Tăng cường phòng, chống bệnh sởi
BHG - Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, người lớn chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi cũng có thể mắc bệnh. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay số ca mắc bệnh sởi điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gia tăng so với những năm trước. Trước tình hình các ca bệnh sởi, nghi sởi xuất hiện và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 10, khoa tiếp nhận và điều trị cho 600 ca có biểu hiện lâm sàng và đa số khi làm các xét nghiệm đều có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi, trong đó có 5 ca chuyển tuyến T.Ư do triệu chứng nặng. Hiện, Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho 125 ca có biểu hiện lâm sàng về sởi. Chị Vàng Thị Sùng, trú ở xã Thái An (Quản Bạ) cho biết: Con tôi tên là Ly Văn Giáo (6 tháng tuổi), tuần trước cháu có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, kết quả xét nghiệm xác định là bị sởi. Sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến nay sức khỏe cháu dần ổn định, nốt phát ban bắt đầu giảm.
Nhiều người có triệu chứng lâm sàng về sởi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Minh. |
Bác sỹ Nguyễn Thị Nhung, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin: Sởi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Dấu hiệu bệnh sởi thường thay đổi qua từng giai đoạn bệnh: Các triệu chứng thường bắt đầu sau 2 – 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với vi rút có biểu hiện sổ mũi, ho, mắt đỏ và các đốm trắng nhỏ ở niêm mạc miệng. Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh sẽ bị phát ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, trán, gáy, xuống cổ và lan dần xuống thân, cánh tay, chân và bàn chân. Những biến chứng của bệnh sởi vô cùng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm kết mạc có thể dẫn đến mù lòa, viêm não, tiêu chảy nặng, viêm phổi hoặc thậm chí tử vong. Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể gặp biến chứng thai kì nguy hiểm, em bé có thể bị sinh non hoặc nhẹ cân… Ngoài ra, bệnh sởi còn có một năng lực vô cùng nguy hiểm là “xóa trí nhớ miễn dịch”. Sởi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người. Thời gian qua, số ca mắc sởi, nghi sởi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm tăng đột biến, chủ yếu là trẻ em, nhiều trường hợp phải hỗ trợ thở máy.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Minh, từ đầu tháng 10 đến nay đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho 60 ca mắc bệnh sởi. Hiện có 6 bệnh nhân đang điều trị với các biểu hiện lâm sàng, đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Khoa Nội nhi (Bệnh viện Đức Minh) cho biết: Nếu như năm trước bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị 1 – 2 ca mắc bệnh sởi, thì năm nay số lượng ca bệnh đã tăng lên. Để thực hiện điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi, Bệnh viện Đức Minh đã bố trí một khu điều trị riêng biệt, chuẩn bị trang thiết bị và dung dịch sát khuẩn đầy đủ.
Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho trẻ mắc bệnh sởi. |
Biểu hiện ban đầu của bệnh sởi khá giống với các bệnh lý về hô hấp, cảm cúm thông thường, nên đa số người bệnh chủ quan. Hầu hết, các ca bệnh sởi khi nhập viện điều trị đều ở giai đoạn phát ban, thậm chí có nhiều ca bệnh đã biến chứng nặng vào phổi. Sởi thường bùng phát nhanh khi thời tiết mát mẻ, xuất hiện vào thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa Đông – Xuân. Năm trước, số lượng ca mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh ít, tuy nhiên năm nay số ca tăng lên cao và xuất hiện sớm vào thời điểm giao mùa Thu – Đông. Bệnh sởi xuất hiện chủ yếu ở trẻ em và người lớn chưa tiêm phòng sởi. Chị Phàn Xà X, trú tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên) sinh năm 1990 đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Bản thân tôi không ngờ là mình mắc sởi. Ban đầu, tôi bị sốt cao 38 – 39 độ C, mà dùng thuốc hạ sốt vẫn không khỏi.
Bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu, nên việc điều trị cho người bệnh chủ yếu căn cứ vào triệu chứng và biến chứng của bệnh. Sởi có thể lây qua đường hô hấp, khi tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi, họng của bệnh nhân. Bệnh có khả năng lây truyền vào thời điểm trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng sẽ rất nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm màng não, viêm não, viêm niêm mạc miệng, viêm mũi - họng bội nhiễm... Vì vậy để phòng, tránh bệnh sởi, trẻ em và cả người lớn cần tiêm đủ 2 liều vắc xin. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh đảm bảo nhà sạch, thông thoáng. Khi người bệnh có các dấu hiệu sốt cao liên tục, khó thở, thở nhanh, thở gấp, mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn, phát ban toàn thân nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ sốt… thì cần đưa đến bệnh viện để khám và điều trị.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc