Tổ vận động xóa bỏ hủ tục “chìa khóa” mở cửa lòng dân: Kỳ 1:  Hủ tục “trói” dân nghèo

07:53, 28/12/2024

BHG - Những hủ tục đã “bám rễ”, trong đời sống của đồng bào Mông ở Mèo Vạc, kéo theo đói nghèo dai dẳng. Từ khi Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, Tổ vận động xóa bỏ hủ tục của địa phương phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, là “chìa khóa” giúp mở cửa lòng dân.

Kỳ 1:  Hủ tục “trói” dân nghèo

Nhắc đến địa phương khó khăn bậc nhất Hà Giang phải kể đến miền đá biên cương Mèo Vạc, nơi có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở với 17 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán mang nét độc đáo, đặc sắc, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 75%. Những hủ tục trong đời sống hàng ngày ĐANG “trói buộc” người dân vào cái nghèo.

Những hủ tục “bám rễ”

Trình diễn dệt vải lanh của đồng bào Mông ở thị trấn Mèo Vạc.
Trình diễn dệt vải lanh của đồng bào Mông ở thị trấn Mèo Vạc.

Bên cạnh những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, hiện nay trên địa bàn huyện Mèo Vạc, đồng bào Mông vẫn tồn tại tình trạng: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh nhiều con; chuồng trại gần nhà ở; đặc biệt là tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, chưa cho người chết vào áo quan… Hệ lụy của những hủ tục khiến trẻ em đi học chưa đầy đủ; người dân không đưa người ốm đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh; chuồng trại chăn nuôi gia súc chưa vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường sống; một số hộ dân theo tà đạo trái phép; kiến trúc nhà truyền thống, trang phục và nhiều nét văn hóa tốt đẹp dần bị mai một.

Ngay tại tổ 1, thị trấn Mèo Vạc, những ngày cuối năm 2024, gia đình ông Vừ Mí Chơ vẫn làm đám tang cho mẹ theo phong tục truyền thống. Chuyện mổ nhiều bò, lợn, làm đám tang dài ngày; không cho người chết vào áo quan trước khi tổ chức lễ tang mà đặt trên cáng gỗ treo xác giữa nhà; tục bón cơm cho người chết vẫn tái diễn. Theo phong tục, anh em họ hàng ngoài số gia súc mang trả lễ còn dắt theo bò để giúp cho gia chủ. Người Mông quan niệm, gia súc mang đến giúp phải được làm lễ và giết thịt nên đám tang của mẹ ông Vừ Mí Chơ mổ tới gần 10 con bò và nhiều con lợn. Dù kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng vì trả món “nợ đồng lần” nên chỉ sau đám tang, cuộc sống gia đình ông Chơ rơi vào túng quẫn, chuồng trại cũng nhẵn bóng gia súc. Bên cạnh đó, do không cho người chết vào áo quan nên khi làm ma nhiều ngày gây ảnh hưởng đến môi trường. Dù người dân ở thị trấn Mèo Vạc đã có điều kiện tiếp cận thông tin, mức sống và nhận thức cơ bản được nâng lên mà vẫn chưa thể “gỡ” hủ tục ra khỏi tư duy.

Trong đời sống đồng bào Mông, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không phải là chuyện hiếm thấy. Thay vì đang cùng bạn bè đồng trang lứa theo đuổi con đường học tập thì Sùng Thị Say, thôn Bản Chuối, xã Xín Cái (Mèo Vạc) đã là mẹ của hai con nhỏ. Ở cái tuổi thiếu nữ 16 trăng tròn, nhưng trông Say già nua khi ngày ngày phải miệt mài trồng ngô trên nương, chịu cảnh bữa đói, bữa no lo cho gia đình. “Lời ru buồn” dai dẳng khi chồng Say cũng chỉ hơn Say hai tuổi và lại là con của... bác ruột. Do hôn nhân cận huyết thống nên hai đứa trẻ sinh ra còi cọc, ốm đau khiến tình cảnh gia đình ngày càng sa sút. Say nghẹn ngào tâm sự: “Bố mẹ bảo lấy thì cứ lấy thôi, lúc đó em chẳng biết gì. Lấy về thì ở với nhau rồi đẻ con, con bị ốm thì làm lễ cúng chứ không đưa đi khám bệnh”.

Không chỉ xã biên giới Xín Cái, nhiều địa phương khác ở Mèo Vạc, trong gia đình đồng bào dân tộc Mông, việc coi trọng con trai dẫn đến sinh đông con, mất cân bằng giới tính, đời sống rơi vào cảnh khốn khó không phải chuyện hiếm thấy. Giữa những ngày Đông giá, trong căn nhà nhỏ nép mình phía chân núi ở thôn Phìn Lò, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) của gia đình chị Giàng Thị Xua, đứa con gái út mới chập chững biết đi đang chơi trước cửa, mặt lấm lem bùn đất, hai chân run lên bần bật vì rét. Đáng nói, cháu bé là con thứ 5 trong nhà, trước cháu là 4 chị gái, mỗi đứa cách nhau chưa đầy 2 tuổi. Năm nay mới ở tuổi 31 nhưng chị Xua nhìn như ngoài 50 tuổi.

Cuộc sống của đồng bào Mông chủ yếu trông chờ vào cây ngô. Do nhà đông con, cây ngô phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên có vụ được, vụ mất khiến cuộc sống gia đình chị Xua bao năm nay vẫn sống trong túng quẫn. Cả 5 đứa con nhà chị Xua đều bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; việc học hành lúc có, lúc không; chủ yếu trông chờ vào trợ giúp của nhà nước. Khi hỏi về lý do sinh đông con, chị Xua chỉ cười gượng: “Ở đây phụ nữ đều lấy chồng sớm và đẻ con trai gần như là nghĩa vụ bắt buộc. Biết đẻ nhiều sẽ khổ nhưng việc phải có con trai để nối dõi đã đè nặng cuộc sống bao thế hệ người dân nơi đây”.

“Liều thuốc độc” từ hủ tục

Trưởng dòng họ Sùng thôn Sùng Lủ xã  Lũng Chinh huyện Mèo Vạc tuyên truyền xoá bỏ hủ tục cho các thành viên trong dòng họ.
Trưởng dòng họ Sùng thôn Sùng Lủ xã Lũng Chinh huyện Mèo Vạc tuyên truyền xoá bỏ hủ tục cho các thành viên trong dòng họ.

Tục “kéo vợ” là một trong những phong tục độc đáo, riêng có của người Mông, đôi trai gái người Mông qua trò chuyện, tìm hiểu đã có tình cảm với nhau, chàng trai sẽ cùng với bạn bè giả vờ “kéo” bạn gái về nhà. Phong tục “kéo vợ” cho thấy tính nhân văn, trở thành cầu nối tình yêu của đôi trai gái khi đảm bảo điều kiện cả hai yêu nhau thật lòng, hôn nhân trên cơ sở tự nguyện và đôi lứa bắt buộc phải đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trước sự tác động của các luồng văn hóa, một số thanh, thiếu niên dân tộc Mông có nhận thức sai lệch, dẫn đến xảy ra những hành động không đúng chuẩn mực. Sự việc diễn ra đầu năm 2022 tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc), lợi dụng tục “kéo vợ”, G.M.C khi ấy mới 16 tuổi, trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) cố tình lôi kéo một cô gái trẻ “bắt” về làm vợ. Mặc cho cô gái ra sức khóc lóc, van xin, G.M.C vẫn quyết “bắt” về nhà. Chỉ đến khi cán bộ Công an xã Pả Vi có mặt tại hiện trường để ngăn chặn, việc làm này mới dừng lại. Nếu như trường hợp của G.M.C không được ngăn chặn kịp thời, gia đình cô gái khởi kiện thì theo Bộ Luật hình sự 2015, người thực hiện hành vi “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể phạt tù 12 năm, tùy vào hành vi vi phạm. Hay những trường hợp tảo hôn khi trẻ em gái dưới 16 tuổi dễ trở thành hành vi giao cấu với trẻ em (từ 13 đến dưới 16 tuổi), có thể bị phạt tù từ 1 – 5 năm, thậm chí 15 năm.

Hay như tục “vỗ mông” đã gắn liền với bà con người Mông ở Mèo Vạc từ bao đời nay trong mỗi dịp hội Xuân, người con trai đã tìm hiểu và chọn người mình thích từ trước, đến ngày hội mới tìm cách để tỏ tình. Vì thế, “vỗ mông” chỉ mang tính biểu trưng như một lời tỏ tình độc đáo. Thế nhưng, hiện nay không ít bạn trẻ ở Mèo Vạc lợi dụng để sàm sỡ, quấy rối. Từ những phong tục bị biến tướng đến các hủ tục len lỏi trong đời sống đồng bào Mông ở Mèo Vạc như lá ngón độc khiến cuộc sống người dân rơi vào nhiều bi thương, éo le không lường trước.

Đói nghèo, thiếu hiểu biết, cả tin, bị kẻ xấu lợi dụng nên nhiều hộ dân người Mông ở Mèo Vạc bị lôi kéo theo tà đạo “San sư khẻ tọ”. Xã Lũng Chinh được mệnh danh là vùng “đá khát” khi nơi đây diện tích chủ yếu là núi đá khiến cuộc sống người dân luẩn quẩn trong đói, nghèo. Toàn xã có 7 thôn, 866 hộ nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 70% và đồng bào Mông chiếm gần 90% dân số toàn xã. Cuộc sống khó khăn nên trong xã có 55 hộ, 279 nhân khẩu đi theo tà đạo “San sư khẻ tọ” và bỏ phong tục thờ cúng tổ tiên.

Theo chân cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mèo Vạc, chúng tôi tới gia đình ông Vàng Chá Pó, ở xã Lũng Chinh. Ông được coi là người đầu tiên và là trưởng nhóm theo tà đạo “San sư khẻ tọ” của xã. Theo phong tục người Mông, trưởng dòng họ là người có tiếng nói và ra quyết định khi các hộ trong dòng họ có việc. Vì thế, do vừa là trưởng dòng họ vừa là thầy cúng nên khi thấy ông theo tà đạo, nhiều người trong dòng họ Vàng ở thôn và các xã giáp ranh như Sủng Trà (Mèo Vạc), Lũng Phìn (Đồng Văn) cũng tham gia theo ông. Từ khi theo tà đạo, cuộc sống đã khó lại càng khổ, ông Pó tâm sự: “Lúc đi theo tà đạo, người mình cứ mê muội, cả ngày chỉ ngồi nghe cầu nguyện, lúc ốm đau không đi khám bệnh mà giết mổ nhiều gia súc để cúng; không lo tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế nên gia đình đói, nghèo; có năm đến lúc giáp hạt phải lo từng bữa”.

Trước thực trạng đó, để cắt bỏ “hàng rào thép gai” mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, Mèo Vạc triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, coi tuyên truyền, vận động làm nhiệm vụ trọng tâm, đi trước và lấy Tổ vận động xóa bỏ hủ tục là “sợi dây” gắn kết ý Đảng với lòng dân, kéo bật phong tục, tập quán lạc hậu “bám rễ” để lay chuyển nhận thức đồng bào Mông.

--------------

Kỳ II: Sợi dây gắn kết “ý Đảng - lòng dân”

Bài, ảnh:  KIM TIẾN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những chứng chỉ được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông
Thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ thuộc danh sách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
28/12/2024
Công an thành phố Thủ Đức trao tặng 750 triệu đồng tại huyện Đồng Văn
BHG - Ngày 26.12, Công an thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã có chuyến công tác và trao tặng tổng số tiền 750 triệu đồng cho huyện Đồng Văn.
27/12/2024
Yên Minh ra mắt 18 câu lạc bộ Thanh niên nói không với tảo hôn
BHG - Cùng với hệ thống chính trị trong xóa bỏ hủ tục, các cấp bộ đoàn huyện Yên Minh đã tích cực vào cuộc với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Nổi bật, năm 2024 đã ra mắt 18 câu lạc bộ (CLB) Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết, sinh con thứ 3.
27/12/2024
Đảm bảo an toàn cháy, nổ dịp cuối năm
BHG - Cuối năm là thời điểm gia tăng nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhà ở kết hợp, với lượng lớn nguyên vật liệu và hàng hóa được lưu trữ chuẩn bị cho dịp Tết. Trước tình hình này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
27/12/2024