“Phao cứu sinh” của trẻ mất nguồn nuôi dưỡng: Kỳ 2: Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý

15:57, 20/11/2024

BHG - Xuất phát từ phong tục, tập quán, đặc điểm vùng dân tộc thiểu số và biên giới nên mỗi năm tỉnh ta có hàng trăm trẻ mồ côi bố hoặc mẹ, người còn lại bỏ đi khỏi địa phương. Mất nguồn nuôi dưỡng từ cha mẹ, trong khi họ hàng thân thích cơ bản thuộc diện nghèo nên đời sống của trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ăn chưa đủ no nên hầu hết các gia đình không thể hoàn tất giấy tờ và nộp phí để cơ quan chức năng tuyên bố mất tích làm cơ sở giải quyết chế độ trợ giúp xã hội.

Đưa cuộc sống vào nghị quyết

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 556 trường hợp trẻ em rơi vào cảnh mất nguồn nuôi dưỡng. Trong đó, từ năm 2021 đến tháng 4.2023, có 295 trẻ thuộc 187 gia đình mồ côi bố hoặc mẹ, người còn lại bỏ đi khỏi địa phương (từ 24 tháng trở lên). Điều này đồng nghĩa với việc 187 người phải thực hiện tuyên bố mất tích theo quy định.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết bằng máy tính bảng thông qua Nghị quyết 17 HĐND tỉnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết bằng máy tính bảng thông qua Nghị quyết 17 HĐND tỉnh.

Đồng chí Phan Ngọc Thắng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 20, ngày 15.3.2021 của Chính phủ nêu rất rõ 11 điều kiện để trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng được hưởng trợ giúp xã hội, trong đó có điều kiện: “Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng khi mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật”. Như vậy, chỉ khi Tòa án Nhân dân cấp huyện tuyên bố bố hoặc mẹ mất tích thì trẻ mới được hưởng trợ cấp xã hội. Mặt khác, thủ tục tuyên bố mất tích theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự yêu cầu: “Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu”.

Xuất phát từ yêu cầu về thể chế đặt ra, việc tuyên bố một người mất tích ngoài đảm bảo các điều kiện cần thiết còn phát sinh về kinh phí. Điều đáng nói, hầu hết số trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu để các em tự chi trả kinh phí và hoàn thiện thủ tục theo quy định là việc bất khả thi. Điều này khiến trẻ không được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định 20, tiếp đến là Nghị định 76, ngày 1.7.2024 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hệ lụy có thể khiến trẻ dễ bị xâm hại, dụ dỗ, thậm chí trở thành nạn nhân bị mua bán qua biên giới…

Từ thực tiễn trên, để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, góp phần bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo vệ trẻ em yếu thế; ngày 19.7.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06, Nghị quyết 17, ngày 15.7.2023 về hỗ trợ kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 17). Giám đốc Sở Tư pháp Trương Huy Huân cho biết: Nếu Nghị quyết 06 giới hạn giai đoạn thực hiện trong 2 năm 2019 – 2020 thì Nghị quyết 17 không giới hạn về thời gian. Đây là sự đổi mới trong việc ban hành chính sách của HĐND tỉnh nhằm đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, năm 2020 khi Nghị quyết 06 hết hiệu lực thi hành thì giai đoạn 2021 – 2022 (trước khi Nghị quyết 17 ra đời), trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh trường hợp trẻ mất nguồn nuôi dưỡng nhưng không có chính sách nào có thể áp dụng để trợ giúp các trường hợp này. Như vậy, Nghị quyết 17 không giới hạn giai đoạn thực hiện đã khắc phục triệt để tình trạng chờ chính sách ra đời mới có thể vận dụng vào thực tiễn; nghĩa là chỉ cần xuất hiện đối tượng áp dụng là sẵn có hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện ngay.

Chỉ vỏn vẹn hơn 800 chữ, trình bày trên một mặt giấy A4 nhưng Nghị quyết 06 và 17 của HĐND tỉnh ra đời không chỉ đáp ứng các yêu cầu: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ nguồn lực, rõ hiệu quả mà còn kết tinh nhiều giá trị nhân văn cao quý, mở ra một chân trời mới tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn cho trẻ em yếu thế. Bởi, nghị quyết quy định cụ thể kinh phí hỗ trợ đăng thông báo, nhắn tin tìm người vắng mặt trên báo, đài của T.Ư và lệ phí tòa án. Đồng thời, yêu cầu ngành chức năng hoàn tất thủ tục, hồ sơ đề nghị tuyên bố người mất tích theo quy định của pháp luật, giúp trẻ thụ hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt

Trợ giúp viên pháp lý Lục Thùy Linh xác minh hồ sơ tại cơ sở.
Trợ giúp viên pháp lý Lục Thùy Linh xác minh hồ sơ tại cơ sở.

Để quyết sách của HĐND tỉnh sớm được thực thi, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt. Việc rà soát, xác minh, lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục cho trẻ em được thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa cơ quan liên quan như: Sở Tư pháp, Sở Lao động – TB&XH, chính quyền sở tại, Tòa án Nhân dân cấp huyện... Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, tổ chức hội đoàn thể chủ động phối hợp xác minh thông tin liên quan đến thân nhân của trẻ mất nguồn nuôi dưỡng tại địa bàn quản lý.

Mèo Vạc là một trong những huyện biên giới, khó khăn bậc nhất của Hà Giang và có số trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng nhiều nhất tỉnh với 94 trẻ/56 hộ (số liệu thống kê đến tháng 9.2024). Để xác minh, lập hồ sơ với từng đối tượng trẻ em, những trợ giúp viên pháp lý đã vượt núi, băng rừng để thực hiện sứ mệnh “Luật sư công” của trẻ em yếu thế.

Anh Hoàng Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) chia sẻ: Năm 2024, xã có 6 trẻ của 3 gia đình ở thôn Há Ía, Tìa Chí Dùa thuộc đối tượng xác minh để hỗ trợ hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội. Các trường hợp này đều được Trợ giúp viên pháp lý Bùi Hà (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) hướng dẫn thực hiện. Do địa bàn rộng, có trường hợp trẻ phải điều chỉnh, cải chính về hộ tịch, xác minh thông tin nhân thân, hoàn cảnh... khiến đồng chí Bùi Hà có đến 4 lần lặn lội quãng đường gần 200 km từ thành phố Hà Giang đến các thôn mới hoàn thiện được hồ sơ.

Trợ giúp viên pháp lý Lục Thùy Linh (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) cho biết: Có 11 loại giấy tờ, tài liệu cần thiết để nộp cho tòa án khi yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Do đó, việc xác minh tại cơ sở cần tỉ mỉ, chính xác, khách quan, khoa học. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thông tin không chính xác, sai lệch nên mất rất nhiều thời gian xác minh để hoàn thiện hồ sơ. Cá biệt, có trường hợp trẻ chưa được làm giấy khai sinh do mồ côi cha, mẹ bỏ đi biệt tích nên không có căn cứ lập hồ sơ. Thậm chí nhiều trường hợp sau khi hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Tòa án Nhân dân cấp huyện mở phiên tòa tuyên bố một người mất tích nhưng ngày mở phiên tòa người giám hộ không đến dự nên phiên tòa phải hoãn sang ngày khác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ. Một số trường hợp chỗ ở của trẻ không ổn định do người thân nuôi luân phiên nên cơ quan tố tụng không chấp nhận...

Mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trách nhiệm giữa các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở là nền tảng quan trọng để quyết sách của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống. Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Đồng Văn, Bùi Văn Đàm cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã mở 2 phiên tòa, tuyên bố 2 trường hợp ở thôn Sán Sỳ Tủng, xã Sà Phìn và thôn Vần Chải A, xã Vần Chải mất tích để 4 trẻ của 2 gia đình được hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật. Tòa án là nơi tuyên bố số phận một con người nên 2 phiên tòa trên để lại cho chúng tôi nhiều tình cảm xúc động cũng như trăn trở. Các em là trẻ dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn; tuổi đời còn quá nhỏ đã mất nguồn nuôi dưỡng; hoàn cảnh gia đình đều thuộc diện hộ nghèo của xã”.

Để tuyên bố một người mất tích, ngoài việc đảm bảo các điều kiện còn phát sinh về kinh phí, thủ tục, người thực hiện theo quy định. Trong đó, Điều 385 quy định công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú: “Trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của T.Ư trong 3 số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, UBND cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của T.Ư 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu”. Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Đồng Văn, Bùi Văn Đàm cho biết thêm: Để đăng tin 3 số liên tiếp tại các cơ quan báo chí T.Ư phát sinh kinh phí gần 3,8 triệu đồng, cộng với lệ phí Tòa án 300 nghìn đồng là hơn 4 triệu đồng/vụ việc. Số tiền này tuy không nhiều nhưng là cả tài sản lớn đối với trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng. Mặc dù muốn trợ giúp các em khoản kinh phí này nhưng Tòa án cũng không có cơ sở để thực hiện. Chỉ đến khi Nghị quyết 17 ra đời, các “nút thắt” mới được tháo gỡ”.

Có thể thấy, Nghị quyết 06 và 17 của HĐND tỉnh được ban hành đã mang lại hy vọng về cuộc sống mới tốt đẹp cho trẻ em yếu thế. Tuy nhiên, còn không ít trẻ em đang “mắt kẹt” giữa thực tiễn và hành lang pháp lý, để lại trăn trở trong việc tìm ra chính sách đặc thù.

-------------

Kỳ cuối: Thắp “lửa” yêu thương

Bài, ảnh:  NHÓM PV

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Phao cứu sinh” của trẻ mất nguồn nuôi dưỡng: Kỳ 1: Chơi vơi giữa… dòng đời
BHG - Mồ côi bố hoặc mẹ nhưng người còn lại bỏ đi khỏi nơi cư trú khiến gần 560 trẻ em bỗng chốc mất nguồn nuôi dưỡng, rơi vào cảnh khốn khó. Trước thực tế trên, quyết sách của HĐND tỉnh Hà Giang về hỗ trợ kinh phí giúp trẻ hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội ra đời được ví như “phao cứu sinh”, tiếp lực để trẻ vượt qua nghịch cảnh, bước tới tương lai sáng.
20/11/2024
Tình yêu và trách nhiệm
BHG - Mỗi thầy, cô giáo đến với nghề dạy học đều bắt đầu từ tình yêu như một lẽ tự nhiên. Đó là tình yêu với nghề, với trẻ, tình yêu được học tập, cống hiến. Tình yêu ấy lớn dần theo tháng năm, theo những “chuyến đò” thầm lặng và bước chân trưởng thành của học sinh.
20/11/2024
Thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
BHG - Hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982-2024), Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức phát động phong trào “Thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Qua đó, giúp học sinh phát huy truyền thống hiếu học, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng, biểu dương khen thưởng các nhân tố mới, gương “Người tốt, việc tốt” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, tạo động lực cho các thầy, cô giáo nỗ lực, cống hiến hết mình tiếp tục đưa thêm nhiều “chuyến đò sang sông”.
20/11/2024
Không ngừng chăm lo học sinh bán trú vùng cao
BHG - Xác định công tác quản lý và chăm sóc học sinh bán trú là một trong những nhiệm vụ quan trọng; ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường học chú trọng thực hiện tốt công tác này.
20/11/2024