Vai trò của các dòng họ xây dựng cộng đồng đảm bảo an ninh, trật tự

20:41, 10/12/2024

BHG - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, an ninh, trật tự (ANTT) tại các khu vực nông thôn và miền núi đang đối mặt với nhiều thách thức. Tại Hoàng Su Phì, các dòng họ tự quản được thành lập đã hỗ trợ giải quyết kịp thời những mâu thuẫn về đất đai, hôn nhân, hay tranh chấp nhỏ, góp phần giảm tải áp lực cho chính quyền cơ sở. Dòng họ Lù ở xã Thàng Tín và họ Hoàng ở xã Tân Tiến đã trở thành những điển hình trong việc xây dựng cộng đồng tự quản hiệu quả.

“Dòng họ Lù tự quản ANTT” ở thôn Ngài Trồ Thượng, xã Thàng Tín được thành lập từ tháng 7.2024. Bằng truyền thống của dòng họ, đã giáo dục, động viên con cháu gương mẫu chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Hiện dòng họ Lù không có người mắc tệ nạn xã hội (TNXH), không tranh chấp đất đai, mâu thuẫn, trộm cắp vặt, uống rượu say gây rối trật tự công cộng. Nhiều con em trong dòng họ đã thành đạt ở các nơi và đang ra sức thi đua phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình. Theo định kỳ 2 năm một lần, dòng họ Lù sẽ mở hội lớn, tập trung đông đủ con cháu, mời đại diện lãnh đạo địa phương và một số dòng họ khác trong thôn, xã để xin ý kiến chỉ đạo và trao đổi các kinh nghiệm về hoạt động giáo dục con em, khuyến học, phát triển kinh tế. Qua đó, dòng họ Lù đã động viên con cháu thi đua học tập, lập thân, lập nghiệp và tham gia tự quản về ANTT.

Các cấp, ngành địa phương phối hợp tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Các cấp, ngành, địa phương phối hợp tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Anh Lù Tiến Chỉ, Trưởng thôn, cũng là Trưởng dòng họ Lù cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở các thành viên trong dòng họ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tránh xa các TNXH, không nghiện ma túy, không chơi cờ bạc; không bạo lực gia đình; không tảo hôn, không khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản. Nếu qua theo dõi phát hiện thấy các con, cháu trong dòng họ có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đều đưa ra trước bà con nội tộc kiểm điểm và yêu cầu sửa chữa ngay”.

Tại thôn Bản Qua 2, xã Tân Tiến, dòng họ Hoàng của người Tày cũng được thành lập vào tháng 7.2024 với 35 hộ tham gia. Từ khi thành lập, các thành viên đều tham gia ký cam kết và chấp hành theo quy chế của dòng họ đề ra. Qua gần nửa năm thực hiện mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”, các thành viên trong dòng họ Hoàng nói chung và nhân dân trong thôn, xã nói riêng đã có ý thức về công tác giữ gìn ANTT, nâng cao tinh thần tự quản, cảnh giác, phòng, chống tội phạm và TNXH. Các gia đình đều quan tâm, giáo dục con em của mình tránh xa các TNXH, giữ gìn đạo đức và truyền thống của gia đình, dòng họ; động viên con cháu tích cực học tập, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nên đời sống kinh tế của từng gia đình trong dòng họ có nhiều khởi sắc. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được Hội đồng gia tộc kêu gọi các thành viên trong họ quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, dòng họ Hoàng đã giảm được nhiều hộ nghèo. Các gia đình tham gia ngày càng sôi nổi các phong trào của địa phương.

Trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện có 7 mô hình dòng họ tự quản về ANTT, thông qua các buổi họp mặt, lễ hội dòng họ, các giá trị truyền thống và ý thức tuân thủ pháp luật có thể được lan tỏa hiệu quả hơn. Các dòng họ duy trì kênh liên lạc thường xuyên với Công an và chính quyền địa phương để kịp thời chia sẻ thông tin, giải quyết các vấn đề ANTT. Việc ký các cam kết chung về tự quản cũng là một cách tăng cường trách nhiệm của mỗi bên. Bên cạnh đó, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện kinh tế trong dòng họ để duy trì các hoạt động tuyên truyền và giáo dục; sử dụng các nhóm Zalo, Facebook hoặc các ứng dụng liên lạc để thông báo và điều phối các hoạt động tự quản. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính hiệu quả trong quản lý.

Mô hình các dòng họ tự quản về ANTT không chỉ giúp bảo đảm trật tự tại cộng đồng mà còn phát huy được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và lòng tự hào dòng họ. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên, mô hình dòng họ tự quản sẽ trở thành một điểm sáng trong công tác xây dựng cộng đồng an toàn, vững mạnh và văn minh.

Bài, ảnh: NGUYỄN YẾM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát động hưởng ứng chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”
BHG - Chiều 10.12, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ phát động hưởng ứng chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”.
10/12/2024
Chập điện làm cháy rụi ngôi nhà sàn của 3 mẹ con ở Nà Chì
BHG - Thông tin từ UBND xã Nà Chì (Xín Mần), vào khoảng 18 giờ ngày 9.12 đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến ngôi nhà sàn 4 gian của gia đình chị Hoàng Thị Trực (sinh năm 1998) thôn Nậm Sái, xã Nà Chì bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do chập điện trong nhà.
10/12/2024
Chuyển biến tích cực việc tổ chức tang lễ ở Má Lé
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy), thời gian qua, xã Má Lé (Đồng Văn) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó chuyển biến rõ nét nhất là việc tổ chức tang lễ.
10/12/2024
Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ hồng EVN lần X
BHG - Trong không khí sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Ðiện lực Việt Nam (21.12.1954 – 21.12.2024); hưởng ứng Tháng tri ân khách hàng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Ðồng hành cùng khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả” và chương trình hiến máu nhân đạo Tuần lễ hồng EVN lần thứ X từ 2.12-8.12.2024, Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (VNPD) đã tổ chức cho các CBCNV tham gia hiến máu tình nguyện.
10/12/2024