Hạ Sơn thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
BHG - Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở thôn Hạ Sơn, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) được triển khai thực hiện sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân. Nhờ vậy bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Anh Long Đức Phô, Bí thư Chi bộ thôn Hạ Sơn cho biết: Cách trung tâm xã 2,5 km, thôn Hạ Sơn là nơi sinh sống của 134 hộ, với 630 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Tày, Kinh, La Chí, Nùng cùng sinh sống; trong đó dân tộc La Chí chiếm đa số; chi bộ có 29 đảng viên. Nhân dân các dân tộc trong thôn luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn đề ra. Để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã triển khai, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động.
Người dân Hạ Sơn tổ chức các trò chơi trong Ngày hội Đại đoàn kết. |
Xác định giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ban công tác Mặt trận thôn đã tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Bằng cách vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh tăng vụ, đưa các loại giống cho năng suất cao vào gieo trồng như lúa tẻ nương, nếp cái Lào Mu... năng suất bình quân ước đạt 60 tạ/ha. Hiện nay thôn có 10 mô hình phát triển kinh tế; tổng đàn gia súc, gia cầm là 6.500 con; nuôi thủy sản 5 ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm; có 34 hộ khá, 54 hộ trung bình, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo.
Anh Tô Văn Lê, người dân thôn Hạ Sơn chia sẻ: “Được chính quyền địa phương tuyên truyền về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, chúng tôi đã tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là cải tạo đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay gia đình tôi có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, có điều kiện để chăm lo cho các con học hành”.
Người dân thôn Hạ Sơn tìm hiểu văn hóa đặc sắc của dân tộc La Chí. |
Nhân dân trong thôn luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, thực hiện theo quy ước thôn văn hóa đề ra, giúp đỡ lẫn nhau khi các gia đình có công việc. 100% các hộ thực hiện nghiêm quy ước, hương ước về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Năm 2024, có 122 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các bậc học đạt 100%; trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ; Nhân dân có ý thức tự giác trong khám, chữa bệnh... Thôn duy trì hoạt động của đội văn nghệ quần chúng, đội bóng chuyền thường xuyên luyện tập nhằm phục vụ bà con trong các dịp lễ, tết. Nhờ đó, những giá trị truyền thống được lưu giữ và phát huy, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, người dân tích cực tham gia hoạt động vệ sinh môi trường, trong năm đã tham gia hơn 120 ngày công lao động tu sửa và làm đường nông thôn mới, làm được 340 m đường bê tông, phát dọn các tuyến đường trong thôn được 3,5 km. Thông qua các hoạt động tuyên truyền vận động, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan được nâng cao; bà con luôn quan tâm vệ sinh khuôn viên nhà cửa, vườn rau, thực hiện tốt cuộc vận động gia đình 5 không, 3 sạch do Hội Phụ nữ các cấp phát động. Kết quả có trên 85% gia đình có 3 công trình hợp vệ sinh đạt chuẩn; đường làng ngõ xóm được giữ gìn sạch đẹp.
Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là tiền đề giúp thôn Hạ Sơn ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc