ quê hương. Ngày nay, dòng họ này đang tiếp tục tham gia vào cuộc “cách mạng” xóa bỏ hủ tục trong lễ tang.
Lãnh đạo xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) thăm mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình chị Thào Thị Mỷ thôn Sủng Lủ . |
Ông Sùng Chứ Mua, sinh năm 1965, trưởng dòng họ Sùng cho biết: “Ngay sau khi có Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, dòng họ chúng tôi tập trung vận động, thay đổi nhận thức của các thành viên trong dòng họ và bà con trong thôn để loại bỏ những hủ tục trong lễ tang. Xuất phát từ nền tảng của mô hình Dòng họ tự quản về an ninh trật tự, những thành viên cốt cán thường xuyên phối hợp tuyên truyền tại các buổi họp thôn, họp chi bộ để phân tích cho bà con hiểu bất cập của tổ chức việc tang theo lối cũ, dài ngày, không đưa người chết vào áo quan... Đặc biệt, chúng tôi cũng quy định rõ các nội dung vào quy ước dòng họ, giao trách nhiệm cụ thể, ký cam kết tới từng hộ, nếu vi phạm sẽ phạt tiền và phê bình”.
Minh chứng cho hiệu quả và sự vào cuộc, trong 2 năm trở lại đây, đám tang của dòng họ Sùng không còn tục dắt bò. Có được kết quả đó, ngoài tuyên truyền thường xuyên, khi có người mất, trưởng dòng họ cùng với ban tổ chức lễ tang xã, các thầy kèn, kịp thời có mặt ngay để quán triệt cho anh em, con cái, họ hàng không dắt bò tới cúng lễ. Gia đình có đám cũng kiên quyết không nhận để giảm bớt gánh nặng “nợ đồng lần”. Quyết liệt hơn, trong dòng họ còn phân công thành viên tham gia vào các tổ gồm: Công an, Quân sự, tổ chức đoàn thể xã, phụ trách ở các tuyến đường để giám sát, thuyết phục những người có ý định mang bò đến lễ. Thay cho trả lễ dắt bò như trước, nay người dân ở Lũng Chinh thực hiện đi lễ bằng tiền mặt, không bắt buộc cụ thể mà tùy vào điều kiện từng gia đình.
Dòng họ Sùng được huyện Mèo Vạc lựa chọn xây dựng mô hình Dòng họ tự quản gắn với xóa bỏ hủ tục. Năm 2023, ông Sùng Chứ Mua, trưởng dòng họ vinh dự là đại biểu của tỉnh tham dự và nhận Bằng khen của Bộ Công an tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận, giai đoạn 2018 - 2023.
Ông Sùng Chứ Mua (thứ 3 bên phải), Trưởng dòng họ Sùng cùng lãnh đạo xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) trao đổi về xóa bỏ hủ tục. |
Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa bỏ hủ tục xã Lũng Chinh, Sùng Mí Nô cho biết: “Với sự đồng hành của dòng họ Sùng, việc xóa bỏ hủ tục ở xã có chuyển biến tích cực. Trong lễ cúng cải tiến, thay đổi như không còn tục bón cơm cho người chết, tổ chức hợp vệ sinh; thời gian đảm bảo dưới 48 tiếng, đặc biệt, có đám chỉ trong 16 tiếng; việc giết mổ nhiều gia súc không còn. Những gánh nặng giảm bớt, đời sống người dân ở Sủng Lủ nói riêng và xã nói chung có nhiều khởi sắc, an ninh trật tự được giữ vững. Phấn khởi hơn, dòng họ Sùng cam kết thời gian tới sẽ thực hiện đưa người chết vào áo quan; qua đó sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần xóa bỏ hủ tục trên địa bàn.
Dòng họ Giàng đi ngược “lối cũ”
Để thay đổi hủ tục lâu đời bám dễ, ăn sâu vào tiềm thức người dân tộc thiểu số, một số dòng họ ở huyện Quản Bạ tiên phong, quyết tâm “đi ngược” để mở cánh cửa văn minh. Dòng họ Giàng sinh sống tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ là dòng họ đầu tiên của địa phương đưa người chết vào áo quan. Ông Giàng Chúa Páo, thôn Đầu Cầu 1 là trưởng dòng họ, cũng là người có uy tín trong cộng đồng chia sẻ: “Trong thôn có 19 hộ thuộc dòng họ Giàng. Trước đây trong đám tang của người Mông nói chung, dòng họ Giàng nói riêng có rất nhiều nghi thức lạc hậu, gây lãng phí, rườm rà. Một đám tang ngắn nhất cũng kéo dài 5 ngày, có những đám lên tới 7 ngày. Không chỉ tốn kém gia súc, gia cầm, còn làm kiệt quệ sức người. Có nhiều hộ vì dắt gia súc đã vay nợ suốt nhiều năm, quẩn quanh trong cái nghèo không thoát ra được”.
Ông Giàng Chúa Páo (giữa), Trưởng dòng họ Giàng, thôn Đầu Cầu 1, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) vận động bà con xóa bỏ hủ tục. |
Thực tế, ai cũng nhận ra những hệ lụy cần thay đổi, nhưng không được đồng tình, ủng hộ của tập thể thì khó lòng thực hiện được. Nên sau Nghị quyết số 27, cụ thể hóa là Đề án 16 của Huyện ủy Quản Bạ được triển khai rộng rãi đã tạo ra bước ngoặt lớn. “Với trách nhiệm trưởng dòng họ, với quyết tâm cao, tôi đã đề xuất việc đưa người chết vào áo quan và thay đổi nhiều nghi thức khác. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, dòng họ đã thống nhất, khi có đám tang, mỗi hộ đóng góp từ 200 - 300 nghìn đồng thay vì góp bò, lợn, dê. Ban đầu có rất nhiều người lo sợ nếu làm khác với phong tục sẽ xảy ra những điều không may mắn. Đến nay, các hộ đều nhận thấy phù hợp, không tốn kém, lại bảo đảm vệ sinh môi trường” - ông Giàng Chúa Páo chia sẻ thêm.
Thực tế, mỗi khi có đám tang, người phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hủ tục. Theo phong tục của người Mông, khi có đám tang, con gái, con dâu, cháu dâu đều phải trông người chết suốt nhiều ngày cho đến khi kết thúc đám tang khiến họ kiệt quệ về sức lực. Chị Sùng Thị Dính, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ là cháu dâu dòng họ Giàng chia sẻ: “Trước đây đám tang kéo dài 7 ngày thì chúng tôi sẽ phải trông suốt 7 ngày, không kể ngày đêm. Từ ngày cho người mất vào áo quan, đám tang rút ngắn, chúng tôi không còn phải thực hiện nghi thức này, không phải nấu cơm phục vụ nhiều ngày.”
Đồng chí Phạm Đức Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ cho biết: “Toàn xã có 8 thôn, 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 14 dòng họ. Những năm trước đây, do hủ tục còn nặng nề, đời sống người dân khó khăn, dân trí chưa đồng đều, những người lớn tuổi mang nặng tư tưởng cũ, vì vậy, công tác tuyên truyền cũng vô vàn khó khăn. Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch cụ thể tập trung tuyên truyền, khi có đám tang phải đến tận nơi vận động. Vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết, đưa ra các quy định, căn cứ từ các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh, huyện, quy ước, hương ước của địa phương; xã cũng thành lập Ban tang lễ, khi có việc tang kịp thời phối hợp kiên quyết thực hiện theo quy ước. Đến nay, 100% các dòng họ trên địa bàn đã cho người chết vào áo quan, nhiều nghi thức rườm rà được cắt bỏ, người dân rất đồng thuận”.
Dưới ánh sáng Nghị quyết 27, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự gương mẫu, tiên phong của các dòng họ đã góp phần quan trọng trong xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ và bình đẳng. Hành trình bền bỉ, lâu dài này tiếp tục cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, triển khai những cách làm mới và sáng tạo.
----------------
Kỳ cuối: Mở "cánh cửa" văn minh
Bài, ảnh: Mộc Lan, Phạm Hoan và My Ly
Ý kiến bạn đọc