Gắn nhiệm vụ trọng tâm với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục
BHG - Trước thực trạng còn một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu len lỏi trong đời sống của 19 dân tộc sinh sống ở 24 xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Vị Xuyên lấy công tác tuyên truyền làm “chìa khóa” để thay đổi nhận thức người dân và gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Hiện, trên địa bàn huyện Vị Xuyên còn một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc, như: Người chết chưa đưa vào áo quan trước khi làm lễ, giết mổ nhiều gia súc trong đám tang; tảo hôn, mê tín dị đoan, cúng trừ tà, giải hạn; nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, chưa đổi mới tư duy trong đảm bảo vệ sinh môi trường nên công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt còn hạn chế, chưa phát huy được tinh thần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
![]() |
Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao ở Vị Xuyên được cắt giảm các thủ tục. |
Nhận thức rõ việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong Nhân dân các dân tộc gắn với bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xác định làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc xóa bỏ hủ tục, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước. Với nội dung, cách thức cụ thể, phù hợp từng địa bàn, từng dòng họ, từng dân tộc đã giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo đồng thuận cao trong xóa bỏ hủ tục.
Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh chia sẻ: Huyện tổ chức nhiều buổi mạn đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề, mời các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, nghệ nhân dân gian, người có uy tín để thảo luận, bàn thống nhất và biểu quyết các giải pháp xóa bỏ hủ tục để đưa vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố. Nhân rộng các mô hình, điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực, nhất là phát triển KT - XH, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bên cạnh đồng bộ các giải pháp tuyên truyền và linh hoạt lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, họp thôn, tổ dân phố, Vị Xuyên còn tổ chức ký cam kết nêu gương trong cán bộ, đảng viên, trưởng các dòng họ. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thành lập 25 câu lạc bộ “Phụ nữ 3 không” (không ăn ở mất vệ sinh, không mê tín dị đoan; không tảo hôn, không sinh con thứ ba) với gần 1 nghìn thành viên/24 xã, thị trấn; tổ chức các hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, các hủ tục; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện. Các tổ chức đoàn thể phối hợp với các xã tổ chức các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình tuyến đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh; gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục.
![]() |
Bảo tồn nghề làm mặt nạ phục vụ lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao ở Vị Xuyên. |
Đạo Đức là một trong những địa phương trước đây còn không ít phong tục, tập quán lạc hậu bám sâu trong đời sống đồng bào các dân tộc, nhưng bằng sức mạnh tuyên truyền, vận động đã từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chủ tịch UBND xã Đạo Đức Lê Văn Nhâm phấn khởi cho biết: Hiện trên địa bàn một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được loại bỏ. Tục thách cưới cao, đòi hỏi nhiều sính lễ, tổ chức cưới dài ngày giảm đáng kể; tục ép hôn, gả bán được loại bỏ; tảo hôn giảm nhiều qua từng năm. Món “nợ đồng lần” dần được Nhân dân thay đổi; hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật trong đám tang chuyển sang hình thức phúng viếng bằng tiền mặt; nhiều nghi lễ, lễ tế được gộp chung; thời gian tổ chức lễ tang rút gọn không quá 48 tiếng.
Để gắn xóa bỏ hủ tục với nhiệm vụ trọng tâm, Vị Xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt 3 đột phá, 5 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV. Ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy KT - XH, tập trung vào phát triển thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2021-2025; thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025; chương trình xây dựng Nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững…
Đưa Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tiếp tục thấm sâu vào cuộc sống, Vị Xuyên xác định tuyên truyền, vận động là “chìa khóa” mở cửa lòng dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bám nắm địa bàn cơ sở, chủ động, thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người tiêu biểu có uy tín ở thôn, hội nghệ nhân dân gian. Đưa nội dung tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục vào chương trình sinh hoạt của chi bộ, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt của đoàn thể; rà soát, điều chỉnh nội dung quy ước, hương ước phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời biểu dương tập thể, dòng họ, cá nhân, hộ gia đình làm tốt; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên và người dân không chấp hành theo đúng quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố và các quy định của Đảng và Nhà nước. Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng, phấn khởi, tự hào, tích cực tham gia bài trừ các hủ tục, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc - Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh khẳng định.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc