Thầm lặng nghề lưu giữ những trang tài liệu lịch sử

09:41, 22/11/2024

BHG - Giữa hối hả cuộc sống hiện đại, có một nghề với những con người lặng lẽ, miệt mài lưu trữ, bảo quản các trang tài liệu của tỉnh. Sự âm thầm của 22 công chức, viên chức Chi cục Văn thư – Lưu trữ (VT-LT) tỉnh góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, khoa học và tri thức vô giá để lại cho hôm nay và mai sau.

Âm thầm nghề văn thư – lưu trữ

Một ngày đầu Đông, chúng tôi đến Chi cục VT-LT tỉnh, được các đồng chí lãnh đạo Chi cục chia sẻ về nghề mà không nhiều người biết đến. Sau cánh cửa các kho lưu trữ là những công chức, viên chức đang miệt mài, tỉ mỉ bên từng trang tài liệu đã cũ mờ theo thời gian. Anh Nguyễn Văn Phong, Chi cục phó cho biết, Chi cục có chức năng tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về công tác VT-LT trên địa bàn tỉnh và thu thập, bảo quản, tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh.

Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đang số hóa tài liệu lưu trữ để thuận tiện cho khai thác, sử dụng.
Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đang số hóa tài liệu lưu trữ để thuận tiện cho khai thác, sử dụng.

Công việc hàng ngày gắn với tài liệu tưởng nhẹ nhàng, nhưng trực tiếp chứng kiến tại Chi cục VT-LT tỉnh mới thấy khối lượng công việc đồ sộ. Được biết, nguồn thu thập tài liệu mới chuẩn lưu trữ của Chi cục VT-LT tỉnh với tổng số 349 cơ quan, gồm tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan ngành dọc cấp tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức hội đặc thù; ở cấp huyện là các phòng, ban và cơ quan ngành dọc cấp huyện. Mặc dù hiện nay lượng tài liệu tại Chi cục mới chỉ thu được từ 54 cơ quan, đơn vị, nhưng khối lượng tài liệu hiện có ở kho lưu trữ đã lên đến khoảng 700m giá tài liệu. Từ 1.7.2025, khi Luật Lưu trữ 2024 có hiệu lực, sẽ có thêm 193 HĐND, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện nộp tài liệu lịch sử lưu trữ. Do đó, khối lượng công việc và lượng tài liệu lưu trữ ngày càng khổng lồ.

Dẫn chúng tôi đi quan sát những công việc thầm lặng, Phó chi cục trưởng Nguyễn Văn Phong cho biết, khối lượng công việc nhiều và để đảm bảo chất lượng công việc, mỗi năm Chi cục chỉ chọn một số cơ quan để triển khai thu nộp tài liệu. Bởi, để thu nộp được tài liệu của mỗi cơ quan phải trải qua quy trình nhiều bước thẩm định tài liệu; phê duyệt thành phần tài liệu thuộc diện nộp lưu và cuối cùng là thực hiện giao, nhận tài liệu. Các công việc tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, phải kiểm đếm tỉ mỉ từng trang tài liệu, ghi lại chi tiết hiện trạng tài liệu khi nhận...

Nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của tài liệu lịch sử

Các công chức, viên chức Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh làm công việc lưu trữ, bảo quản các trang tài liệu.
Các công chức, viên chức Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh làm công việc lưu trữ, bảo quản các trang tài liệu.

Trong câu chuyện dài với lãnh đạo Chi cục VT-LT tỉnh, các đồng chí cho biết, mỗi công chức, viên chức nơi đây đều yêu nghề, nỗ lực lưu giữ những tư liệu lịch sử mà nếu mất đi không thể lấy lại. Nhưng mục đích quan trọng nhất của công việc VT-LT là phát huy được giá trị của tài liệu lưu trữ. Qua đó, Chi cục đang nỗ lực trở thành một địa chỉ quan trọng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận, khai thác tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển KT – XH, nghiên cứu khoa học…

Cùng với việc thu thập tài liệu lưu trữ từ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhiều năm qua Chi cục VT-LT tỉnh đã nỗ lực khai thác các tài liệu lịch sử vô cùng quý giá từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương  Đảng, từ các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên… Qua đó đến nay, tại Kho lưu trữ của tỉnh đã có những văn bản gốc cũ nhất được lưu trữ là từ năm 1945; các văn bản lưu trữ bắt đầu nhiều hơn từ khoảng năm 1948 trở đi. Tài liệu cũ nhất mà Chi cục khai thác được là “giấy khai sinh” tỉnh Hà Giang… Mới đây nhất là việc sưu tầm toàn bộ quá trình phòng, chống đại dịch Covid-19 của tỉnh. Đây là một công trình được Cục Lưu trữ Nhà nước đánh giá rất cao, là cách làm hay để các tỉnh, thành học tập.

Phát huy vai trò, chức năng của công tác VT-LT, những năm qua Chi cục luôn năng động tham mưu, triển khai nhiều hoạt động sưu tầm tài liệu liên quan đến các nội dung, chủ đề như: Công trình mở đường Hạnh Phúc; Hà Giang qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; thực hiện đề tài khoa học biên soạn cuốn Lịch sử UBND tỉnh Hà Giang, giai đoạn 1945 – 2020; hệ thống tài liệu về quá trình phát triển của tỉnh.

Theo lãnh đạo Chi cục cho biết, với nỗ lực chuyển đổi số, đơn vị đang thực hiện số hóa tài liệu lưu trữ để thuận tiện cho khai thác, sử dụng. Trong điều kiện chưa có kho bảo quản chuyên dụng theo tiêu chuẩn, việc số hóa tài liệu rất cần thiết. Bên cạnh thuận lợi, Chi cục còn một số khó khăn như để thực hiện nhiệm vụ thẩm định tài liệu hết giá trị, thẩm định tài liệu để nộp vào Lưu trữ tỉnh của 349 cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện  các công chức, viên chức thường xuyên phải đi công tác ở huyện. Trong khi Chi cục không có xe ô tô phục vụ công tác nên mỗi lần đi cơ sở luôn gặp khó khăn. Trình độ tin học của cán bộ cũng còn hạn chế là một khó khăn cho việc tiếp cận công tác lưu trữ điện tử…

Dù còn gặp khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, nhưng với nỗ lực và quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ dạy liên quan đến lĩnh vực lưu trữ, đó là “Tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”, Chi cục đã và đang thực hiện tốt công tác thu thập, lưu trữ nguồn tư liệu lịch sử của tỉnh; khẳng định vai trò là nơi lưu trữ tài sản vô giá.

Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cô giáo Phí Thị Hà Thu “Gieo mầm xanh” trên mảnh đất Xín Chải
BHG - Tháng 11 là dịp để các em học sinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy, cô giáo - những người lái đò thầm lặng, đã và đang dìu dắt bao thế hệ học trò. Tại Trường PTDTBT TH&THCS Xín Chải (Vị Xuyên) có một cô giáo đang ngày đêm cống hiến, luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện, đi đầu trong mọi hoạt động, được đồng nghiệp, học sinh tin yêu, quý mến - đó chính là cô giáo Phí Thị Hà Thu.
22/11/2024
Nỗ lực đưa điện về các thôn vùng cao
BHG - Là tỉnh miền núi, biên giới có điều kiện địa hình phức tạp, dân cư sống thưa thớt nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đưa điện về các thôn vùng cao. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, những nỗ lực của chính quyền các địa phương và ngành Điện, tỉnh ta dần hiện thực hoá mục tiêu tất cả thôn vùng cao có điện.
21/11/2024
Hơn 71% người hưởng chính sách an sinh xã hội nhận chi trả qua tài khoản
BHG - Tính đến tháng 11.2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 53.200 đối tượng thuộc diện hưởng chế độ an sinh xã hội, trong đó số đối tượng đã được cấp tài khoản gần 40.000 người, đạt hơn 71%, tăng 2,1% so với tháng 10.2024, trong đó 100% số đối tượng có tài khoản đều có nhu cầu nhận chi trả qua tài khoản.
21/11/2024
Ánh sáng soi đường cho vùng đồng bào thiểu số Hà Giang phát triển: Kỳ cuối: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua
BHG - Có thể nói, những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp người dân có động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo niềm tin vững chắc cho đồng bào tự hào khi có Đảng. Những quyết sách đó mang mục tiêu cao cả, đó là, mong muốn đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
20/11/2024