Tổ vận động xóa bỏ hủ tục “chìa khóa” mở cửa lòng dân: Kỳ II: Sợi dây gắn kết “ý Đảng - lòng dân”
BHG - Dù nhiều giải pháp đã được triển khai để xóa bỏ hủ tục ở huyện Mèo Vạc, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Tuy nhiên, từ khi Tổ vận động xóa bỏ hủ tục ra đời, giúp đưa Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh vào thực tiễn, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, mở ra hy vọng cho một tương lai đổi thay.
Đảng chỉ đường, dẫn lối
Từ năm 2019, BTV Huyện ủy Mèo Vạc ban hành Đề án số 13 về cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Năm 2021, UBND huyện ban hành Đề án số 03 về phát huy vai trò của lực lượng Công an xã trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và tiếp công dân trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025. Hai đề án được triển khai nhưng chưa thể giải quyết triệt để hủ tục mà chỉ làm giảm thiểu tình trạng giết mổ nhiều gia súc, phần lễ trong đám tang được rút bớt thời gian; một số hộ dân theo tà đạo quay về phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.
Tổ vận động xóa bỏ hủ tục xã Pải Lủng (Mèo Vạc) tuyên truyền cho người dân. |
Trong khi “loay hoay” tìm giải pháp cho bài toán bài trừ hủ tục, Nghị quyết số 27, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về “xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang” ra đời được Mèo Vạc coi như “điểm tựa”. Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Phạm Văn Tú cho biết: “BTV Huyện ủy xác định thực hiện Nghị quyết số 27 phải gắn với thực trạng tại địa phương. Do đó, Ban chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ các phần việc phải tiến hành, chỉ tiêu hàng năm phải thực hiện. Để tuyên truyền, vận động thực hiện, huyện xác định phải là những người đảng viên tiêu biểu và phát huy vai trò của các dòng họ, những người có uy tín trên địa bàn; thành lập Tổ vận động xóa bỏ hủ tục làm “sợi dây” gắn kết giữa Đảng với dân”.
Với tinh thần Nghị quyết 27, để có thể lay chuyển nhận thức đồng bào Mông và gắn kết “ý Đảng - lòng dân”, Mèo Vạc xác định tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước và không để ai đứng ngoài cuộc. Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy xây dựng định hướng nội dung tuyên truyền từng tháng; chỉ đạo các chi, đảng bộ quán triệt, triển khai trong sinh hoạt chi bộ và qua các hội nghị báo cáo viên; Liên đoàn Lao động huyện triển khai cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ký cam kết thực hiện. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Tổ vận động xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh ở các thôn, tổ dân phố để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong đó, Tổ trưởng phải là Bí thư chi bộ, các thành viên khác gồm tổ dân vận, cán bộ xã, công an xã, thầy cô giáo, người có uy tín, trưởng các dòng họ…
Theo chân lãnh đạo xã vào thôn Sủng Cáng, là thôn khó khăn nhất của xã Sủng Trà (Mèo Vạc) mới thấy rõ sự khó khăn, vất vả của đồng bào Mông nơi đây. Trước đây do đói, nghèo, nhận thức hạn chế nên tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, làm đám ma dài ngày là chuyện dễ thấy ở đây. Điều đáng nói, mặc dù thôn Sủng Cáng đã linh hoạt lồng ghép tuyên truyền bài trừ hủ tục vào mỗi buổi họp thôn, họp chi bộ, nhưng nội dung chưa thấm đến người dân.
Nhận thấy thực trạng đó, Bí thư chi bộ thôn Sủng Cáng, Lầu Chứ Tủa khi được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ vận động xóa bỏ hủ tục đã tự bỏ tiền ra mổ gà, mời rượu các trưởng dòng họ, thầy cúng, thầy khèn, người có uy tín trong thôn để bàn bạc thực hiện xóa bỏ hủ tục. Anh Tủa tâm sự: “Mình là đảng viên không làm trước thì không ai theo; mà cứ nói suông, nói ào ào chỗ đông người thì cũng chẳng ai làm; nhưng mà uống với nhau chén rượu, ăn với nhau miếng thịt lại dễ nói chuyện với bà con hơn. Mình thuyết phục được những người có tiếng nói để đông đảo người dân làm theo”.
Không chỉ riêng thôn Sủng Cáng, 199 thôn, bản, tổ dân phố ở Mèo Vạc đều có Tổ vận động xóa bỏ hủ tục, trong đó mỗi xã có 2 tổ làm mẫu điển hình. Nhiệm vụ của Tổ vận động tập trung vào rà soát, nắm tình hình các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, nếp sống chưa văn minh còn tồn tại trên địa bàn; xác định các nhiệm vụ trọng tâm và trực tiếp tuyên truyền, vận động; báo cáo đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn chỉ đạo kịp thời khi trên địa bàn có những vấn đề đột xuất; rà soát đưa các nội dung xóa bỏ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh vào trong quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố.
Đảng viên đi trước nêu gương
Cán bộ cấp uỷ xã Pả Vi đến tuyên truyền xoá bỏ hủ tủc cho nhân dân thôn Pả Vi Thượng. |
Để nâng cao vai trò của các Tổ vận động, BTV Huyện ủy Mèo Vạc đã tổ chức cuộc thi “dân vận khéo” trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện. Ngoài tìm hiểu kiến thức về xóa bỏ hủ tục trong các văn bản, huyện chú trọng thi xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn, thi tiểu phẩm để nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền, phát huy sáng tạo trong thực hiện xóa bỏ hủ tục cho Tổ vận động.
Mặt khác, tạo sự thống nhất “trên dưới đồng lòng”, BTV Huyện ủy gặp mặt 320 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông trên địa bàn huyện nhằm quán triệt tinh thần của tỉnh, huyện về thực hiện xóa bỏ hủ tục; trao đổi, lấy ý kiến vào dự thảo quy trình cải tiến trong đám tang của dân tộc Mông. Vận động cán bộ, đảng viên người Mông nêu gương, đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, nhất là trong đám tang. Mời các cán bộ, lãnh đạo của tỉnh và Trung ương là người dân tộc Mông đến trao đổi, truyền nhiệt huyết cho các cán bộ trên địa bàn.
Với quan điểm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và thực hiện “nói đi đôi với làm”, Ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục huyện đưa ra chỉ tiêu 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp xã trở lên đi đầu trong vệ sinh môi trường. Đồng thời, giao cho Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với đảng ủy các xã, thị trấn có cán bộ chủ chốt từ cấp xã đang sinh sống và sinh hoạt tại tổ Đảng 213 trên địa bàn để theo dõi, giám sát.
Ông Vương Minh Tuấn, đảng viên Chi bộ thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi là một trong những người tiên phong xóa bỏ hủ tục trong số hơn 20 hộ với 90 nhân khẩu của dòng họ Vương. Giữa năm 2024, khi trong dòng họ có người chết, ông đã cùng với một số anh em tuyên truyền để mọi người nhất trí không mổ nhiều gia súc mà đổi thành phúng viếng bằng tiền để dần bỏ đi món “nợ đồng lần”. Ông Tuấn tâm sự: “Mình là người Mông lại là đảng viên nên mình phải làm trước, mình làm được rồi thì sau đó mọi người có thể làm theo. Tôi cũng tuyên truyền để mọi người biết cách chăn nuôi phát triển kinh tế. Cuộc sống tốt hơn thì bỏ các thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang cũng dễ hơn”.
Công an xã là một trong những lực lượng nòng cốt của Tổ vận động, thực hiện vận động các dòng họ đảm bảo an ninh trật tự và xóa bỏ hủ tục. Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Công an xã Pải Lủng chia sẻ: “Công an xã xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối đưa pháp luật vào đời sống, đảm bảo an ninh, trật tự, nhằm tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về nhận thức, ý thức và hành động trong việc tuân thủ pháp luật của quần chúng nhân dân tại cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết”.
Từ việc tham gia cùng Tổ vận động xóa bỏ hủ tục, lực lượng Công an huyện đã đưa khoảng 500 khẩu theo tà đạo quay về phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Xây dựng các mô hình điểm tại xã Sủng Trà, Tả Lủng, Lũng Chinh, Thượng Phùng, Niêm Tòng về “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự, dòng họ an toàn, đoàn kết, văn hóa gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”; “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự và không theo học đạo trái pháp luật”... Xây dựng mô hình dòng họ Ly ở xã Pả Vi và dòng họ Chứ ở xã Sủng Trà thực hiện đưa người chết vào áo quan.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27, huyện Mèo Vạc nhận diện rõ khó khăn để đưa ra các giải pháp phù hợp thực tiễn; trong đó, lấy Tổ vận động làm “mũi tiến công” và huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng nhằm khép chặt “thế trận” xóa bỏ hủ tục.
-----------------
Kỳ cuối: Khi lòng dân đồng thuận
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc