Nâng cao quyền phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
BHG - Công tác phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng, được thể hiện nhất quán thông qua nhiều chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước. Tại huyện Yên Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, nổi bật là thực hiện hiệu quả Dự án 8.
Dự án 8 nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2023 tập trung vào thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em. Thông qua dự án triển khai các mô hình sinh kế bền vững, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cộng đồng; cải thiện tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội. Với sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng, dự án từng bước mang lại đổi thay rõ nét tại huyện biên giới Yên Minh. Là cơ quan Thường trực thực hiện Dự án 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tập trung cụ thể hóa các chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo tập trung thống nhất, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thắng Mố (ngoài cùng bên phải) trao đổi việc triển khai Dự án 8 với các chi hội trưởng. |
Đồng chí Phan Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Minh cho biết: Xác định công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức là giải pháp quan trọng thực hiện hiệu quả Dự án 8; thời gian qua các cấp hội tập trung thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ qua các kênh truyền thông địa phương, các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ địa phương, trưởng thôn, người có uy tín để họ làm gương trong xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới. Các cấp hội thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ truyền thông cộng đồng. Từ đầu năm đến nay đã tuyên truyền được trên 1.000 buổi, 5 hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả liên quan đến trẻ em, tảo hôn, kết hôn cận huyết. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai các nhiệm vụ và nâng cao kỹ năng quản lý, lập kế hoạch thực hiện dự án cho cán bộ hội.
Là địa phương biên giới, xã Thắng Mố hiện có trên 550 hội viên, phụ nữ, 100% là người dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội LHPN xã Chẩn Thị Mẩy cho biết: Thông qua triển khai các hoạt động Dự án 8, những định kiến, khuôn mẫu giới “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống đồng bào đã từng bước thay đổi, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hội cũng tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới kết hợp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại tình dục thông qua các hội thi, trong nhà trường và truyền thông nhóm nhỏ. Nhờ đó, trên địa bàn xã không xảy ra bạo lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em; tiếng nói của phụ nữ trong đời sống từng bước được khẳng định.
Lấy phụ nữ, trẻ em làm trung tâm, Dự án 8 tập trung triển khai các gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Năm 2024, các địa phương trên địa bàn huyện Yên Minh thực hiện 172 gói hỗ trợ chính sách cho phụ nữ sinh con với kinh phí trên 391 triệu đồng. Cùng với đó, các cấp Hội LHPN xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó, hỗ trợ hội viên, phụ nữ ứng dụng công nghệ trong sản xuất kết nối với thị trường tiêu thụ nông sản, bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Thành lập các Tổ hợp tác liên kết phát triển kinh tế tại các xã: Thắng Mố, Lao Và Chải, Sủng Thài, Ngam La, Lũng Hồ, tập trung phát triển nghề làm hương truyền thống, kỹ thuật dệt vải Lanh, may trang phục dân tộc Dao…
Đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển KT – XH, các cơ sở Hội LHPN tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân; tổ chức tập huấn hướng dẫn đối thoại chính sách cho cán bộ xã, thôn. Trẻ em người dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia vào 20 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là mô hình cốt lõi dành riêng cho trẻ em trong trường học và cộng đồng, tạo nơi sinh hoạt, trao đổi, trang bị kiến thức, kỹ năng sống để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại; giúp trẻ em có đủ năng lực, tự tin bày tỏ quan điểm.
Dự án 8 đã mang lại những hiệu quả thiết thực không chỉ cải thiện đời sống phụ nữ, trẻ em mà còn góp phần thay đổi diện mạo KT – XH tại huyện Yên Minh. Tuy nhiên, trước thực tế định kiến giới còn sâu sắc, khó khăn về địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn lực... gây ảnh hưởng đến chất lượng triển khai. Thời gian tới, huyện tiếp tục cụ thể hoá, triển khai dự án sát với thực tế; tăng cường phối hợp giữa các cấp Hội LHPN với các cơ quan liên quan nhằm quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, giải quyết vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc