Quản Bạ chủ động phòng, chống thiên tai
BHG - Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của khí hậu, công tác phòng, chống sạt lở đất được huyện Quản Bạ đặc biệt chú trọng, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Thời gian qua, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đề xuất phương án, chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; chủ động kiểm tra, rà soát những điểm xung yếu, nơi tiềm ẩn nguy cơ để lên phương án ứng phó. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 81 hộ tại các xã: Quyết Tiến, Tả Ván, Cao Mã Pờ, Nghĩa Thuận, Lùng Tám nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, nhiều công trình, hạ tầng giao thông bị thiệt hại nặng nề do thiên tai.
Xã Quyết Tiến cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở đất cho người dân biết. |
Xã Quyết Tiến có 2 thôn Khâu Bủng và Ngài Thầu Sảng nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất gồm: Khu vực điểm trường, hội trường thôn và nhà ở của 13 hộ dân. Qua kiểm tra thực tế, tại khu vực này đã xuất hiện hiện tượng sạt trượt, sụt lún và có nhiều vết nứt ngang trên mặt đất, nhiều vết ngang sườn đồi dài khoảng từ 50 – 700 m và chiều rộng từ 20 – 50 cm. Nguy cơ sạt trượt rất cao gây nguy hiểm cho một số hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.
Anh Lý Văn Pao, Trưởng thôn Khâu Bủng chia sẻ: “Toàn thôn có 90 hộ và 470 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông và Dao sinh sống. Trong thời gian vừa qua, tình hình mưa lớn kéo dài, một số nhà trong thôn có hiện tượng nứt nền, nứt tường. Khu vực điểm trường, hội trường thôn có hiện tượng nứt, lún sân. Gia đình tôi cũng là một trong những hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, tôi cảm thấy rất lo lắng. Sau trận mưa to từ tháng 8 kéo dài, sau nhà tôi có một vết nứt rất sâu với chiều dài khoảng 50m. Khi trời mưa gia đình tôi đã chủ động di dời tài sản có giá trị và đi ở nhờ, hết mưa lại về nhà. Hiện nay, tôi đang chủ động đi tìm nơi ở mới an toàn hơn”.
Đồng chí Tráng Tỷ Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến cho biết: “Ngay sau khi nắm được tình hình, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ, công chức phụ trách thôn và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã phân công thành viên xuống thôn nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân di chuyển sang nơi ở khác an toàn hơn, tổ chức thống kê, kiểm đếm, xác định nguy cơ ảnh hưởng đến các nhà dân, tổng hợp báo cáo huyện theo quy định, cắm biển cảnh báo. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, trực 24/24 giờ, kịp thời báo cáo tình hình với Thường trực UBND xã để có phương án xử lý. Chỉ đạo trường học di chuyển một số tài sản có giá trị về trường chính để bảo quản. Xem xét, xây dựng phương án hỗ trợ cho các hộ di dời nhà ở ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; phương án khắc phục tạm thời đối với các công trình công cộng”.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT, với đặc thù huyện có nhiều xã thuộc khu vực núi cao, nhiều hộ dân sống quanh khu vực chân núi, ven chân đồi, huyện đã yêu cầu các địa phương thống kê, rà soát, lập danh sách các hộ có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để xây dựng phương án di chuyển khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chủ quan và có tâm lý e ngại nếu phải di dời trong điều kiện cần thiết. Chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Phân công cán bộ phụ trách theo từng khu vực và theo dõi chặt chẽ diễn biến khi có mưa, lũ để có thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân, nhất là đối với các địa phương có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét, ngập úng”.
Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU
Ý kiến bạn đọc